Tín dụng đen hoành hành và bí mật về những cuộc săn lùng tiền tỷ

Tín dụng đen với những biến ảo khôn lường với nhiều dạng liên kết ngầm đã khiến người dân mọi nơi rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất".

Tín dụng đen đang hoành hành tại từ thành thị tới nông thôn đang là thực trạng báo động bởi những hệ lụy kinh hoàng của nó. Đằng sau đó là những cuộc truy lùng của dân “đòi nợ thuê”, hay nói cách khác là “tay chân” của những ông, bà chủ tín dụng đen.

Chuyện vỡ nợ, dân tín dụng đen cho người ép buộc, đòi nợ người dân là câu chuyện không hề hiếm mà nó xảy ra thường xuyên tại mọi vùng miền đặc biệt là nông thôn.

Kể cũng lạ, cứ vỡ nợ là phải bỏ trốn, chẳng biết trốn chui trốn lủi ở đâu nhưng cứ miễn là trốn được. Kẻ lang bạt mãi tận Tây nguyên, kẻ trốn mãi vùng trời Tây Bắc.

Người dân Nam Định trong thời điểm hiện tại đang nằm trong vòng xoáy của tín dụng đen, nói một cách hài hước của một đồng nghiệp thì Nam Định đang trở thành “cái nôi” của vỡ nợ.

Thống kê từ cơ quan chức năng cũng khẳng định, cả nước đã vỡ nợ tới gần 6000 ngàn tỷ, số tiền này quả là khủng khiếp. Nhìn và tính sơ bộ thì vỡ nhỏ cũng vài tỷ, vừa vừa thì hàng chục tỷ, lớn thì vỡ đến vài trăm tỷ. Nhìn vào những con số ai chẳng "hoa mắt chóng mặt".

Tín dụng đen trở thành nỗi ám ảnh nơi quê nghèo.

Vậy những hệ lụy tất yếu trong cơn vỡ nợ này là gì?. Ít nhiều những trùm nợ lâm vào vòng lao lý, hoặc bỏ trốn mất dạng, dân nghèo thì lao đao bởi tiền mất tật mang, sống dở chết dở vì từ nay không biết trông chờ vào đâu để trả nợ. Điều lạ là các cơ quan chức năng rất ít và cảm thấy rất khó khăn trong quá trình xử lý những vụ vỡ nợ này.

Thứ nhất, mọi giao dịch giữa người dân và chủ tín dụng đều dựa trên tinh thần tự nguyện, mọi cam kết đều là thỏa thuận, hoặc là giấy tờ hoặc là bằng miệng. Như vậy, mọi chứng cứ hồ sơ phục vụ cho công tác điều tra là hết sức khó khăn.

Thứ hai, dạng liên kết tín dụng đen hiện nay là một mô hình cực kỳ tinh vi và tuân theo nhưng luật ngầm chặt chẽ, không dễ gì kiểm soát.

Chúng tôi đơn cử thế này, tại Nghĩa Hưng (Nam Định) các vụ vỡ nợ tại xã Nghĩa Trung, xã Nam Điền đều dính đến các chủ hiệu cầm đồ và dân “anh chị”. Người mà cho cán bộ tư pháp xã vay nhiều nhất chính là một chủ hiệu cầm đồ có tiếng tại xã. Công chính ngôn thuận thì cho vay lãi suất là chuyện bình thường đối với dân tín dụng nhưng cái bất thường ở đây chính là những biên lai thỏa thuận trong vay nợ.

Thông thường, những số tiền lớn, lãi suất cho vay chủ hiệu cầm đồ chỉ ghi là thỏa thuận, do vậy người vay (thân quen) chỉ thỏa thuận ngầm bằng miệng là 2 ngàn hay 5 ngàn/1 triệu/1 ngày. Nhưng nếu khi có biến, chủ hiệu cầm đồ có thể cãi bay cãi biến và đương nhiên con nợ chỉ biết kêu trời vì khi đó có thể không là 5 ngàn/1 triệu mà sẽ nhiều hơn thế nữa.

Chỉ vì lãi suất cao mà không ít người dân dính bẫy lừa đảo.

Tất nhiên, nhiều người sẽ không chịu, về mặt này chủ hiệu cầm đồ, kẻ cho vay tín dụng đã tính sẵn. Chỉ cần “bất hợp tác” là chỉ chưa đầy một nốt nhạc, dân đao búa sẽ xuất hiện.

Dân thì lành lắm, chỉ thấy dân xăm trổ là im thin thít hoặc là chạy, vậy thử hỏi đâu dám cự cãi lại những ông chủ tín dụng. Đây chính là cái bẫy nguy hiểm nhất khiến người dân rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Thứ ba, đối với dân cho vay nặng lãi, chủ cầm đồ luôn bỏ tiền nuôi một cơ số dân anh chị có chút số má vừa để đóng luật để được bảo kê vừa là mượn oai hùm khi có “biến”.

Thế nên mới có chuyện, sau khi ông cán bộ tư pháp xã ôm tiền bỏ trốn thì ngay lập tức có một nhóm người lên đường truy lùng với danh nghĩa là “tìm người” giúp nhưng thực chất là dân xã hội đi bắt người bỏ trốn. Chẳng ai thương ông cán bộ xã vay tiền tỷ, nhưng người dân thương 2 đứa con đang độ tuổi học hành phải dang dở chưa biết đi đâu về đâu. Rồi sau này chúng trưởng thành có dám ngẩng mặt lên nhìn bạn bè, xã hội.

Trong khi chúng tôi đang viết bài viết này, thì tại xã Nghĩa Trung lại thêm một thông tin về vụ vỡ nợ và người bỏ trốn là 3 mẹ con tên H.V. Khổ một nỗi người mẹ trẻ này khi vỡ nợ đã bồng bế 2 đứa con thơ dại không biết đi đâu về đâu. Chị này cũng chỉ vì những đồng tiền lãi mà huy động vốn từ người dân và chuyển cho một chủ hội khác có tiếng tại tỉnh Nam Định. Sau khi chủ hội này biệt tích, chị H.V bị người dân đòi riết quá nên phải bỏ trốn khỏi địa phương.

Ai người được hưởng lợi trong cơn bão tín dụng đen?

Dân khổ vì chút lòng tham kể ra nói cũng không quá, ai đời “trẻ cậy cha, già cậy con”, cả đời tích cóp được ít tiền định bụng biết bao việc lớn, con cái lớn khôn đi làm mỗi tháng ít nhiều gửi về biếu vài triệu thì các cụ cất kỹ đâu có dám tiêu phá gì đâu. Ấy vậy mà đùng một cái, nghe người nọ bảo người kia có cán bộ đàng hoàng muốn vay tiền mà tiền lãi thì cao lắm, trả sòng phẳng lắm.

Nói đến cán bộ quyền cao chức trọng thì ai mà chẳng tin tưởng, thế là dốc sạch cho vay và thế là phút chốc mất hết. Đến nước này chỉ biết khóc thầm chứ đâu dám nói với các con. Thương lắm!!!

Sướng nhất vẫn là dân đầu tư cho vay tín dụng, kiểu gì có vỡ nợ thì số lãi cắt cổ cho vay họ đã thừa vốn. Cho nên việc chính của họ giờ là giả vờ nhân nghĩa, tung tiền thuê người đi tìm kẻ trốn nợ nhưng thực chất là tìm người để ép nợ. Có tìm được cũng chỉ lại thỏa thuận rồi lấy tiền chứ đâu trả lại cho dân đồng tiền nào.

Thế nên mới có chuyện, khi một nhóm người tìm được người trốn nợ thì bỗng nhiên được một cục tiền “trên trời rơi xuống” họ chia nhau rồi về quê bằng ba từ im lặng.

Không biết cái vòng luẩn quẩn này khi nào mới dừng lại, không biết khi nào con bão vỡ nợ mới hết hoành hành. Không biết khi nào dân tôi mới hết tin vào những lời lừa lọc chót lưỡi đầu môi...?

Phạm Dương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tin-dung-den-hoanh-hanh-va-bi-mat-ve-nhung-cuoc-san-lung-tien-ty-a300568.html