Tìm 'thuốc' trị tai biến y tế - Bài 1: 'Lỗ hổng' quản lý, vận hành trang thiết bị

Chỉ định chân trái nhưng mổ nhầm chân phải, rút đinh tay phải sau đó bác sĩ mổ nhầm tay trái, đặc biệt vụ việc 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Hòa Bình...là những sự cố y khoa nghiêm trọng, đòi hỏi ngành y cần có giải pháp hữu hiệu để hạn chế các tai biến y khoa tương tự.

Bệnh viện Bạch Mai đang cấp cứu điều trị cho bệnh nhân trong sự cố y khoa khi đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN.

Thuê công ty “Thoát nước và xử lý nước thải” xử lý nước chạy thận

Đánh giá về nguyên nhân sự cố y khoa nghiêm trọng ngày 29/5 khiến 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, tuần qua, nhiều chuyên gia y tế cho biết rất choáng váng khi cơ quan điều tra kết luận có Flohydric, một chất cực độc tồn dư trong hệ thống máy lọc nước RO dẫn vào máy chạy thận nhân tạo.

Hiện tại, cơ quan Công an tỉnh Hòa Bình vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ các sai phạm của các đối tượng liên quan đến thảm họa y tế có một không hai trong cả y văn thế giới này. Đến nay, sau một thời gian tạm giam, trước kiến nghị của nhiều cá nhân, đoàn thể, BS Hoàng Công Lương, 1 trong 3 bị can bị bắt giam, cũng đã được phép tại ngoại để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, dư luận vẫn tiếp tục đặt nhiều nghi vấn về vai trò của người đứng đầu, nhất là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong việc để Công ty Trâm Anh chứ không phải Công ty Thiên Sơn bảo hành lô máy thận nhân tạo, trong đó có việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO.

Bởi thực tế, giấy phép ngành nghề kinh doanh chính của Công ty Trâm Anh là “Thoát nước và xử lý nước thải” nhưng, không hiểu sao Công ty này lại được "ưu ái" giành được quyền bảo hành, súc rửa 2 máy chạy thận cho Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Theo cơ quan điều tra, trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO, bị can Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh, đã sử dụng hóa chất Axít clohydric (HCL) và Axít Flohydric (HF) để sục rửa. Do cẩu thả nên sau khi sục rửa, Quốc đã quên xả 2 đầu vào máy, đã làm tồn dư hóa chất trong các đường ống nước dẫn vào máy lọc thận. Mặc dù chưa biết nước đã đạt tiêu chuẩn hay chưa nhưng đối tượng vẫn bàn giao cho bệnh viện để đưa vào sử dụng cho các bệnh nhân chạy thận. Do vậy, đã dẫn đến cái chết thương tâm của 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Hòa Bình ngày 29/5.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Bàng, nguyên Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: Về nguyên tắc, các thầy thuốc không có trách nhiệm kiểm tra chất lượng bảo trì vật tư. Các bác sĩ đều đã trao hết niềm tin vào lãnh đạo và không thể chịu trách nhiệm pháp lý cho những sự "loanh quanh, vòng vèo..." mà chỉ có các các nhà quản lý mới biết.

“Ai là người trong Bệnh viện để Công ty Trâm Anh chứ không phải Thiên Sơn bảo hành lô máy thận nhân tạo "định mệnh" kia mới phải ra trước vành móng ngựa. BS Hoàng Công Lương hay đồng nghiệp tại đơn vị thận không chịu trách nhiệm về tai nạn do sự thuê mướn lòng vòng kia. Pháp luật cần làm đúng để bệnh nhân không tử vong và thầy thuốc không bị quá oan trong khi nhưng người chịu trách nhiệm pháp lý lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Đừng để chúng tôi nghĩ mình là con tốt đen...”, PGS.TS Nguyễn Văn Bàng nhấn mạnh.

Trách nhiệm của người đứng đầu

Nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng, vấn đề cần bàn nhất ở đây là trách nhiệm người đứng đầu. BS Hoàng CôngLương là người đứng đầu đơn nguyên Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đã phải chịu trách nhiệm một cách không thể buồn hơn là rơi vào vòng lao lý. Vậy trách nhiệm của những người đứng đầu khác ở đâu trong câu chuyện rất đáng buồn này?

Theo Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, 1 trong số 4 vị trí đứng đầu liên quan đến vụ tai biến thận nhân tạo cần phải nhắc đến là vị Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Cụ thể, ông Trương Quý Dương phải là người chịu trách nhiệm chính trong các quy trình vận hành máy móc tại đơn vị mà mình trực tiếp quản lý. Ông Dương cần phải trả lời được câu hỏi: Ai thay mặt Ban lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đồng ý cho Công ty Trâm Anh làm việc bảo trì máy móc trong khi Hợp đồng ký với Công ty Thiên Sơn.

Một vị trí đứng đầu khác mà Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề cập chính là trách nhiệm của các lãnh đạo ngành y tế khi đưa ra các quy trình vận hành các thiết bị y khoa.

Ngành Y đã có rất nhiều quy trình, nguyên tắc nhưng sự việc tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã thể hiện rõ lỗ hổng trong pháp luật đối với việc quản lý và vận hành các trang thiết bị y tế. Người trực tiếp vận hành chạy máy thận nhân tạo là các bác sĩ trong khi các bộ phận bảo đảm an toàn về mặt kỹ thuật lại là các công ty do Ban lãnh đạo bệnh viện lựa chọn. Vậy những thầy thuốc cần bắt buộc kiểm tra chất lượng máy móc ở những khâu nào? Bằng phương tiện kỹ thuật nào? Theo văn bản nào?

Tai biến sẽ xảy ra khi các hàng rào phòng thủ bị phá vỡ. Nguồn: PGS. TS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.

“Rõ ràng, hệ thống quản lý chất lượng và an toàn người bệnh ở nước ta đang có vấn đề, mà cái chết của 8 bệnh nhân cùng 10 người may mắn thoát nạn là minh chứng rõ nhất cho một lĩnh vực cực kì quan trọng nhưng lại đang chưa được quan tâm đúng mức”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Do vậy, rất cần cơ quan chủ quản bình tĩnh rà soát lại văn bản, cách thức quản lý, vận hành các thiết bị vật tư tiêu hao ngành y tế. Cần phải chú trọng đào tạo về kiểm tra an toàn và chất lượng sản phẩm QA/QC (Quality assessment/ Quality Control), phải coi đây là tiêu chí để cấp phép cho các bệnh viện, phòng khám, các phương pháp điều trị mới ... được triển khai hoạt động.

Đồng tình với quan điểm này, BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, khẳng định: Khi lỗi thuộc về hệ thống, pháp luật dù có gia tăng đến đâu chăng nữa những chế tài hình sự đối với cá nhân thì những sai sót cũng không thể giảm. Mà bác sĩ càng hoạt động chuyên môn nhiều thì càng xảy ra nhiều sai sót và chỉ có bác sĩ không làm chuyên môn thì sai sót mới không xảy ra.

“Cách tốt nhất để giảm thiểu những sai sót y khoa là ngành y tế phải bắt tay xây dựng thật bài bản hệ thống quản lý chất lượng và an toàn người bệnh. Cùng với đó, y tế phải tạo nên môi trường cởi mở, để bác sĩ dám nhận trách nhiệm và rút ra bài học từ những sai sót do chính mình gây ra”, BS Trần Văn Phúc khẳng định.

Phương Liên/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/suc-khoe/tim-thuoc-tri-tai-bien-y-te-bai-1-lo-hong-quan-ly-van-hanh-trang-thiet-bi-20170711165342655.htm