Tín hiệu

Nỗi sợ tiếng kẻng, tiếng chuông, tiếng còi (không chỉ tiếng còi cảnh sát, mà là tiếng còi ô tô, xe máy. Dân Nam gọi là kèn xe, nghe có vẻ dễ thương hơn chăng?) đã thành căn bệnh từ lâu của anh. Sau hàng chục năm rời khỏi đời lính, nhiều đêm anh vẫn giật mình, choàng dậy vì tiếng kẻng (bằng quả bom cũ của Mỹ) hiệu lệnh của đơn vị dội vào giấc mơ. Nhà ở mặt phố, anh đã kín đáo đặt chuông ở góc khuất, để khá cao, ngoài tầm với trẻ con. Lại cũng chọn kỹ các loa có âm thanh trang nhã tử tế vì ngại tiếng chuông như mổ cò vào tai vào óc. Thế nhưng cũng phải bỏ. Không chỉ vì đám tiếp thị, thầy chùa, tăng ni giả danh xin tiền, mấy cậu bán gas chuyên chụp giật, lừa đảo… buộc anh phải cắt chuông. Tệ đến mức có lần độ hơn 4 giờ sáng, anh bật dậy, lao ra ban công vì nghe tiếng chuông. Nhìn xuống, thấy một cậu già “vui tính” chừng ngoài 50 đi tập thể dục qua, đang cười ngây ngô vừa rời tay khỏi cái chuông.

Anh không mấy khi bấm còi xe ngoài đường. Không thấy dân nước tử tế nào dùng còi xe thô lỗ và man rợ như dân mình. Một cô bạn cũng đồng tình với anh. Cô ấy bảo, bỏ chồng vì có ba lý do thôi. Ăn gì xong cũng ngậm tăm dù đang ở đâu ít nhất 15 phút, sau đó lại cất chiếc tăm nhựa giữ được từ chuyến bay nước ngoài đã lâu lắm rồi; thứ hai, chuyên đeo lủng lẳng chùm chìa khóa ở thắt lưng cứ như thằng thủ kho thời bao cấp; và thứ ba, điều này cũng tệ chẳng kém, nói rất to và luôn bấm còi xe liên tục, kể cả lúc nửa đêm chạy xe trên đường vắng. Nói thì cãi: “Còi cho an toàn, lỡ có người lao ra từ trong ngõ thì sao…”. Anh chẳng hiểu cô ấy nói đùa hay nói thật, nhưng vẽ ra được ba chi tiết ấy cũng đủ ra một bức tranh hài không có mục đích và cũng chẳng có khả năng gây cười. Anh biết nhiều kẻ thích bấm còi vì rất nhiều lý do, dù lắm lúc không cần, và không thể giải quyết được chuyện gì, không kể bấm còi là muốn để cướp đường, lấn đường, chuẩn bị sẵn sàng để “cả vú lấp miệng em” khi va chạm cũng có, lại cũng có người muốn lên tín hiệu rằng, ta đang có mặt trên đường đời này đây. Cái cách chọn còi xe, cách bấm còi cũng đáng để cho ta nhận biết tính cách của mỗi người.

Ấy thế mà anh cũng phát sốt vì gần một tuần xe máy của anh mất còi. Đi ra đường bỗng thấy mình thiếu tự tin, rụt rè, chậm chạp hẳn. Có lần đi vào một làng quê giờ cũng đã là phố, anh lừ đừ, long ngóng cho chiếc xe bò chậm vào con đường lát xi măng chật, gặp mấy cậu non choẹt đang đứng dạng háng chắn giữa. Anh phanh lại, xin đường. Một cậu lườm: “Sao không bấm còi báo hả?”. Ôi giời, anh đã từng vào những xóm liều, từng bấm còi thì đã bị mấy gã dở say dở tỉnh quát: “Đây không điếc, làm gì mà nhặng xị còi ầm lên thế”.

Giờ thì anh luôn đi xe ôm, taxi, và cứ thấy cậu lái nào hay bấm còi lại nhắc. Nhưng rồi cũng đành chịu bởi họ có cái lý của họ. Hình như nhà ông Lênin nói thì phải, đi với chó sói thì phải hú lên. Ra đường với người thì xe phải có còi, không thì khổ như đám già đi bộ, cứ phải vẫy tay run rẩy như tàu lá héo, qua đường như kẻ cầu xin thảm hại.

Rồi một ngày anh ra ga tiễn cô bạn sợ còi xe như anh chuyển vào Sài Gòn sống... “Em muốn đi tàu sau bao năm. Với lại cũng muốn đi cùng đồ đạc…”. Thật ra thì đồ đạc chỉ là mấy thùng sách, tranh và đồ lặt vặt. Căn hộ đã chia 3. Chồng một phần và giữ cho con trai nối dõi một phần mà phải để chồng nuôi là điều kiện tiên quyết để ly dị. Anh chồng nói, chỉ giữ cái xe Audi Q7 ấy để đưa đón con, còn đồ đạc trong nhà cho cô tất…

Thôi, thế cũng nhẹ người. Tàu giờ thưa khách, ít chuyến ngược xuôi, tiếng còi tàu tiễn biệt nghe như tiếng thở dài của kẻ già khó thở, chỉ có tiếng loa là to. Anh bảo cô bạn, vào trong đấy vui nhé, cố gắng kiếm một anh lái máy bay ấy thì chắc là đỡ phải nghe tiếng còi xe… Và giờ anh tin là cô ấy thành thật khi nói bỏ chồng vì mấy lý do cô đã kể. “Nghe tiếng còi tàu tiễn biệt lại thấy nao lòng. Anh có nhớ hồi anh em mình bực bội vì người muốn khôi phục lại tiếng còi báo giờ như còi báo động thời chiến tranh ở Nhà ngân hàng Hà Nội không? Nếu họ làm điều ấy thì thật là điên rồ”. Rồi mắt cô như nhìn vào nơi hoang vắng: “Em ước gì có lúc được đi một chuyến tàu vượt đại dương”. “Còi tàu hú vang, căng thẳng, giã từ/ Chàng thủy thủ không thể nhìn lại nữa…” (1).

Biết nói gì với cô ấy đây, dù rằng nếu chỉ muốn nhìn thấy nhau thì đã có Phây, vào Sài Gòn ra Hà Nội cũng chẳng khó khăn gì… Nhưng anh thì bất quá cũng chỉ là thứ sói hoang, già nua và cô độc chỉ khác anh chồng trước là không ngậm tăm, lưng không lủng lẳng chìa khóa và không thích bấm còi xe…

(1) “Đêm trắng ở Arkhaigel”, thơ E. Evtuchenko, Bằng Việt dịch.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tin-hieu-561675.bld