Tinh giản bộ máy là cần thiết

Đề án về việc sáp nhập các sở ở tỉnh do Bộ Nội vụ dự thảo đưa ra lấy ý kiến, ngay lập tức đã có những phản hồi, người bảo nên, người bàn chưa nên.

Ảnh minh họa nguồn internet.

Dù sao, việc tinh giản bộ máy hành chính hiện tại là cần thiết nhằm thực hiện một chủ trương đúng đắn là giảm cồng kềnh, tăng hiệu quả. Bao giờ thì việc nhập cũng khó khăn hơn tách bởi nó đụng chạm tới quyền lợi, thậm chí là lòng tự tôn của mỗi con người trong bộ máy đó.

Cái tâm lý cho rằng bị nhập vào cơ quan khác là do vị thế cơ quan mình chẳng mấy quan trọng ám ảnh nhiều người. Rồi thì sắp xếp “ghế ngồi” sau đó cũng không hề đơn giản.

Chưa hết, số định biên có hạn, nhập vào rồi thì dôi dư giải quyết thế nào, ai sẽ bị cho vào diện “dôi dư” đây.

Rất có thể đã có sự chuẩn bị, một tâm thế sẵn sàng mở cuộc vận động ngầm nhằm bảo toàn chiếc ghế của mình. Tâm lý và tâm thế đó là những cản trở cho việc sáp nhập, lý do cơ bản không muốn và không thích sáp nhập là thế. Đây không phải là lần đầu tiên thực hành việc giảm thiểu các cơ quan, đơn vị đầu mối.

Gần chục năm về trước, các phòng ban ở huyện cũng đã “rút gọn” lại còn 12 đơn vị, vẫn vận hành bình thường có sao.

Gần đây, Bộ Công Thương thực hiện việc tinh giản bộ máy, sáp nhập và giải thể một số đơn vị cũng không làm kém đi hiệu quả quản lý của Bộ này, nếu không nói là ngược lại.

Sáp nhập sẽ gây xáo trộn, nhưng đó chỉ là nhất thời, cái được là sự quản lý điều hành tập trung, giảm bớt đầu mối, chất lượng phục vụ tốt hơn, chí ít là tránh được chuyện đá “quả bóng thẩm quyền” giữa sở nọ với sở kia.

Sáp nhập cũng là cách giải quyết hệ quả của bộ máy trong thời gian dài âm thầm phình to, cả biên chế cũng như các đơn vị.

Không phủ nhận thực tế rằng có đơn vị được thành lập ra chỉ ngồi chơi xơi nước và có khi chỉ để giải quyết tình thế cho một chức vụ có sẵn không biết xếp vào đâu. Bộ máy tinh giản phải đi liền với việc bố trí, sắp xếp nhân sự.

Cái cách làm thông dụng của ta là cán bộ lãnh đạo cấp dưới bị kỷ luật thì đưa lên trên, xã về huyện, huyện lên tỉnh và tỉnh lên trung ương. Mà đã là lãnh đạo thì có chức tước, lương bổng, dù bị “đá hất” lên trên cũng phải đảm bảo chế độ cho đồng chí ấy. Hiện tượng “bội thực” cấp phó có nguyên nhân một phần từ đây.

Rồi đây cũng phải tính đến chuyện tinh giản đầu mối các hội, tổ chức nghề nghiệp mà giữ vị trí như một cơ quan hành chính, có trụ sở, có ban bệ, có phương tiện, tiền lương và chế độ đãi ngộ,...

Không cần đến một khảo sát điều tra xã hội học mới biết được những hội này có vai trò quan trọng ra sao, chỉ nhìn vào các hoạt động của các hội này cũng thấy rõ hiệu quả công việc của họ trong việc tham gia và quản lý xã hội.

Tinh giản, nói nhiều mà thực hiện được ít, rất cần đến quyết tâm, đồng thuận và thực sự hành động.

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/tinh-gian-bo-may-la-can-thiet-d39248.html