Tình hình Biển Đông: Tàu hải cảnh, hải quân Trung Quốc tham gia xung đột

Tình hình Biển Đông ngày 8/9: Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ ở Washington cho hay kể từ năm 2010, trong 45 vụ đụng độ trên Biển Đông, lực lượng hải cảnh Trung Quốc tham gia tới 30 vụ.

Chuyên gia an ninh khu vực tại CSIS, bà Bonnie Glaser nhận định thế giới mới chỉ chú trọng tới nguy cơ xảy ra xung đột hải quân trên Biển Đông trong thực tế các vụ đụng độ với sự tham gia của lực lượng hải cảnh Trung Quốc không nên bị xem nhẹ.

Theo Reuters, mặc dù nghiên cứu của CSIS hé lộ nhiều loại tàu thuyền được các nước triển khai trong các vụ đụng độ ở Biển Đông nhưng nổi bật hơn hết là tàu hải cảnh Trung Quốc. Ngoài tàu hải cảnh, tàu Hải quân Trung Quốc cũng có mặt trong 4 vụ va chạm ở Biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trong các vụ va chạm trên Biển Đông.

Nghiên cứu của CSIS còn nhắc tới các vụ xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh bao gồm hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi năm 2014 và xâm chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines vào năm 2012.

Bản báo cáo của CSIS được công bố đúng thời điểm tàu hải cảnh và nhiều loại tàu thuyền khác của Trung Quốc tăng cường xuất hiện ở Scarborough. Hành động của Trung Quốc đang bị Philippines lên án mạnh mẽ. Về phần mình, Cục Hải dương Trung Quốc, cơ quan giám sát hoạt động lực lượng hải cảnh, chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về nghiên cứu của CSIS.

Theo bà Glaser, trong ngắn hạn, nguy cơ xảy ra thương vong trong những vụ đụng độ trên Biển Đông không chỉ có sự xuất hiện của tàu dân sự mà cả tàu hải quân sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Trong khi đó, các nước liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông vẫn chưa mở rộng hoạt động trao đổi thông tin để ngăn chặn nguy cơ bùng nổ xung đột giữa tàu hải quân các nước.

Theo Reuters, với việc không ngừng tăng chi tiêu quốc phòng, Trung Quốc đang trở thành quốc gia sở hữu lực lượng hải cảnh lớn nhất thế giới.

Còn theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, Trung Quốc hiện đang triển khai khoảng 205 tàu với 95 tàu có tải trọng hơn 1.000 tấn. Thậm chí hạm đội của Trung Quốc có quy mô lớn hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực bao gồm Nhật Bản.

Căng thẳng trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Tòa trọng tài quốc tế phủ nhận tuyên bố chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược mang lại giá trị thương mại hơn 5 ngàn tỷ USD/năm. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.

Minh Thu (lược dịch)

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tinh-hinh-bien-dong-tau-hai-canh-hai-quan-trung-quoc-tham-gia-xung-dot-post208408.info