Tình cảm sâu nặng của người Quảng Trị với Chủ tịch Phi-đen

Cách đây hơn 43 năm (năm 1973), khi chiến tranh đang trong thời kỳ ác liệt, nhà lãnh đạo cách mạng Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô đã vượt nửa vòng trái đất đến Việt Nam và vào thẳng vùng tuyến lửa Quảng Trị. Chuyến đi của đồng chí Phi-đen đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm sâu đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Trị nói riêng về một người bạn lớn đã cùng chung khát vọng đấu tranh vì độc lập và tự do.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô (người bên phải) đã thực hiện 250 bức ảnh về lãnh tụ Phi-đen.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô (người bên phải) đã thực hiện 250 bức ảnh về lãnh tụ Phi-đen.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô là một trong số ít phóng viên may mắn được chứng kiến gần như trọn vẹn chuyến thăm lịch sử của đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô, từ khi đón đoàn tại cầu Hiền Lương, cho đến ngày cuối của chuyến thăm Quảng Trị. Với hơn 250 tác phẩm ảnh chụp đồng chí Phi-đen thăm vùng giải phóng Quảng Trị vào tháng 9-1973, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô chia sẻ: Đây là một trong những dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời cầm máy của tôi. Chuyến thăm của lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, tình cảm khó phai trong lòng mỗi người dân Quảng Trị nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô nói rằng, sau chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị trở về, ông sẽ kể lại cho nhân dân Cu-ba về sự tàn phá khốc liệt của đế quốc Mỹ, về tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân vùng tuyến lửa và nhân dân Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng...

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô cho biết: Khi được gặp lãnh tụ Phi-đen tại Hiền Lương, tôi đã đặt cho mình trách nhiệm trong ngày ấy là phải chép lại lịch sử bằng ống kính, để lại cho quê hương. Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng cá nhân lãnh tụ Phi-đen, mà cả đất nước Cu-ba đang ủng hộ cuộc kháng chiến, chống Mỹ, cứu nước của ta. Lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô đưa niềm tin của nhân dân Cu-ba đến với nhân dân Việt Nam, làm cho chúng ta mạnh lên, với niềm tin chúng ta sẽ chiến thắng. Giờ đây, khi nghe tin Phi-đen qua đời, tôi vô cùng thương tiếc vị lãnh tụ rất đỗi gần gũi và giàu tình cảm với nhân dân Quảng Trị. Những kỷ niệm về hình ảnh Phi-đen đến thăm vùng tuyến lửa Quảng Trị vào năm 1973 lại ùa về trong tôi... Hình ảnh lãnh tụ Phi-đen hai tay phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam trên điểm cao 241, nơi còn khét mùi thuốc súng và ngổn ngang xác xe tăng, đại bác của quân địch... sẽ mãi in đậm trong tâm trí tôi và người dân Việt Nam, trở thành biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết anh em gắn bó, thủy chung giữa hai dân tộc. Những lời phát biểu chí tình, chí nghĩa và hùng hồn của lãnh tụ Phi-đen tại vùng giải phóng Quảng Trị là nguồn động viên tinh thần to lớn, tiếp thêm ý chí sức mạnh cho quân và dân Việt Nam quyết tâm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn: “Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”; "Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến, bách thắng này cắm vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền ngụy Sài Gòn”. Niềm tin đó đã thành hiện thực, chưa đầy hai năm sau, vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, lá cờ bách chiến, bách thắng của quân giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu chính quyền Sài Gòn đã hoàn toàn sụp đổ, hai miền nam - bắc được hoàn toàn thống nhất.

Sau này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô đã tập hợp các bức ảnh và cho ra mắt cuốn sách ảnh Phi-đen Ca-xtơ-rô - Quảng Trị một ngày lịch sử 1973, vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm lãnh tụ Phi-đen thăm vùng giải phóng với những bức ảnh chụp lãnh tụ Phi-đen ghé thăm cầu Hiền Lương, căn cứ Tân Lâm, thị xã Đông Hà, Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị)...

Hơn 43 năm trôi qua, chị Nguyễn Thị Hương, 59 tuổi, ở phường 1, thành phố Đông Hà không quên khoảnh khắc may mắn của đời mình, từng được lãnh tụ Phi-đen cứu, để có được ngày hôm nay. Lúc đó, ngày 15-9-1973, khi lực lượng đoàn viên, thanh niên xã Vĩnh Thành (Vĩnh Linh) đang san lấp hố bom phía bắc cầu Hiền Lương thì một quả bom phát nổ làm chị bị thương nặng. Chị Hương xúc động cho biết: Trong giờ phút ranh giới giữa sự sống và cái chết cận kề, chị được lãnh tụ Phi-đen và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dùng xe của đoàn công tác đưa chị đi cấp cứu kịp thời. Chị Hương xem lãnh tụ Phi-đen như người cha đã sinh ra mình lần thứ hai... "Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô qua đời khiến đất nước Cu-ba mất đi một vị lãnh tụ cao cả. Riêng gia đình tôi như mất đi một người ruột thịt. Gia đình tôi đã lập bàn thờ để tưởng niệm và tri ân lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô kính yêu..." - chị Hương nói.

Ngay sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt và bận bịu với trăm công nghìn việc, lãnh tụ Phi-đen vẫn thu xếp để đến thăm động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu bảo vệ độc lập tự do và thống nhất đất nước của nhân dân ta, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân Việt Nam, đặc biệt với nhân dân Quảng Trị. Rất nhiều nhân chứng lịch sử của ngày ấy may mắn được đón tiếp lãnh tụ Phi-đen cho đến bây giờ vẫn không quên được khí thế vui mừng của nhân dân tỉnh Quảng Trị.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị Lê Văn Hoan cho biết: Cán bộ và nhân dân Quảng Trị hết sức vinh dự, tự hào khi được đón lãnh tụ Phi-đen, nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới đến thăm vùng giải phóng. Chính đó là niềm khích lệ, động viên quân dân miền nam nói chung và Quảng Trị nói riêng tiếp tục chiến đấu. Lãnh tụ Phi-đen đã qua đời, nhân dân Quảng Trị luôn khắc ghi hình ảnh của một nhà lãnh đạo cách mạng huyền thoại, người anh hùng của dân tộc Cu-ba và Việt Nam, người đã thắp sáng và không ngừng bồi đắp tình hữu nghị, đoàn kết keo sơn giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam và Cu-ba.

NGUYỄN VĂN HAI

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31424702-tinh-cam-sau-nang-cua-nguoi-quang-tri-voi-chu-tich-phi-den.html