Tỉnh Bạc Liêu tổ chức Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất

TP - Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014, diễn ra từ ngày 24 đến 29/4/2014 tại tỉnh phố Bạc Liêu.

Đờn ca tài tử trong vườn nhãn cổ Bạc Liêu

Có điều không ai ngờ, người đầu tiên lập ra ban cổ nhạc Bạc Liêu cuối thế kỷ XIX gần như là một phế nhân, ông Lê Tài Khí thường gọi Nhạc Khị, một nhạc sư mù hai mắt, liệt một chân. Ông đã ra công hiệu đính, hệ thống hai mươi bản tổ, phân chia làm bốn loại: Sáu Bắc, Ba Nam, Bốn Oán, Bảy Bài. Ông còn sáng tác những bản mới, bốn bản: Ngự giá đăng lâu, Minh hoàng thưởng nguyệt, Phò mã giao duyên, Ái tử kê của ông đã được giới cổ nhạc tôn xưng là Tứ Bửu (bốn báu vật).

Lúc đầu, ban nhạc của Nhạc Khị chỉ có các thầy đờn chuyên phục vụ ma chay, tế lễ. Về sau, đáp ứng yêu cầu của người hâm mộ, ban nhạc thêm người biết ca, phạm vi hoạt động mở rộng sang đám cưới gả, tiệc tùng, liên hoan, khánh tiết. Cũng từ đó cái tên Đờn ca tài tử Bạc Liêu được dùng để gọi loại hình hòa tấu cổ nhạc “có đờn lẫn ca” để phân biệt với nhạc lễ “có đờn không ca”.

Học trò ông đua nhau sáng tác, nên chẳng bao lâu ở Bạc Liêu đã có một loạt bản mới, như: Thu Phong, Dạ cổ hoài lang, Giọt mưa đêm của Cao Văn Lầu; Liêu giang, Ngũ quan, Lý con sáo, Mẫu đơn của Ba Chột; Bát man tấn cống, Cổ thi của Bảy Kiên; Khúc ca hoa chúc, Hoài tình, Lạc xuân hoa của Bảy Nhiêu; Vọng cổ nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa; Sáu câu Vọng cổ nhịp 32 của Trần Tấn Hưng .v.v. Đặc biệt, bản Vọng cổ sau khi ra đời đã phát triển rất mạnh.

Người thừa kế Nhạc Khị ngày càng đông, phong trào đờn ca tài tử ngày càng rộng. Lực lượng nghệ thuật gây sự chú ý nhất lúc ấy là Bạc Liêu và Cần Đước, nên có câu “Nhất Bạc Liêu, nhì Cần Đước”. Nghệ sĩ nhân dân Lê Long Vân (Ba Vân) xác nhận: “Bạc Liêu là cái nôi của phong trào đờn ca tài tử”.

Thuật ngữ “Đờn ca tài tử” có nhiều tên gọi như âm nhạc tài tử, ca nhạc tài tử, nhạc tài tử. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người Nam Bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, gốc từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế kết hợp làn điệu dân ca ngọt ngào của các địa phương Nam Bộ.

Nền tảng của đờn ca tài tử là 20 bản tổ. Giới đờn ca tài tử còn chia bài bản tài tử ra thành 10 loại, lưu truyền câu đối “Thức thời tối thiểu làu thông nhị thập huyền tổ bản/Quán thế thậm đa lịch luyện thất thập nhị huyền công”, nghĩa là người hiểu biết về đờn ca tài tử không chỉ am tường tối thiểu 20 bản tổ mà còn phải biết thông suốt 72 bài bản khác nhau.

Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất tại Bạc Liêu nhằm tôn vinh và quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với chủ đề “Đờn ca tài tử - Tình người tình đất Phương Nam”, Festival đồng thời là hoạt động hướng tới chủ trương của Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”.

Festival có 21 hoạt động chính, qua đó, còn nhằm xây dựng phong cách con người Bạc Liêu “hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”.

Điện gió Bạc Liêu đầu tiên ở ĐBSCL

Tỉnh Bạc Liêu được thành lập ngày 20/12/1899, chính thức hoạt động từ ngày 1/1/1900. Năm 1956, tỉnh Bạc Liêu nhập vào tỉnh Ba Xuyên, đến năm 1973, tách ra. Sau ngày 30/4/1975, tỉnh Bạc Liêu nhập vào tỉnh Minh Hải và ngày 6/11/1996, tái lập để chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1997. Bạc Liêu giáp với tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và có bờ biển dài 56 km phía Đông và Đông Nam.

Diện tích tự nhiên 2.570 km2, dân số 874.107 người (tính đến năm 2013), hiện gồm 7 đơn vị hành chính: Thành phố Bạc Liêu, trung tâm tỉnh lỵ và 6 huyện: Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Giá Rai, Đông Hải, Phước Long và Hồng Dân. Tỉnh đang lập hồ sơ trình Trung ương nâng huyện Giá Rai thành thị xã vào năm 2015.

Bạc Liêu hội tụ nhiều dòng văn hóa, đặc biệt là sự giao thoa văn hóa của người Kinh, Khmer và Hoa để tạo nên một diện mạo văn hóa riêng. Trong giao tiếp, người Bạc Liêu hiếu khách, trọng nghĩa tình, giàu lòng nhân ái, hào hiệp. Trong sinh hoạt, người Bạc Liêu cần cù, phóng khoáng, yêu nghệ thuật.

Trong chiến đấu chống ngoại xâm, người Bạc Liêu dũng cảm, kiên trung, còn lưu những chiến tích oai hùng quật khởi như cuộc nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi, Đồng Nọc Nạng. Nhiều anh hùng của Bạc Liêu trong đấu tranh giải phóng dân tộc mà nay tên tuổi đã thành tên đất, tên trường như khúc ca hùng tráng của Bạc Liêu nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/tinh-bac-lieu-to-chuc-festival-don-ca-tai-tu-quoc-gia-lan-thu-nhat-702097.tpo