Tín hiệu khả quan từ xuất nhập khẩu

Việc xuất khẩu của Việt Nam chỉ giảm nhẹ 1,7% trong bối cảnh thương mại quốc tế suy giảm mạnh do dịch bệnh COVID-19 là một tín hiệu đáng khích lệ...

Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5-2020 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 1,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,9 tỷ USD, tăng 7,6%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 5-2020 giảm 15,5%.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 19,4 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,6 tỷ USD, tăng 4,8%. Còn so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2020 ước tính giảm 15,9%.

Ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế khi Hiệp định EVFTA được thực thị

Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7%, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8%, so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD.

Việc xuất khẩu của Việt Nam chỉ giảm nhẹ 1,7% trong bối cảnh thương mại quốc tế suy giảm mạnh do dịch bệnh COVID-19 là một tín hiệu đáng khích lệ. Nhiều khả năng xuất khẩu trong tháng 6 sẽ tiếp tục tăng trưởng so với tháng 5 do Mỹ và EU mở cửa lại nền kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian dài hơn, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính được dự báo khó có thể hồi phục mạnh ngay sau dịch bệnh. Do đó, xuất khẩu của Việt Nam trong cả năm 2020 sẽ còn gặp nhiều thách thức.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WHO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI cho rằng, rõ ràng cơ hội đang mở ra trong xuất nhập khẩu nhưng nó còn phụ thuộc vào các yếu tố mà Việt Nam có nắm được hay không.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào 02 yếu tố: Sức mua của thị trường toàn cầu và mức độ cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu mặt hàng tương tự. Nếu xét theo 2 yếu tố này, hiện tại cầu vẫn yếu, cung thì trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Việt Nam được lợi một chút khi sản xuất ở các nền kinh tế đối thủ bị đình đốn, nhưng đến quý II-2020 khi cầu ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu sụt giảm đột ngột thì cung cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Lạc quan về cơ hội xuất khẩu hàng hóa sau dịch, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, sau dịch ngành thủy sản xuất khẩu sẽ có những cơ hội nhất định. Đặc biết khi EVFTA được thực thi, ngành xuất khẩu thủy sản sẽ có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU.

“Bởi lẽ EU là thị trường quan trọng với thủy sản và để tận dụng được lợi ích về thuế quan, các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhập thông tin hoạt động chế biến, logistics, nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA” - Tổng Thư ký VASEP lý giải.

(Theo enternews.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202006/tin-hieu-kha-quan-tu-xuat-nhap-khau-901276/