Tín hiệu khả quan về lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 vừa được một số ngân hàng công bố đều cho thấy sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước.

Tín dụng có xu hướng tăng dần tại các lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng và chứng khoán.

Kết thúc nửa đầu năm 2017, tổng tài sản của Ngân hàng Phương Đông (OCB) tăng trưởng 14% so với năm 2016, đạt 72.755 tỷ đồng. Tổng dư nợ trên thị trường 1 tăng trưởng 13,5%, đạt hơn 44.960 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch lũy kế); tổng huy động trên thị trường 1 tăng hơn 11%, đạt hơn 51.300 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,67% (bao gồm cả nợ VAMC là 2,61%); đặc biệt là lợi nhuận trước thuế đạt 494 tỷ đồng cao hơn 2% lợi nhuận năm 2016 và gấp đôi (2,1 lần) so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, tính đến hết ngày 30/6, tổng tài sản của Sacombank đạt 352.683 tỷ đồng, tăng 7,1% so đầu năm. Cho vay khách hàng và huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư lần lượt đạt 212.538 tỷ đồng và 317.491 tỷ đồng, tăng 10,1% và 9,7% so với con số đầu năm. Đáng chú ý, lợi nhuận trước trích lập dự phòng của Sacombank đạt 490 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 428 tỷ đồng, tăng 70,4% so với cùng kỳ 2016. Đặc biệt, thu dịch vụ có sự tăng trưởng với 727 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ, chiếm 23,4% tổng thu nhập. Trong 6 tháng đầu năm, Sacombank cho biết đã tự xử lý được 845 tỷ đồng nợ xấu, thu hồi 247 tỷ nợ bán VAMC. Đối với tài sản nhận cấn trừ nợ, gán nợ, Sacombank cũng đã xử lý và thu hồi 1.039 tỷ đồng, các khoản phải thu giảm 4,5% so với đầu năm.

Tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, qua 6 tháng kinh doanh, Vietcombank đã đạt kết quả rất khả quan trên mọi mặt hoạt động, từ huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng, kinh doanh dịch vụ... Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế trước dự phòng đạt 8.058 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ, đạt 53% kế hoạch 2017.

Trước đó, một số ngân hàng như VietinBank, Sài Gòn Hà Nội, TPBank cũng hé lộ những mức tăng trưởng ấn tượng về lợi nhuận trong nửa đầu năm 2017. Theo dự báo của Công ty chứng khoán HSC, kết quả kinh doanh của một số ngân hàng cũng tăng mạnh. Cụ thể, HSC dự báo lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng MB tăng 29%, ACB tăng gần 39%…

Vẫn lo về nợ xấu

Kết quả tích cực như trên có phần đóng góp đáng kể từ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2017. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ước tính đến hết tháng 6/2017, tín dụng tăng gần 8% so với cuối năm 2016. Riêng tại địa bàn TP.HCM, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến 30/6 đạt 1,621 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2016 và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng cao trong 5 năm gần đây. Trong đó, khối Ngân hàng TMCP chiếm thị phần 54% trong tổng dư nợ, đạt tốc độ tăng 8,47% so với cuối năm 2016; khối ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm thị phần 31% trong tổng dư nợ, đạt tốc độ tăng trưởng 9,23% so với cuối năm 2016.

Tuy nhiên, so với cuối năm 2016, nợ xấu trên địa bàn TP.HCM không thay đổi nhiều. Tuy nợ xấu được kiểm soát nhưng nợ xấu vẫn còn biến động và tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP.HCM, nợ xấu trên địa bàn hiện khoảng 63.000 tỷ đồng và vẫn duy trì quanh mức 4% trong tổng dư nợ. Như vậy, so với cuối năm 2016, nợ xấu vẫn tăng 3.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu lĩnh vực sản xuất kinh doanh phát sinh tăng 10.497 tỷ đồng; nợ xấu lĩnh vực cho vay bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán phát sinh tăng 12.635 tỷ đồng, riêng nợ xấu lĩnh vực cho vay tiêu dùng phát sinh tăng 10.183 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nợ xấu (69%).

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, nợ xấu trên địa bàn vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm các ngân hàng cơ cấu lại, xử lý và mua lại 0 đồng, gồm 6 chi nhánh của 3 ngân hàng TNHH MTV Xây dựng, Đại Dương và Dầu khí toàn cầu tại TP.HCM. Tổng nợ xấu của 3 ngân hàng này là 20.214 tỷ đồng, chiếm 32% tổng nợ xấu trên địa bàn. Đây là các khoản nợ xấu rất khó xử lý, gắn liền với quá trình tái cơ cấu của các ngân hàng này và phụ thuộc nhiều vào kết quả xử lý do liên quan đến vụ án. Nếu loại số nợ xấu của các ngân hàng này ra, thì nợ xấu trên địa bàn chỉ còn chiếm 2,78% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Phân tích chi tiết phần còn lại của nợ xấu thì nợ xấu của khối công ty tài chính trên địa bàn là khoảng 4.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng nợ xấu trên địa bàn và chiếm 6,04% tổng dư nợ của khối này. Tuy nhiên, nợ xấu của nhóm công ty tài chính trong kỳ phát sinh tăng/ giảm lớn đối với các khách hàng của những công ty này. Điều này xuất phát từ đặc thù hoạt động của các công ty tài chính rủi ro phát sinh lớn và biện pháp thu hồi nợ của những công ty này cũng mang đặc thù riêng, thường thuê các đơn vị tư vấn thực hiện thu hồi nợ.

Ngoài ra, theo phân tích của NHNN chi nhánh TP.HCM, mặc dù tín dụng vẫn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, song tỷ trọng trong tổng dư nợ đã thấp hơn so với trước đây, cơ cấu tín dụng có xu hướng thay đổi theo hướng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng và chứng khoán tăng dần. Hiện dư nợ cho vay bất động sản, cho vay tiêu dùng và kinh doanh chứng khoán chiếm khoảng 26,7% trong tổng dư nợ trên địa bàn. Trong khi các năm trước tỷ lệ này luôn ở mức 19-20% trong tổng dư nợ tín dụng. Trước thực tế trên, NHNN chi nhánh TP.HCM khuyến nghị các tổ chức tín dụng cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất, cho vay và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHTƯ phê duyệt, thực hiện theo chỉ đạo của NHTƯ.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tin-hieu-kha-quan-ve-loi-nhuan-ngan-hang-nua-dau-nam.aspx