Tinh hoa và đỉnh cao

- Nhà máy dệt Nam Định “đắp chiếu” suốt thời kỳ Đổi mới nay đang được phá dỡ để góp phần xây dựng TP. Nam Định mới được dư luận quan tâm. Một số người đã nêu dẫn chứng các nước Âu - Mỹ khi hiện đại hóa công nghiệp đã giữ một phần các nhà máy cũ làm bảo tàng, có nơi làm nhà văn hóa.

- Mới là ý kiến của mấy bác tâm huyết. Còn ở Quảng Ninh chẳng cần nói nhiều, Nhà máy kẽm Quảng Yên đã được giữ lại rồi. Chắc chắn Quảng Ninh sẽ thêm vào du lịch biển đảo mục du lịch công nghệ cổ xưa.

- Em nghĩ 3 lá cờ đầu của công nghiệp Hà Nội thời “Dân chủ cộng hòa”, Dệt 8-3, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí Trung quy mô vèo một cái vào tay một đại gia thành 3 khu đô thị, thương mại. Nhanh đến mức dân Hà Nội ngỡ ngàng. Thì ra ở ta có một thứ văn hóa của sự đổi thay. Xóa sổ không giữ lại, đánh nhanh, xóa gọn, không còn cơ sở gì, dù là một cái cây để ta neo tâm tưởng mình vào đó mỗi khi nhớ lại quá khứ.

- Chú nhầm, Nhà tù Hỏa Lò Hà Nội thành khách sạn 5 sao vẫn giữ một mảnh nhỏ đấy. Cái chính là tư duy của các nhà lãnh đạo từng thời kỳ cả thôi. Nếu không có một phần văn hóa trong tư duy sẽ xóa sạch quá khứ. Chỉ có văn hóa mới, thì sẽ nghèo nàn như cây hoa kiểng trồng trong chậu đất nhỏ xíu treo ngoài ban công.

- Nhân chuyện này lại nhớ hôm rồi bác Bộ trưởng VH-TT&DL đã phát biểu rằng, ông thấy xấu hổ khi có Bộ trưởng Văn hóa nước ngoài sang ta, Bộ chỉ có mời bạn ăn. Cũng có khi hát múa vài tiết mục nhưng không xứng tầm văn hóa Việt Nam. Ông Bộ trưởng mới đã mạnh dạn nói, ta không thể hiện tinh hoa văn hóa dân tộc (vì không có người!). Họp hành, hội thảo về văn hóa rất nhiều nhưng không còn mấy nữa nghệ sĩ đỉnh cao để biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao. Các nhà hát đêm không sáng đèn. Ví như Nhà hát Cung đình Huế, 200 người, bao cấp 100%, có nguy cơ sẽ mất hết. Nghệ thuật không diễn trước công chúng, không có doanh thu sẽ lụi tàn. Cơ sở văn hóa như Nhà hát Lớn Hà Nội đóng cửa nhiều là sự lãng phí (cũng lớn).

- Muốn giữ gìn và phát huy văn hóa phải có trình độ văn hóa và tinh thần vì nền văn hóa nước nhà. Vừa qua ở TPHCM có chuyện các tranh Việt Nam từ Châu Âu được mang về TPHCM bán đấu giá. Ông Vũ Xuân Chung đã mua lại các tranh này từ ông Jean Francois Hubort - nhà đấu giá Hồng Kông (Chistíes HK). Dư luận cho rằng, 15/17 bức tranh là giả, tranh chép. Còn 2 bức của Tạ Tỵ vẽ năm 1952, Nguyễn Sáng vẽ năm 1980 thì… 50/50 là giả!

- Biết là giả sao còn bày bán?

- Ấy là vẫn cứ nói thế! Hội Mỹ thuật Việt Nam chưa có Hội đồng thẩm định và các phương tiện kỹ thuật hiện đại để làm việc này.

- Các cuộc thi, các giải đều có Hội đồng…

- Chuyện đó khác, ta chấm ta, giải phong trào thôi mà! Còn nghệ thuật đỉnh cao, tinh hoa văn hóa thì bác Bộ trưởng VH mới nói rồi. Hổng có đâu nên hiểu là Chưa có.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tinh-hoa-va-dinh-cao-573174.bld