Tin Thị trường: Sóng nhiệt đẩy giá LNG giao ngay tại châu Á tăng mạnh

Giá dầu phục hồi khi các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng tích cực; Sóng nhiệt đẩy giá LNG giao ngay tại châu Á tăng mạnh...

Ảnh: OP

Ảnh: OP

Giá dầu phục hồi, kinh tế Mỹ - Trung tăng trưởng tích cực

Tính đến đầu giờ chiều nay 20/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 80,33 USD/thùng - tăng 0,34%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 84,36 USD/thùng - tăng 0,45%.

Tâm lý thị trường hiện ở mức tích cực hơn khi dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, giới chức Trung Quốc cũng công bố nhiều chính sách mới chưa từng có tiền lệ nhằm vực dậy thị trường bất động sản. Ngoài ra, một số chuyên gia phân tích nhận định nhu cầu trên thị trường xây dựng của Trung Quốc đang có tín hiệu hồi phục tích cực. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng trong cả năm nay, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng lên.

Trong khi đó, tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng lõi (loại trừ giá thực phẩm và giá năng lượng) trong tháng 4 chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 3,8% của tháng 3. Mức tăng này cũng thấp hơn dự báo được giới phân tích đưa ra. Qua đó cho thấy áp lực lạm phát đã dần giảm bớt tại Mỹ.

Những dữ liệu kể trên mở ra kỳ vọng Fed sẽ có dư địa để sớm cắt giảm lãi suất trong năm nay. Theo công cụ CME FedWatch, thị trường hiện cho rằng có 53% khả năng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 tới, tăng mạnh so với mức khoảng 45% khả năng xảy ra được đưa ra trong tháng trước.

Các dữ liệu mới cũng cho thấy lượng tồn trữ dầu thô và các sản phẩm lọc hóa dầu tại nhiều trung tâm giao dịch, kho nhiên liệu trên toàn cầu có xu hướng giảm xuống trong những tuần gần đây. Đây được xem là tín hiệu tích cực khi thị trường đang bước vào mùa Hè - mùa cao điểm tiêu thụ nhiên liệu tại Bắc bán cầu, phản ánh nhu cầu sử dụng đang hồi phục.

Sóng nhiệt đẩy giá LNG giao ngay tại châu Á tăng mạnh

Sóng nhiệt ở một số khu vực châu Á và dự báo nhiệt độ trên trung bình ở Đông Nam Á và Trung Quốc trong những tuần tới đã thúc đẩy giới đầu tư mua LNG giao ngay nhiều hơn, khiến giá giao ngay ở châu Á trong tuần vừa qua lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 1.

Giá LNG giao ngay trung bình tới Đông Bắc Á giao tháng 7 đã tăng trong tuần trước lên 10,90 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu), theo ước tính từ các nguồn tin trong ngành được Reuters trích dẫn.

Giá LNG giao ngay trung bình tuần vừa qua ở châu Á cao hơn mức trung bình của tuần trước đó là 10,50 USD/MMBtu và là mức cao nhất kể từ ngày 5/1/2024.

Samuel Good, người đứng đầu bộ phận định giá LNG tại cơ quan định giá hàng hóa Argus nhận định: "Giá giao tới châu Á đã tăng cao hơn trong vài ngày qua, với nhu cầu tăng từ người mua ở Đông Nam Á và giá khí chuẩn châu Âu mạnh hơn là lý do khiến giá khí đốt tới châu Á tăng".

Một đợt nắng nóng đang diễn ra ở Nam và Đông Nam Á đang thúc đẩy nhu cầu vận chuyển LNG giao ngay từ các công ty.

Tại châu Âu, hợp đồng tương lai TTF của Hà Lan, chuẩn cho giao dịch khí đốt của châu Âu, được hỗ trợ bởi nhiệt độ trên mức trung bình ở một số khu vực ở Tây Âu, kế hoạch bảo trì sắp tới tại mỏ khí Troll khổng lồ ngoài khơi Na Uy và sự suy giảm sản lượng điện gió.

Vào cuối tháng trước, các nhà quản lý danh mục đầu tư đã tăng đặt cược giá lên cho khí đốt tự nhiên chuẩn của châu Âu lên mức cao nhất trong sáu tháng, dự kiến sẽ tiếp tục biến động khi châu Âu hiện đang bắt đầu dự trữ nguồn cung cho mùa đông tới.

Giới quan sát lo ngại rằng, tình trạng gián đoạn bất ngờ ở Na Uy trong mùa hè, nhu cầu khí đốt tự nhiên cao hơn ở châu Á và việc chấm dứt thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua đường ống của Nga trung chuyển qua Ukraine vào cuối năm 2024 có thể làm giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu và đẩy giá tăng.

Nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm trong tháng 4

Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã xử lý khối lượng dầu thô thấp hơn trong tháng 4 do bảo trì, trong khi nhu cầu dầu tại quốc gia nhập khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới này đã giảm lần đầu tiên kể từ cuối năm 2022.

Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc mới đây cho thấy tốc độ xử lý dầu thô giảm gần 4% so với cùng kỳ xuống 14,36 triệu thùng/ngày trong tháng 4, do mùa bảo dưỡng tại các nhà máy lọc dầu bắt đầu.

Các số liệu chỉ ra rằng, nhu cầu dầu ở Trung Quốc đã giảm 3% trong tháng 4 so với cùng tháng năm ngoái. Điều này đánh dấu sự sụt giảm hàng năm đầu tiên về nhu cầu dầu của Trung Quốc kể từ tháng 12 năm 2022, theo tính toán của Bloomberg.

Đồng thời, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 4 tăng 5,45% so với cùng kỳ năm ngoái do các nhà máy lọc dầu dự trữ dầu thô để chuẩn bị cho kỳ nghỉ cuối tuần Ngày lễ Lao động kéo dài 5 ngày bắt đầu vào ngày 1/5.

Tháng trước, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã nhập khẩu 10,88 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tăng so với 10,4 triệu thùng/ngày được nhập khẩu trong cùng tháng 4/2023, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 4 năm nay đã giảm so với tháng trước đó.

Các nhà phân tích cho biết phần lớn sự gia tăng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2024 là do dòng dầu thô giá rẻ của Nga, vốn bị cản trở trên đường đến Ấn Độ bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, đã tìm được khách hàng ở nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.

Nhưng trong tháng 4, nhập khẩu giảm so với tháng 3 trong bối cảnh giá dầu tăng vào thời điểm hàng hóa bị thu hẹp.

Sự phục hồi sản xuất ở Trung Quốc một lần nữa chững lại trong tháng 4, trong khi cuộc khủng hoảng bất động sản tiếp tục đè nặng lên các loại nhiên liệu được sử dụng nhiều trong xây dựng như dầu diesel.

Bình luận về nhu cầu dầu của Trung Quốc, các chiến lược gia hàng hóa của ING, Warren Patterson và Ewa Manthey lưu ý: "Nhập khẩu dầu thô so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng cùng với hoạt động lọc dầu ít hơn có nghĩa là tồn kho dầu thô tăng với tốc độ hơn 800 nghìn thùng/ngày trong tháng 4".

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-song-nhiet-day-gia-lng-giao-ngay-tai-chau-a-tang-manh-711488.html