Tín dụng vẫn xa nông dân

(HQ Online)- Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay, hàng năm, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tăng trung bình khoảng 20%. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều người nông dân vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và hiệu quả sử dụng vốn chưa được như mong đợi.

Thiếu vốn trong bối cảnh giá cá tra xuống thấp khiến nhiều hộ nông dân nuôi cá lao đao. Ảnh internet

Tại buổi tọa đàm trực tuyến về “Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn” diễn ra sáng nay 15-8, ông Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Đến nay, tín dụng dành cho nông dân thông qua Hội Nông dân mới đạt 13.000 tỷ đồng.

Tổng số nông dân cả nước hiện là 14 triệu hộ. Như vậy, chưa đến 4% số hộ nông dân được vay vốn trong khi bình thường khoảng 50% hoặc hơn có nhu cầu vay vốn.

Ông Môn cho rằng, điều kiện vay vốn của các ngân hàng đặt ra đối với nông dân hiện nay khá ngặt nghèo. Cụ thể, mặc dù nông dân không cần thế chấp nhưng vẫn phải có sổ đỏ mới vay được tiền.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết thêm: Ngoài ký kết cấp vốn tín dụng qua Hội Nông dân, Agribank còn ký kết với Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… Qua tổng kết cho thấy, Agribank cho vay qua cấp hội là 30.000-40.000 tỷ đồng, còn cho vay nông thôn là 368.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đáng bàn hơn cả là ông Đông khẳng định, ngân hàng chủ yếu cho doanh nghiệp vay hơn hộ nông dân. Đó là bởi, tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, cho người dân vay món nhỏ lẻ thì chi phí hoạt động cao. Ngoài ra, người nông dân là đối tượng vay dễ bị tổn thương nhất. Họ không chỉ chịu những rủi ro đơn thuần từ trình độ năng lực quản lý của chính hộ vay, mà còn từ thiên nhiên như hạn hán thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh… Xuất phát từ các yếu tố trên nên nếu ngân hàng không có lượng chi nhánh gần dân, sát dân, không đủ lượng cán bộ, thì muốn cho vay tới hộ dân cũng không cho vay được.

Đối diện với câu hỏi, tại sao nông dân là đối tượng rất cần vốn mà vốn vẫn xa dân, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Các ngân hàng thanh khoản rất dồi dào, nhưng vốn vẫn ra từ từ là do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp.

Thời gian tới, để giúp nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, ông Nguyễn Viết Mạnh cho rằng, cần phải phát triển hợp tác xã để đứng ra hỗ trợ nông dân. Đồng thời, mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn để sản xuất hàng hóa nhằm hấp thụ được vốn tín dụng tốt hơn…

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng cần giữ vững quan điểm rằng, việc giữ số đỏ của các hộ nông dân vay vốn chính là giữ cho nông dân, chứ không phải là thế chấp. Điều này tránh bà con nông dân tiếp tục vay ở ngân hàng khác, dẫn đến mất khả năng trả nợ.

Đồng tình với các quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Đông bổ sung: Ngoài việc cho vay trực tiếp, ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc cho vay vốn thông qua các tổ chức hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Đồng thời, cần phải có cơ chế chính sách bảo hiểm nông nghiệp, cũng như chính sách cụ thể về phân loại nợ, trích lập dự phòng, xử lý rủi ro… đặc thù cho lĩnh vực nông nghiệp.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tin-dung-van-xa-dan.aspx