Tình non

PN - Sau khi cưới, vợ chồng thường phải đối mặt với nhiều khó khăn phát sinh trong buổi đầu chung sống. Đó cũng chính là cơ hội thử thách giúp những người trong cuộc trưởng thành hơn, nhưng rất tiếc, không ít cặp vợ chồng đã không nhận ra được ý nghĩa này, vội giơ tay đầu hàng.

Hôn nhân như gió thoảng? Tao sắp ly hôn rồi, H. nói với tôi, giọng tỉnh queo, như thể việc không liên quan gì đến nó. Tôi, người ngoài cuộc nghe mà không thể nào tin được. Nó chỉ mới lên xe hoa nửa năm trước, chỉ mấy tháng không liên lạc, mọi sự đã thay đổi. Vợ chồng H. làm cùng công ty, hiền lành, hai người đến với nhau tự nguyện. Lý do là “đọc sách suốt đêm, ăn sáng ngoài phố, lười biếng nằm ngày thì đã sao? Đến bố mẹ nuôi tớ 27 năm còn không thay đổi được tớ, huống chi anh ấy. Không tôn trọng cá tính của tớ thì tớ cũng thế với anh ấy. Hồi yêu nhau ăn uống, mua bán gì cũng cưa đôi, thấy thoải mái, giờ chung một nhà rồi mà anh vẫn duy trì cách đó, chịu sao nổi. Bố mẹ, anh em sòng phẳng trong chuyện tiền bạc còn nghe được, vợ chồng mà cũng thế thì tớ thấy phản cảm thế nào. Chán! Vợ chồng mới cưới được nửa năm mà đã mất hết cảm giác. Gia đình chẳng khác gì lò luyện kim, cứ thích uốn nắn nhau. Chia tay lúc này cho khỏe, chưa vướng bận con cái, chưa tổn thương nhau nhiều. Có gì mà phải buồn”. H giải thích. “Toàn chuyện nhỏ cả”, tôi gạt đi. “Ừ, nhưng chuyện nhỏ mới đáng sợ. Không ngờ sống cùng người mình yêu cũng là chuyện khá mệt”, H thở dài. Vợ chồng H. đã ra tòa hòa giải lần một. H thuê nhà ở riêng, sống cuộc sống của một người độc thân. “Bọn tao vẫn giữ liên lạc, thỉnh thoảng anh ấy qua thăm, có khi còn ngủ lại nữa”. Những người trong khu trọ không biết H. đang có chồng. Chuyện của H. khiến tôi liên tưởng đến chuyện một anh bạn làm cùng cơ quan. Chỉ khi anh công khai tán tỉnh một sinh viên vừa đến thực tập, những người trong cơ quan mới biết anh đã ly dị vợ. Cuộc hôn nhân kết thúc khi họ sắp kỷ niệm hai năm ngày cưới. “Lấy nhau vì tình. Bỏ nhau cũng vì tình”, anh nói như thể chuyện đùa. “Nhưng sống với nhau mới hơn một năm?”. Anh cười, “Bạn tôi chưa hết tháng trăng mật đã đưa đơn ra tòa kìa. Trước khi cưới hai vợ chồng thống nhất sẽ có con ngay, nhưng cô vợ đang trên đà thăng tiến sự nghiệp nên thay đổi suy nghĩ, nhất quyết chưa chịu có con. Anh cho rằng vợ ham công danh, tham vọng. Vợ bảo anh đã xúc phạm mình. Bài ca suy diễn bắt đầu. Thế là mâu thuẫn, không giải quyết được thì ly hôn. So với họ, xem ra tôi còn chín chắn chán". Nghe anh nói mà đồng nghiệp không khỏi lắc đầu ngao ngán. Nguyên nhân ly hôn của vợ chồng anh, theo anh là “chính đáng”: “Chờ mãi không có con, chúng tôi đi khám, cả hai đều bình thường. Nghĩa là không hợp nhau rồi. Cả hai đều sốt ruột”. Thế là vợ chồng lặng lẽ ra tòa, đến cả bố mẹ hai bên cũng không ai biết. Cuộc hôn nhân vụt qua như cơn gió thoảng. Khắc xuất, khắc nhập T. - biên tập viên một trang web phát hiện chồng có con riêng trước khi lấy cô. Không cần nghe một lời giải thích, cô viết đơn ly hôn trong nỗi tức giận. Chia tay được bốn tháng, T. kết hôn với người mới, là anh đồng nghiệp cũng từng ly hôn, suốt thời gian qua đã có tình cảm với cô. Sống chung chưa đầy năm, cô đã phải ôm con ra khỏi nhà chồng, chọn con đường ly thân. “Đến với nhau chẳng dễ dàng gì, lẽ ra phải trân trọng, không ngờ sự việc cứ xảy ra ngoài ý muốn. Giờ, ly thân chỉ là hình thức thôi, trước sau cũng đường ai nấy đi. Ly hôn rồi hối hận. Tái hôn xong càng hối hận hơn. Đúng là không còn gì để nói”, T. than. Chồng T. cũng vừa tái hôn. “Tưởng ly hôn để có thời gian nghĩ lại mọi chuyện, hai người sẽ quay lại. Ai dè cô vội lấy chồng ngay”. Đêm trước tái hôn, anh đã hẹn cô ra quán cà phê nói lời nuối tiếc. Họ đau đớn nhìn nhau. Muốn nối lại cũng bẽ bàng. Không vượt qua được phút mềm yếu khi quay lại cảnh sống một mình, những người như T., chồng T. vội vàng thiết lập cuộc sống với người mới. Chưa sang tuổi 30, đã qua hai cuộc kết hôn, liệu họ có rút ra được điều gì cho mình khi bước tiếp về tương lai? “Con người ta suy cho cùng kết hôn cũng tốt, không kết hôn cũng không sao. Giờ tôi chỉ biết sống cho bản thân thôi”, một người đàn ông đã qua một lần đổ vỡ hôn nhân kết luận. Anh vẫn nhớ về người vợ cũ với những nuối tiếc. Vì hiếu thắng và ích kỷ, anh đã phản ứng quá đà với những lời nói, hành động thiếu suy nghĩ của vợ trong lúc nóng giận. Anh ân hận vì ly hôn quá vội vàng. Anh đến với nhiều người phụ nữ sau này vì không vượt qua được cơn đói khát của bản thân chứ không phải từ tình cảm chân thành. 35 tuổi, anh nói như người sắp lên... lão: “Có lẽ cũng phải tiếp tục có gia đình, nhưng sao tôi chẳng còn hứng thú gì nữa”. Một cuộc sống mới bắt đầu không dựa trên tình yêu đích thực cộng với những tồn tại từ cuộc hôn nhân trước để lại chưa được giải quyết, trước mặt những người “ly hôn vội, tái hôn nhanh” là con đường dài hay ngõ cụt? Có chắc rằng họ không lặp lại bi kịch cũ? Vượt qua cơn chết yểu Thực tế, không chỉ những cuộc hôn nhân ẩn chứa những toan tính mới khiến người trong cuộc nhanh chóng rơi vào trạng thái chán nản, thất vọng mà chính nhiều đôi lứa yêu nhau sâu nặng, trải qua không ít thử thách cũng khó tránh tâm trạng đó. Những điều không suôn sẻ diễn ra ngay từ những ngày đầu về chung sống khiến mỗi người luôn tự hỏi, phải chăng họ đã sai lầm khi gắn bó với nhau? Những người trẻ này không coi trọng cuộc sống gia đình như các thế hệ trước đây? Những giá trị đạo đức truyền thống đã có nhiều thay đổi? Hay đó là hệ quả của xu hướng “sống vội”?... Những bậc phụ huynh chỉ biết thở dài. Có học thức, nghề nghiệp, độc lập trong suy nghĩ, nên họ rất tự tin vào bản thân, vào cách hành xử của mình, không muốn lắng nghe tiếng nói của đối phương, càng không cần những lời “tư vấn” hay sự can thiệp của những người ngoài cuộc, những người đi trước. Có lẽ vì vậy, họ dễ dàng vấp ngã. Thật ra, đơn giản chỉ là những cặp vợ chồng trẻ chưa có kinh nghiệm đối phó với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống mới. Nếu được trang bị kiến thức về gia đình và kỹ năng sống, bạn sẽ điều chỉnh, lèo lái được cuộc hôn nhân của mình vượt qua cơn chết yểu. Một trong những kinh nghiệm để giữ cho cuộc hôn nhân bền vững chính là biết ứng phó với sự thay đổi. Sự thay đổi sẽ thử thách mối quan hệ của hai người. Vượt qua được thử thách của những năm đầu, chắc chắn hôn nhân của các bạn sẽ hạnh phúc một cách bền vững. Khi về sống chung một mái nhà, hai người sẽ phải đối mặt với những thay đổi - phát sinh: thay đổi về nếp sinh hoạt, về suy nghĩ, việc làm, tài chính, tình cảm... và phát sinh những vấn đề trước đó chưa lường đến, chưa từng gặp phải (trong đó có cả những bí mật bất ngờ từ đối tượng). Sự thay đổi và nảy sinh đó (gọi chung là thay đổi) có thể đem lại niềm vui nhưng cũng có thể đem lại đau khổ, phiền muộn. Chỉ có hai chọn lựa: cùng nhau tìm cách đối phó hoặc giơ tay đầu hàng, quay lưng với bạn đời, đẩy cuộc hôn nhân đến ngõ cụt. Mỗi thay đổi là một lần thử thách sự chịu đựng, tính kiên trì, khả năng giao tiếp, giải quyết xung đột... Các bạn có thể gần nhau hơn và cũng có thể xa nhau hơn. Bí quyết để vượt qua những thay đổi là mối quan hệ vợ chồng cần có một nền tảng liên kết vững chắc. Đó là tình yêu sâu sắc, là lòng tin, sự chân thành và biết thẳng thắn trao đổi những suy nghĩ của mình; là những thỏa thuận, linh hoạt khi hoàn cảnh mới đòi hỏi. Bên cạnh đó là biết chấp nhận những khác biệt, biết lắng nghe, biết tự điều chỉnh và chấp nhận. Khi đó, mối liên kết vợ chồng sẽ dần trở nên bền vững. Giai đoạn ban đầu của cuộc sống vợ chồng có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc đến việc họ có sống trọn đời hạnh phúc hay không. Để cùng nhau đi chung trên con đường mới, mỗi người cần chuẩn bị cho mình tâm thế ứng phó với những thay đổi sẽ đến. Đông Hạ

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2009/Pages/tinh-non.aspx