Tình người vẫn ấm

(Eva tam chuyen) - Gần đây, báo chí liên tục cảnh báo về hiện tượng vô cảm của con người trong xã hội hiện đại. Có thật chúng ta đang trơ lỳ cảm xúc hay không?

Sau sự kiện bé Duyệt Duyệt tại Quảng Đông, bị xe cán 2 lần, bị 18 người đi đường bỏ mặc, dẫn đến cái chết thương tâm, dư luận lại rộ lên phê phán căn bệnh vô cảm trong xã hội hiện đại. Phải chăng con người thời nay chỉ sống cho bản thân, không còn khả năng đau nỗi đau của người khác?

Vì đâu nên nỗi?

Thật ra “vô cảm” không phải căn bệnh mới. Nó phát xuất từ thói bàng quan, không thích can thiệp vào những chuyện không (hay chưa) ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình. Nếu chỉ dừng lại ở thái độ hay bản tính của một cá nhân, tác hại của bàng quan cũng ít nghiêm trọng và không dễ thấy. Tuy nhiên, khi lan truyền trong đám đông thành một “hiệu ứng”, tác hại của nó tăng lên theo cấp số nhân.

Hiện tượng này được gọi là “hiện tượng bàng quan”, thuật ngữ chỉ hiện tượng tâm lý, xã hội xảy ra khi người ta không cứu giúp nạn nhân vì thấy ngoài mình ra còn có nhiều người khác đang có mặt. Xác suất giúp đỡ tỷ lệ nghịch với số lượng người chứng kiến, nghĩa là càng có nhiều người thì càng khó có ai đứng ra giúp người bị nạn. “Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, mỗi cá nhân trong đám đông đều nghĩ chắc sẽ có ai đó hành động, mình chẳng việc gì mà dây vào cho rắc rối. Thế ai nấy bình chân như vại.

Thật ra “vô cảm” không phải căn bệnh mới. Nó phát xuất từ thói bàng quan, không thích can thiệp vào những chuyện không (hay chưa) ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình. (ảnh minh họa)

Đặc điểm này biểu hiện rõ nét trong những vụi tai nạn giao thông hay các đám đánh nhau. Rất đông người hiếu kỳ bu đến xem, nhưng không ai gọi công an hay đưa người bị thương vào viện. Phần vì họ sợ bị nghi oan là kẻ gây tai nạn, sợ làm thủ tục hay bỏ tiền túi đóng viện phí trước khi tìm được thân nhân người bị nạn. Phần vì họ thầm đùn đẩy nhau.

“Hiệu ứng bàng quan” đã tồn tại từ lâu, nhưng tại sao gần đây lại rộ lên? Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính TP.HCM, cho rằng: “Đó là một trong những mặt trái của sự phát triển. Khi kinh tế bùng nổ quá nhanh mà văn hóa chưa phát triển với tốc độ tương ứng, con người dễ có xu hướng chạy theo đồng tiền, theo lối sống thực dụng mà quên đi những giá trị tốt đẹp vốn có như lòng trắc ẩn, tình thương người, tương thân tương ái… Mặt trái này là hậu quả của sự phát triển không bền vững”.

Ngoài ra, không thể không nói đến vai trò của một bộ phận truyền thông. Xưa, “không có tin nghĩa tà tin tốt”, bây giờ, mệnh đề đảo thành “đưa tin tốt nghĩa là… không có tin”. Thế nên độc giả nhìn đâu cũng thấy màu đen.

Họ được thông tin có một bác sỹ tắc trách gây nên cái chết cho em bé vừa chào đời. Tuy nhiên, họ không được thông tin mỗi ngày có hàng nghìn em bé ra đời khỏe mạnh, an toàn trong sự chăm sóc tận tình của y, bác sỹ.

Độc giả phẫn nộ sâu sắc khi đọc tường trình chi tiết những vụ con giết cha, chửi mẹ, cha mẹ bạo hành con, nhưng ít khi đọc kỹ và xúc cảm trước những bài viết ngợi ca con thảo mẹ hiền. Những câu chuyện ấm áp trên báo nhanh chóng rơi vào quên lãng của công thức “người tốt việc tốt” vốn quá nhàm chán và ít thu hút sự quan tâm.

Hơn nữa, vào cái thời “quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi” này, những bài viết ngợi ca lại dễ bị nghi ngờ đang đánh bóng tên tuổi cho thân chủ. Vậy đó, người đọc có cả trăm lý do để mắt nhắm mắt mở trước những câu chuyện tốt và dỏng tai lên nghe chuyện xấu.

Hiệp sỹ giữa đời thường

Tuy nhiên, vẫn còn đó những chàng Lục Vân Tiên của thế kỷ XXI, những hiệp sỹ đường phố như anh Nguyễn Văn Minh Tiến (TP.HCM), Nguyễn Tăng Tiên (Bình Dương). Các anh sẵn sàng xông pha bắt cướp dù không nhớ nổi đã bao nhiêu lần bị chúng trả thù.

Chỉ cần một người mở đầu, chỉ cần một tác động… và những tác động ấy không thiếu quanh ta. (ảnh minh họa)

Đó là bao người đi đường thấy người bị nạn tức tốc gọi cấp cứu, báo công an, mua bông băng, thuốc đỏ, bảo vệ tài sản nạn nhân. Đó là bao độc giả “nổi trận lôi đình” bằng những comment rực lửa trên báo mạng trước thái độ vô cảm đến vô lương của một số người…

Nếu có kẻ phạm tội trong đời thực còn dám khoe mẽ trong thế giới ảo, sẽ có ngay những hiệp sỹ mạng. Ngay sau khi Kẹo Mút Chơi Bời giật dòng status nhẫn tâm khoe cụ già hắn cán đêm qua đã chết trên Facebook, một cuộc truy lùng tông tích hắn đã diễn ra rầm rộ. Dù xóa trang cá nhân, mai danh ẩn tích, hắn vẫn không thể nào thoát tội.

Ai bảo gương “người tốt việc tốt” thường khô cứng và nhàm chán hắn phải nghĩ lại khi đọc bài văn “nghĩ về tiền” của Nguyễn Trung Hiếu, lớp 11 chuyên Lý trường Hà Nội Amsterdam. Những con dữ chân thành, đong đầy yêu thương của cậu học trò hiếu thảo đã lay động trái tim hàng nghìn độc giả.

Chỉ cần bạn bắt đầu

Theo cô Phạm Thị Thúy, chỉ cần một người hành động, tình thế sẽ thay đổi rõ rệt. Khi một cá thể xắn tay vào giúp đỡ người bị nạn, liên kết của nhóm người bàng quan bị đứt gãy và hiệu ứng chấm dứt từ đó. Sẽ có thêm một, hai rồi nhiều người tình nguyện cứu người. Chỉ cần một người bắt đầu.

Hiện tượng này giống như khi ta gặp đèn đỏ trên đường. Nếu không thấy công an và 5 người chạy trước phóng ào qua, ta dễ vượt đèn đỏ theo họ. Tuy nhiên, nếu ta dừng xe ngay ngắn trước vạch trắng, người khác sẽ nghiêm chỉnh dừng lại. Bốn người, bảy người, mười người dừng thì kẻ thứ 11 nếu có ý định phóng qua sẽ tự thấy lố bịch mà tự giác đi đúng luật.

Chỉ cần một người mở đầu, chỉ cần một tác động… và những tác động ấy không thiếu quanh ta. Tôi viết bài này sau khi dự Ngày hội hoa hướng dương lần 4. Cánh đồng hướng dương vàng rực là bằng chứng không thể chối cãi về lòng trắc ẩn, tình yêu thương giữa người với người. Hàng nghìn bông hoa bằng giấy được những em học sinh, sinh viên, chị công nhân, anh thầy giáo, bác hưu trí… cặm cụi cắt dán bằng tất cả tấm lòng với bệnh nhi ung thư. Từ một ước mơ đẹp của công dân trẻ Lê Thanh Thúy, những cánh hoa hướng dương đã kết nối vạn tấm lòng.

Lòng tốt lan truyền đi rất nhanh, rất xa, đẩy lùi cái xấu, cái ác. Chỉ cần chúng ta phát hiện và khơi gợi.

Nguồn 24H: http://www.eva.vn/eva-tam/tinh-nguoi-van-am-c66a82225.html