Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Luôn khép mình, hạn chế tối đa xuất hiện tại nơi đông người bởi căn bệnh bạch biến với các vết da loang trắng trên mặt và cổ, cô gái P.T.H (Hà Tĩnh) đã thực sự hòa nhập với cuộc sống sau khi được ghép tế bào thượng bì tự thân.

Chia tay mặc cảm

7 tuổi, trên khuôn mặt cô bé P.T.H bỗng xuất hiện đốm trắng đầu tiên ở mép. Tưởng con bị bệnh lang ben, bố mẹ H mua thuốc bôi, thuốc uống cho con dùng nhưng không thấy hiệu quả. Theo thời gian, từ đốm trắng nhanh chóng lan dần thành mảng trắng kéo dài một phần má. Được đưa tới bệnh viện khám, H được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh bạch biến.

Bác sĩ khám cho một bệnh nhân bạch biến.

Căn bệnh không khiến H đau đớn nhưng mang lại nhiều phiền toái ở độ tuổi dậy thì. Những lời trêu chọc ác ý về diện mạo khiến em luôn mặc cảm, cuộc sống ngày càng khép kín, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.

Cách đây hai năm, H tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám. Tại đây, bác sĩ xác định H mắc bạch biến thể đoạn, đủ điều kiện áp dụng phác đồ ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy kết hợp điều trị bằng ánh sáng trị liệu.

Sau cuộc phẫu thuật thành công, H được kết hợp cùng chiếu tia cực tím để tăng hiệu quả. Theo thời gian, sắc tố da phục hồi kì diệu, thay thế toàn bộ phần da bạch biến. Với H, một cuộc đời mới bắt đầu từ khi khuôn mặt không còn hằn nhiều dấu vết của bệnh bạch biến.

Cũng giống H, em Đ.K.T (20 tuổi, ở Hà Nội) cũng có 5 năm sống trong mặc cảm khi trên khuôn mặt có mảng bạch biến kéo dài từ môi xuống cằm và cổ. Năm 2022, T được chỉ định thực hiện ghép tế bào thượng bì tự thân. Gặp lại T sau 18 tháng thực hiện ghép, không ai còn nhận ra dấu tích của bạch biến trên khuôn mặt.

TS. BS Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng nhóm Bạch biến, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bạch biến là bệnh rối loạn sắc tố ở da và niêm mạc với đặc trưng là những đốm trắng giảm hoặc mất sắc tố. Các đốm trắng này có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào của cơ thể, thường gặp ở mu bàn tay, mặt, cẳng tay, vùng sinh dục.

Bạch biến không phải là bệnh truyền nhiễm hay bệnh nguy hiểm, nhưng lại gây cảm giác mất tự tin cho người bệnh. Trên thế giới và tại Việt Nam, người mắc bạch biến chiếm khoảng 0,5 - 2% dân số.

Có thể chữa khỏi dứt điểm?

BS Hiền cho biết thêm, bệnh bạch biến là một bệnh mãn tính và là bệnh tự miễn. Cho nên, bệnh nhân bạch biến không dễ để điều trị nhưng tỉ lệ đáp ứng với điều trị khá cao.

Bạch biến là bệnh mãn tính, bệnh tự miễn, không nguy hiểm nhưng làm cho người bệnh mất tự tin.

Các phương pháp điều trị bạch biến có rất nhiều, tiêu biểu là thuốc bôi và ánh sáng trị liệu. Về ánh sáng trị liệu, ngoài phương pháp chiếu đèn UVB tại chỗ, toàn thân, Bệnh viện Da liễu Trung ương còn chiếu examiner dạng đèn và examiner dạng laze.

Đối với những bệnh nhân bạch biến ở thể tiến triển, sẽ có những phương pháp điều trị toàn thân dựa theo cơ chế của bệnh bạch biến là bệnh tự miễn, dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Còn với những bệnh nhân bạch biến ở thể ổn định, bệnh viện đã phẫu thuật ghép da và phẫu thuật thượng bì. Đáng chú ý phương pháp phẫu thuật ghép tế bào thượng bì mang lại hiệu quả rất cao.

Chia sẻ thêm về giải pháp ghép tế bào tự thân, BS Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung cho biết, đây là phương pháp dùng tế bào thượng bì gồm: tế bào hắc tố, tế bào gai, một số tế bào gốc của chính cơ thể mình ghép vào tổn thương bạch biến.

Các bác sĩ lấy da ở vùng hông hoặc mặt trước đùi theo tỷ lệ 1/5 (thí dụ vùng bạch biến cần được ghép có diện tích là 10cm² thì cần lấy 2cm² ở vùng trước đùi). Nếu tổn thương rộng tỷ lệ này có thể là 1/10. Miếng da này sẽ được đưa vào trong dung dịch, qua các công đoạn sẽ tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào, sau đó sẽ ghép vào vùng da bị bạch biến tế bào ghép vào sẽ được dùng gạc cố định lại và tháo ra trong vòng một tuần.

Phương pháp trên được chỉ định thực hiện với các trường hợp bệnh nhân mắc bạch biến ổn định ít nhất một năm (trong vòng một năm không có tổn thương mới nào hoặc tổn thương cũ không lan rộng); Không có hiện tượng Kobner (không xuất hiện tổn thương bạch biến ở vùng chấn thương) và không có tiền sử sẹo lồi do chấn thương. Phương pháp có hiệu quả cao nhất với người bị bạch biến đoạn và thềm ổn định, sau ghép kết hợp với điều trị bằng ánh sáng trị liệu, hiệu quả có thể lên đến 70-90%.

Bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền khuyến cáo, nhiều bệnh nhân khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da tiếp xúc kích ứng, do các bệnh nhân trước khi đến bệnh viện đã tìm đến những phương pháp dân gian như thuốc bôi, các loại để đắp không rõ thành phần. Hoặc bệnh nhân có thể uống các loại thuốc nam không an toàn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra dị ứng toàn thân hoặc ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.

An Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tim-lai-niem-vui-cho-benh-nhan-bach-bien-19224041609114341.htm