Tình cảm của người dân nơi đây đã níu chân tôi

Trong suốt hơn 30 năm làm công việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, kỷ niệm đẹp nhất đối với nữ hộ sinh Nguyễn Thị Minh Hồng (người vừa được trao Giải thưởng Cán bộ hộ sinh xuất sắc quốc tế vào giữa tháng 8 vừa qua) là: Đỡ thành công ca song thai trước sự ngỡ ngàng của gia đình sản phụ. Thú vị hơn, hiện nay chính một bé trong đó lại trở thành đồng nghiệp của bà.

Nhớ lại kỷ niệm này, bà Minh Hồng cho biết: Đó là một ngày mùa đông rét buốt, có một người đàn ông đi bộ 4km đến trạm nhờ tôi xuống đỡ đẻ cho vợ ông ấy. Ngày ấy còn thiếu thốn lắm, đồ nghề chỉ với một cái kéo và hai cái kẹp, một ống nghe tim thai và một thước dây, vài ống thuốc cấp cứu, tôi đến khám và bảo với ông ấy chuẩn bị cho hai bộ tã lót, xe hai sợi chỉ để buộc rốn vì xác định song thai. Nhưng ngay cả đến lúc tôi đỡ xong một bé và bảo còn một bé nữa thì ông ấy vẫn không tin. Chỉ đến khi bé thứ hai ra đời cả gia đình cháu bé mới reo lên đầy ngạc nhiên… Thời gian trôi đi, đến bây giờ một trong hai bé đó lại là đồng nghiệp của tôi. Đó là điều tôi cảm thấy rất vui.

Bà Nguyễn Thị Minh Hồng gắn bó với công việc vì tình yêu nghề. Ảnh N.C

Trở lại quãng thời gian hơn 30 năm về trước, lúc ấy vào năm 1982, cô gái Nguyễn Thị Minh Hồng vừa tốt nghiệp chuyên ngành nữ hộ sinh. 20 tuổi, cô gái trẻ hăm hở đến nhận công tác tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên bái. Đây là huyện miền núi nghèo nằm trong số 62 huyện khó khăn nhất của cả nước. Mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, Minh Hồng đã khắc phục, vượt qua được muôn vàn khó khăn trở ngại về điều kiện vật chất cũng như tinh thần.

Công việc hàng ngày của Minh Hồng là chăm sóc các bà mẹ mới sinh và trẻ sơ sinh, tư vấn cho bà mẹ mang thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Những công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cộng với những rào cản về ngôn ngữ đã khiến cô gái trẻ phải nỗ lực hơn rất nhiều so với ở điều kiện bình thường.

“Lúc đó, đường xá đi lại khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, điều kiện kinh tế tại địa phương hạn chế và thiết bị y tế thiếu thốn. Muốn bà con hiểu, tin tưởng thì chỉ còn cách đến các bản làng, ở cùng với họ, học tiếng của họ (tiếng H’mông); dành nhiều thời gian nói chuyện với họ… Từ đó xây dựng niềm tin của họ đối với cán bộ y tế, cũng như nâng cao hiểu biết của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em”, bà Minh Hồng nhớ lại.

Bằng những cách tiếp cận gần gũi đó, người dân đã tin tưởng vào cán bộ y tế. Khi sinh nở thay vì tự sinh tại nhà họ đã có ý thức tìm bà đỡ và đến các trạm y tế; con ốm đau cũng tìm đến bác sỹ chữa chứ không tìm thầy lang, thầy mo. Những nỗ lực của bà Hồng trong suốt 34 năm qua đã đóng góp to lớn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương. Và như một lẽ hiển nhiên, những đóng góp này đã được ghi nhận bởi cộng đồng quốc tế.

Đó là giữa tháng 8 mới đây, bà Nguyễn Thị Minh Hồng đã được Hội đồng Cán bộ hộ sinh Quốc tế và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em trao Giải thưởng Cán bộ hộ sinh Xuất sắc Quốc tế. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh, khuyến khích nỗ lực của cán bộ hộ sinh tại các nước thu nhập thấp hoặc trung bình. Giải thưởng này ghi nhận sự cam kết và cống hiến của cán bộ hộ sinh làm việc trong những điều kiện khó khăn, đặc biệt tại các nước có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và bà mẹ cao. Cùng với nữ hộ sinh Nguyễn Thị Minh Hồng của Việt Nam còn có ông Adeyemo Abass Kola của Nigeria được trao giải thưởng.

Gắn bó với công việc hộ sinh từ khi mới chập chững bước vào nghề. Đến nay đã trải qua nhiều năm nhưng “bà đỡ” năm nào vẫn rất say sưa với công việc này. Bà chia sẻ: Tôi gắn bó với công việc này vì tình yêu nghề. Hơn nữa tình cảm của người dân nơi đây đã níu chân tôi, 34 năm đâu phải là ít mà có thể quên được!

Tuy nhiên, điều khiến bà còn nhiều trăn trở là hiện nay dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở nơi điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn còn rất nhiều vất vả. Trình độ dân trí thấp, nhiều người còn chưa biết tiếng phổ thông, cán bộ y tế cũng chưa biết hết tiếng H’mông nên nhiều khi rất khó trong giao tiếp. Đường xá đi lại xa xôi, nhiều nơi còn phải đi bộ hàng chục cây số mới tới nhà dân. Cơ sở vật chất của trạm thì xuống cấp, phòng khám bệnh dột ướt mỗi khi trời mưa, phòng khám thai còn làm chung với phòng đẻ nên không đảm bảo cho công tác vô khuẩn. Đường nước thải không đảm bảo cho công tác phòng chống nhiễm khuẩn. Dụng cụ y tế còn thiếu… “Tất cả những điều đó, việc nào cải thiện được tôi muốn được đáp ứng càng sớm càng tốt để công việc của cán bộ y tế chúng tôi phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn”, bà Minh Hồng bày tỏ.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doi-song/tinh-cam-cua-nguoi-dan-noi-day-da-niu-chan-toi-117455