Tin thế giới 3/4: Mỹ nói gì với Nga trước thảm họa tấn công khủng bố? Ông Hun Sen làm Chủ tịch Thượng viện Campuchia, động đất ở Đài Loan (Trung Quốc)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Một tòa nhà sụp đổ ở Hoa Liên, Đài Loan (Trung Quốc) sau trận động đất mạnh sáng 3/4. (Nguồn: EyePress News/REX/Shutterstock)

Một tòa nhà sụp đổ ở Hoa Liên, Đài Loan (Trung Quốc) sau trận động đất mạnh sáng 3/4. (Nguồn: EyePress News/REX/Shutterstock)

Nga-Ukraine

* Estonia tìm được nguồn đạn pháo viện trợ cho Ukraine trị giá hàng tỷ Euro nếu các đồng minh cung cấp kinh phí, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur.

Theo ông, Estonia "biết nhiều quốc gia có thể là nguồn cung đạn pháo để chuyển cho Ukraine và có khả năng mua với số lượng lớn cũng như nhanh chóng”. Nguồn đạn pháo này chủ yếu ở các nước ngoài châu Âu, bao gồm các loại đạn 155 mm và 152 mm.

Quan chức cấp cao Estonia tự tin rằng, liên minh mua đạn pháo "có thể gửi từ 2 triệu đến 2,5 triệu quả tới Ukraine trong năm nay nếu có đủ kinh phí”. (Euromaidan)

* Tư cách thành viên NATO của Ukraine chỉ là vấn đề thời gian, theo lời Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 3/4.

Ông đã đề xuất kế hoạch thành lập một quỹ 100 tỷ Euro (108 tỷ USD) trong 5 năm cho Ukraine để thúc đẩy NATO gửi thêm vũ khí cho Kiev.

Theo ông, để gửi thông điệp tới Nga rằng Moscow không thể thắng trong cuộc chiến, liên minh quân sự "phải đảm bảo sự hỗ trợ an ninh đáng tin cậy cũng như có thể dự đoán được cho Ukraine trong thời gian dài, nhằm giảm lệ thuộc vào những đóng góp tự nguyện và dựa nhiều hơn vào các cam kết của NATO".

Đề xuất của Tổng thư ký Stoltenberg sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn đối với liên minh quân sự phương Tây, vốn cho đến nay vẫn từ chối đóng vai trò làm một tổ chức gửi vũ khí cho Ukraine do lo sợ sẽ lôi kéo NATO vào gần hơn một cuộc xung đột với Nga. (DW, Reuters)

* Moscow có thông tin lính đánh thuê Thụy Điển chiến đấu cho Ukraine, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga.

Theo bộ trên, tổng số lính đánh thuê Thụy Điển trên lãnh thổ Ukraine lên tới 90 người, trong đó 25 người đã bị tiêu diệt.

Cảnh báo hậu quả tới những người "đang ấp ủ kế hoạch tham gia các hoạt động vũ trang chống lại quân đội Nga trong khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt”, Bộ Ngoại giao lưu ý: “Chính quyền nước ngoài nên biết điều này và chịu trách nhiệm về số phận của họ”. (Sputnik)

* Ukraine chính thức hạ độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25, theo thông báo của Quốc hội Ukraine. Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky đã ký thành luật quyết định trên vào ngày 2/4.

Động thái diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang thiếu binh sĩ để chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, hiện đã bước sang năm thứ 3. (AFP)

Vụ tấn công khủng bố ở Nga

* Lời Mỹ nói với Nga trước thảm họa khủng bố: Ngày 2/4, tờ Washington Post dẫn các nguồn thạo tin cho hay, Mỹ đã cảnh báo Nga rằng, nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Moscow có thể trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công khủng bố, trước khi thảm họa thật sự diễn ra hôm 22/3 khiến hơn 140 người thiệt mạng.

Tờ báo dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên nêu rõ, chính quyền Nga đã nhận được thông báo với “mức độ cụ thể cao” vào ngày 6/3. Một ngày sau đó, Đại sứ quán Mỹ đã cảnh báo công khai về nguy cơ trên.

Vào thời điểm đó, phái bộ ngoại giao Mỹ khuyên công dân nước này ở thủ đô của Nga tránh tham gia các sự kiện lớn trong vòng 48 giờ.

Nhà Trắng cũng tuyên bố, Mỹ đã chia sẻ thông tin về một cuộc tấn công có thể xảy ra với chính quyền Nga. Người đứng đầu Cơ quan tình báo đối ngoại LB Nga (SVR) Sergey Naryshkin xác nhận thông tin này, song lưu ý “thông tin quá chung chung".

* Nga trục xuất hơn 400 người nhập cư từ sau vụ tấn công khủng bố, trong tuần từ 25-29/3.

Trong thời gian trên, các tòa án ở thủ đô Moscow đã lập 1.509 hồ sơ đối với công dân nước ngoài vi phạm quy định nhập cảnh Nga hoặc chế độ lưu trú tại nước này, trong đó ra quyết định xử phạt tiền, trục xuất cưỡng bức và có kiểm soát đối với 1.379 trường hợp (91%).

Các quyết định trục xuất và xử phạt chủ yếu liên quan công dân Tajikistan và Uzbekistan. Ngoài ra còn có công dân của Kyrgyzstan, Armenia, Azerbaijan và các quốc gia khác, chủ yếu là nam giới.

Châu Âu

* Tòa nhà Quốc hội Na Uy bị dọa đánh bom, theo thông báo của Cảnh sát Na Uy ngày 3/4. Cảnh sát đã thắt chặt an ninh xung quanh tòa nhà, phong tỏa các con phố gần đó.

Một người phát ngôn của Quốc hội Na Uy cho biết, người dân tham dự các cuộc thảo luận bên trong tòa nhà đã được yêu cầu rời đi, trong khi các nghị sĩ vẫn tiếp tục làm việc. Buổi làm việc có cả phiên chất vấn các bộ trưởng.

Trong khi đó, cảnh sát vẫn đang tiến hành nhiều cuộc tuần tra để đảm bảo an ninh cho tòa nhà quốc hội và ngăn chặn sự cố có thể xảy ra. (Reuters)

* Đức-Pháp-Ba Lan kêu gọi tăng cường trang bị vũ khí cho cho Liên minh châu Âu (EU) bằng toàn bộ tiềm năng công nghiệp của khối, theo một bài viết chung trên tạp chí Politico của ngoại trưởng ba nước.

Theo bài viết, trong NATO, từ lâu Mỹ "đã mang trên vai gánh nặng lớn hơn phần còn lại của liên minh", vì vậy, năng lực quốc phòng của EU phải được tăng cường để có đóng góp lớn hơn cho an ninh xuyên Đại Tây Dương.

Việc tái vũ trang lâu dài đòi hỏi phải có các hợp đồng dài hạn, ràng buộc với thời gian biểu rõ ràng, có mức độ tham vọng nhất định, các cam kết tài chính chắc chắn cũng như sự bảo lãnh mua hàng từ chính phủ các nước thành viên EU.

Mục tiêu chi 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng có thể "chỉ là điểm khởi đầu".

* Thảo luận về một thỏa thuận hòa bình với Nhật Bản là không thể trong giai đoạn này do "các chính sách thù địch của Tokyo", theo lời Đại sứ Nga tại Tokyo Nikolai Nozdrev.

Cho rằng, thuật ngữ "thỏa thuận hòa bình” là sai lệch, ông Nozdrev nói rõ: "Trước khi bắt đầu giai đoạn hạ nhiệt trong quan hệ song phương với Nhật Bản, chúng tôi đã nói cụ thể về một hiệp ước hòa bình, láng giềng tốt đẹp và hợp tác".

Theo nhà ngoại giao, tài liệu sâu rộng này nhằm thiết lập khuôn khổ và nền tảng cho sự phát triển lâu dài mối quan hệ trong tương lai gần. (THX)

* Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sớm thăm chính thức Trung Quốc và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 3/4.

Dự kiến trong cuộc hội đàm, hai ngoại trưởng sẽ thảo luận một loạt vấn đề tương tác và hợp tác song phương trên trường quốc tế, đặc biệt là tại Liên hợp quốc, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các diễn đàn đa phương khác.

Hai bên cũng sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề thời sự và chương trình nghị sự trong khu vực, trong đó có cuộc khủng hoảng Ukraine, tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các vấn đề khác. (TASS)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Động đất ở Đài Loan (Trung Quốc): Sáng 3/4, một trận động đất mạnh 7,2 độ richter đã xảy ra ngoài khơi đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Tính đến chiều 3/4 (theo giờ Việt Nam), đã có 8 người thiệt mạng, 821 người bị thương cùng 50 người mất tích. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực đưa người bị mắc kẹt khỏi các tòa nhà bị hư hại trong thảm họa động đất này.

Tại Nhật Bản, cơ quan thời tiết cho biết, trận động đất đã khiến sóng thần nhỏ xuất hiện ở một số vùng thuộc tỉnh Okinawa. Nhật Bản cũng đã hạ cấp cảnh báo sóng thần xuống thành mức khuyến cáo.

Tại Philippines, giới chức địa phương cảnh báo cư dân ven biển ở một số tỉnh nên di chuyển đến vùng đất cao hơn.

Đây là trận động đất lớn nhất tại Đài Loan (Trung Quốc) kể từ sau trận động đất có độ lớn 7,6 độ richter năm 1999, khiến khoảng 2.400 người thiệt mạng và làm hư hại hoặc phá hủy 50.000 tòa nhà. (Reuters)

* Thượng viện Campuchia khóa V tiến hành họp kỳ đầu tiên vào sáng 3/4, gần một tháng sau khi Ủy ban bầu cử quốc gia công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử cơ quan lập pháp tối cao này.

Tại cuộc họp, Thượng viện Campuchia đã tiến hành quy trình bầu nhân sự giữ các chức danh lãnh đạo tại cơ quan này, theo đó, ông Samdech Techo Hun Sen làm Chủ tịch Thượng viện với 62/62 phiếu ủng hộ.

Cùng nhận được 100% số phiếu ủng hộ, ông Prak Sokhonn và ông Ouch Borith được tín nhiệm giữ cương vị Phó Chủ tịch thứ nhất và Phó Chủ tịch thứ hai Thượng viện Campuchia khóa V. (AKP)

* Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm Nhật Bản vào ngày 5/4, theo thông điệp hoàng gia của quốc gia Đông Nam Á.

Trong thời gian Quốc vương vắng mặt, tân Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen sẽ giữ chức vụ quyền Nguyên thủ quốc gia. (AKP)

* Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung thế hệ mới Hwasongpho-16B sử dụng nhiên liệu rắn và trang bị đầu đạn siêu vượt âm mới phát triển gần đây.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo vụ thử nghiệm, diễn ra ngày 2/4, đồng thời nhấn mạnh rằng, tất cả tên lửa nước này phát triển hiện nay đều đã có khả năng hạt nhân và sử dụng nhiên liệu rắn. (KCNA)

* Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto công du Nhật Bản ngày 3/4 và hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio tại Tokyo, trong đó, hai bên bày tỏ mong muốn hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực an ninh và kinh tế.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống đắc cử Indonesia đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Minoru Kihara.

Theo tuyên bố của phía Nhật Bản, Bộ trưởng Kihara khẳng định, Tokyo muốn duy trì và thúc đẩy "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" dựa trên luật lệ cùng với Indonesia, vì cả hai nước đều là quần đảo. (Kyodo)

* Australia bổ nhiệm tân toàn quyền Samantha Mostyn AO, sau khi Vua Charles III của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng nước này Anthony Albanese.

Bà Mostyn sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 1/7 tới. (ABC)

Trung Đông-châu Phi

* Đụng độ dữ dội giữa quân đội Yemen và lực lượng Houthi ở tỉnh Lahj, miền Nam quốc gia Trung Đông trong ngày 3/4, khiến tổng cộng 21 người thiệt mạng và 23 người khác bị thương.

Cuộc đụng độ xảy ra chỉ vài ngày sau cuộc giao tranh tương tự giữa hai bên tham chiến ở tỉnh Dhalea thuộc miền Nam Yemen và các khu vực lân cận, càng cho thấy tình hình căng thẳng leo thang trên nhiều mặt trận ở Yemen.

* LHQ lên án vụ tấn công vào Đại sứ quán Iran tại Syria: Ngày 2/4, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres có cuộc điện đàm trao đổi quan điểm về vụ tấn công, mà Tehran cáo buộc Israel tiến hành và cùng lên án vụ việc.

Ngoại trưởng Iran đánh giá cao lập trường của ông Guterres vì đã lên án vụ tấn công, lưu ý rằng vụ việc “vi phạm trắng trợn các công ước quốc tế về quyền miễn trừ của các nhà ngoại giao và cơ quan đại diện”.

Bày tỏ mong đợi LHQ lên án mạnh mẽ, ông Amir-Abdollahian đồng thời kêu gọi Tổng thư ký Guterres giúp triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an để giải quyết vụ tấn công này. (IRNA)

Châu Mỹ

* Haiti cần thành lập gấp chính phủ chuyển tiếp để đối phó với tình trạng bạo lực băng nhóm gia tăng trong nước, theo lời Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Turk ngày 2/4.

Theo ông Turk, bạo lực leo thang và vi phạm nhân quyền ở quy mô chưa từng có gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với người dân Haiti.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra các hành lang để đảm bảo khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo quan trọng cho khoảng 5,5 triệu người Haiti, trong đó có 3 triệu trẻ em, song lưu ý, để làm được điều này, cần triển khai gấp sứ mệnh an ninh đa quốc gia được Hội đồng Bảo an LHQ phê chuẩn. (Reuters)

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-34-my-noi-gi-voi-nga-truoc-tham-hoa-tan-cong-khung-bo-ong-hun-sen-lam-chu-tich-thuong-vien-campuchia-dong-dat-o-dai-loan-trung-quoc-266534.html