Tỉnh nghèo nhưng đất bỏ hoang, nhà máy 'đắp chiếu'

Gần mười năm qua, mặc dù được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng Khu công nghiệp Thanh Bình - khu công nghiệp duy nhất của tỉnh nghèo Bắc Cạn, nhưng cho đến nay, nhiều dự án đầu tư vẫn chỉ nằm trên giấy. Nhà máy xây dựng xong hoạt động không hiệu quả đã khiến phần nhiều diện tích đất bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn.

Đầu tư lớn, hiệu quả thấp

Từ năm 2007, với kỳ vọng đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Bắc Cạn tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Thanh Bình trên địa bàn huyện Chợ Mới. Sau nhiều lần điều chỉnh, KCN Thanh Bình có tổng vốn đầu tư 244,7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương hỗ trợ 206 tỷ đồng, phần còn lại từ ngân sách địa phương. Với tổng số 24 hạng mục, hạ tầng kỹ thuật, KCN Thanh Bình lần lượt được xây dựng trên quy mô diện tích hơn 62 ha và bắt đầu thu hút doanh nghiệp đầu tư từ năm 2009.

Đây là KCN duy nhất trên địa bàn tỉnh, do Ban quản lý các KCN tỉnh quản lý, có hơn 20 cán bộ, công chức, viên chức phụ trách. Đến nay, KCN Thanh Bình thu hút được sáu doanh nghiệp vào đầu tư, trong đó ba doanh nghiệp lớn nhất được cấp 40 ha đất, gồm: Công ty TNHH Vạn Lợi (nay chuyển sang Công ty cổ phần Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn), Công ty cổ phần Sahabak, Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ (Matexim).

Tuy nhiên, đã gần 10 năm trôi qua, hai trong số ba doanh nghiệp lớn nhất này đã không thể thực hiện được dự án đầu tư theo tiến độ đề ra. Điển hình là Công ty TNHH Vạn Lợi được cấp phép đầu tư dự án xây dựng khu liên hợp gang thép, công suất 250 nghìn tấn/năm và dự án xây dựng nhà máy nung tuyển quặng sắt, công suất 600 nghìn tấn/năm trên diện tích hơn 27 ha, chiếm gần 50% diện tích KCN Thanh Bình. Không thể đầu tư được hai nhà máy, năm 2010 Công ty TNHH Vạn Lợi chuyển nhượng hai dự án này cho Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi Bắc Cạn.

Với sự tham gia góp vốn của Công ty An Phú, năm 2014, Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi Bắc Cạn đổi tên thành Công ty cổ phần Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn. Mặc dù chuyển nhượng sang nhà đầu tư mới, qua nhiều lần xin gia hạn, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư hai dự án, đến nay nhà đầu tư mới chỉ xây dựng được một số hạng mục lẻ tẻ, dở dang và hiện đang nợ tỉnh Bắc Cạn 15,7 tỷ đồng tiền sử dụng hạ tầng, dịch vụ công ích tại KCN Thanh Bình mà không có khả năng trả nợ.

Tương tự, năm 2009 và 2011, Công ty cổ phần Sahabak được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ Sahabak, công suất 3.000 m3 sản phẩm/năm và Nhà máy sản xuất tấm ván ép MDF, công suất 108 nghìn m3 sản phẩm/năm trên diện tích 7,5 ha. Tuy nhiên, sau khi chỉ xây dựng được nhà máy chế biến gỗ Sahabak với gần 300 công nhân làm việc ở thời điểm "cực thịnh", thì sau đó càng hoạt động càng "thoái trào". Sau 5 năm sản xuất, nhà máy lún vào thua lỗ nặng nề, đến đầu năm 2017 thì ngừng sản xuất hoàn toàn, để lại nhiều khoản nợ khó đòi; trong đó, nợ 2,5 tỷ đồng tiền sử dụng hạ tầng, tiền xử lý nước thải KCN Thanh Bình; nợ tiền ăn ca công nhân, nợ các khoản bảo hiểm, tiền mua nguyên liệu của nhân dân địa phương lên đến hàng tỷ đồng. Năm 2016, Công ty cổ phần Sahabak chính thức tuyên bố không đủ năng lực đầu tư Nhà máy sản xuất tấm ván ép MDF.

Nhiều dự án quy mô nhỏ hơn đầu tư vào KCN Thanh Bình cũng có số phận không mấy khả quan so với các dự án "đàn anh". Điển hình, Công ty Matexim được giao hơn sáu héc-ta đất, đầu tư 549 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sắt xốp Bắc Cạn với ba dây chuyền sản xuất, tổng công suất 100 nghìn tấn sắt xốp/năm. Tuy nhiên, chỉ một dây chuyền đi vào sản xuất từ đầu năm 2013, đến đầu năm 2016, nhà máy ngừng sản xuất và đến thời điểm này chưa có dấu hiệu gì khởi động trở lại. Trong thời gian sản xuất, Nhà máy sắt xốp Bắc Cạn nộp ngân sách cho tỉnh được 4,5 tỷ đồng. Ba doanh nghiệp còn lại trong tổng số sáu doanh nghiệp đầu tư, thuê gần hai héc-ta đất và thuê lại đất của Công ty cổ phần Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn để sản xuất bê-tông đúc sẵn, chiết nạp ga và gia công, sản xuất tai nghe, nhưng giá trị gia tăng thấp, đóng góp cho ngân sách tỉnh Bắc Cạn không đáng là bao. Từ khi đi vào hoạt động KCN duy nhất này, ngân sách tỉnh Bắc Cạn mới thu được gần 10 tỷ đồng từ tiền phí sử dụng hạ tầng, phí sử dụng dịch vụ công ích. Mặc dù được Nhà nước đầu tư với số vốn gần 250 tỷ đồng, nhưng 10 năm qua, KCN này không phát huy hiệu quả, đất đai bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, gây lãng phí lớn.

Mặc dù đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, nhưng Công ty cổ phần Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn vẫn giữ hơn 27 ha đất tại KCN Thanh Bình.

Ngăn chặn, xử lý tình trạng giữ đất

Không thu hút được những doanh nghiệp thật sự có năng lực, tâm huyết; chưa quan tâm đúng mức việc thẩm định các dự án đầu tư, hiệu quả đầu tư; để doanh nghiệp chây ỳ mà không có giải pháp xử lý triệt để,... được đánh giá là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho KCN Thanh Bình bị bỏ hoang trong thời gian dài, lãng phí lớn. Phó Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Cạn Nông Đình Huân cho biết: "Hiện nay, Công ty cổ phần Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn, Công ty cổ phần Sahabak đã bị thu hồi, hoặc doanh nghiệp tự trả lại hầu hết các giấy chứng nhận đầu tư dự án, nhưng phần lớn diện tích đất đã được cấp trước đó, các doanh nghiệp này vẫn giữ lại mà chưa trình được dự án đầu tư mới".

Năm 2015, Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Cạn đã ra quyết định thu hồi 9,6 ha đất (trong tổng số hơn 27 ha) đã giao cho Công ty cổ phần Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn, nhưng trên thực tế, diện tích này vẫn chưa thu hồi được vì tỉnh và doanh nghiệp chưa giải quyết được những vướng mắc về một số hạng mục trên đất mà doanh nghiệp đã xây dựng trước đó.

Ngày 25-4 vừa qua, làm việc với các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại KCN Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Lý Thái Hải đã yêu cầu, đến cuối tháng 6, nếu doanh nghiệp nào không trình được dự án mới được các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tỉnh sẽ xử lý theo quy định. Tuy nhiên, cũng tại cuộc làm việc này, Công ty cổ phần Sahabak lại tiếp tục đề xuất xây dựng nhà máy sản xuất gỗ dán, Công ty Matexim cam kết sẽ kiện toàn nhân sự, tăng cường nhân lực để có thể đưa Nhà máy sắt xốp Bắc Cạn hoạt động trở lại vào cuối năm nay.

Với các cam kết và đề xuất nêu trên, tại KCN Thanh Bình đang tồn tại nghịch lý, đó là những doanh nghiệp đã được giao phần lớn diện tích đất thì gần mười năm qua không đầu tư được dự án xây dựng nhà máy, "chiếm giữ" đất rồi để bỏ hoang, lãng phí, nợ tiền sử dụng các dịch vụ tại KCN năm này qua năm khác; còn một số doanh nghiệp khác muốn đầu tư vào KCN Thanh Bình lại không còn đất mà cấp. Rõ ràng, để khắc phục nghịch lý này, tỉnh Bắc Cạn cần kiên quyết thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao cho những doanh nghiệp năng lực yếu kém, không đủ khả năng thực hiện dự án đầu tư.

Đồng thời, cần thành lập tổ công tác liên ngành, rà soát toàn bộ các dự án đã và đang đầu tư tại KCN này, nếu dự án nào đầu tư sản xuất kém hiệu quả, sản phẩm không có đầu ra, khả năng cạnh tranh yếu, cần có giải pháp quyết liệt thu hồi lại diện tích để giao đất cho những doanh nghiệp thật sự có năng lực, tâm huyết sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, đưa tỉnh nghèo Bắc Cạn thoát khỏi khó khăn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/32796702-tinh-ngheo-nhung-dat-bo-hoang-nha-may-dap-chieu.html