Tình thân 'cứu rỗi' phim truyền hình Việt

Bộ phim truyền hình 'Người một nhà' nhận được sự yêu mến đặc biệt của khán giả khi từng đứng thứ tư trong top 10 chương trình giải trí/phim (khung giờ 6-22h) có tỷ lệ người xem mỗi phút lớn nhất trong tuần. Cùng với một số phim đã và đang phát sóng như 'Về nhà đi con', 'Thương ngày nắng về', 'Mình yêu nhau bình yên thôi'... cho thấy đề tài tình thân - gia đình quay lại và đang làm nên sức hấp dẫn của phim truyền hình Việt.

Đậm chất “đời” trong từng phân cảnh

Ngay từ khi phát sóng những tập đầu tiên trên kênh VTV3 (21h30 thứ Năm, thứ Sáu hằng tuần), bộ phim “Người một nhà” (đạo diễn Trịnh Lê Phong) đã tạo được hiệu ứng khán giả đặc biệt. Bộ phim kể về cuộc sống của hai anh em Trí - Tuệ.

Bố mẹ chia tay từ khi hai anh em còn nhỏ. Tuệ sống cùng bố và ông nội, Trí theo mẹ. Nhưng, khi Trí 15 tuổi, mẹ gửi lại cho ông nội để đi bước nữa. Sau một biến cố lớn, Trí phải bỏ nhà trốn biệt tích 10 năm. Khi trở về thì Tuệ đã có gia đình sống yên ấm trong căn nhà ông cha để lại. Vui mừng và muốn bù đắp cho người anh ruột thịt nhưng Tuệ gặp không ít trở ngại. Bên cạnh đó, hành trình hoàn lương của Trí cũng gặp nhiều khó khăn vì những ân oán trong quá khứ.

Câu chuyện tình thân của Trí - Tuệ xúc động, thú vị gắn với tính cách trái ngược của hai anh em. Trí bụi bặm, ngỗ ngược nhưng trượng nghĩa, luôn bảo vệ em. Tuệ nhút nhát, hay hành động bột phát nhưng trong sáng, tình cảm.

Khán giả xúc động với tình anh em trong phim “Người một nhà”.

Khán giả xúc động với tình anh em trong phim “Người một nhà”.

Một thành công nữa của “Người một nhà” phải kể tới dàn diễn viên lành nghề, hóa thân chân thực vào mỗi vai diễn. Khó ai có thể thay thế Duy Hưng khi vào vai Trí và Tuấn Tú cho vai Tuệ. Từng nhiều lần đảm nhiệm vai giang hồ nên Duy Hưng hóa thân xuất sắc vào nhân vật Trí - một người từ hình thức, giọng nói đến hành động đều cho thấy chất ngang tàng, bụi bặm. Nhưng, ẩn sau vẻ ngoài tưởng chừng cục cằn ấy là người anh giàu tình cảm, luôn bảo vệ, lo lắng thậm chí sẵn sàng nhận phần thiệt thòi để cho em trai được yên vui. Với vai Tuệ, Tuấn Tú bộc lộ khả năng diễn xuất ngày một chín muồi. Hình ảnh một Tuệ tình cảm, ngây ngô, trong sáng, tốt bụng, đặc biệt rất thương anh đã được Tuấn Tú hóa thân xuất sắc.

Ngoài ra, cũng phải kể tới diễn xuất chân thực của Thanh Hương khi vào vai Khanh (vợ Tuệ). Khanh là một người phụ nữ tháo vát, yêu chồng thương con, nhưng không khỏi hoang mang, nghi ngại khi cuộc sống gia đình xáo trộn bởi sự xuất hiện của người anh chồng với quá khứ bất hảo. Sự e dè, lo lắng, thậm chí toan tính có phần ích kỷ của Khanh cũng là điều dễ hiểu và khiến nhân vật “đời” hơn. Hay, nữ diễn viên Quỳnh Châu vào vai Diệp - một cô gái trẻ thẳng thắn, hiểu chuyện cũng mang đến điểm nhấn thú vị cho phim.

Khác với nhiều bộ phim truyền hình tập trung phản ánh tình yêu với đầy ắp drama, “Người một nhà” mang đến một tình anh em chân phương của những con người với nhiều thiệt thòi và vết thương từ thơ ấu. Nhưng, những lo lắng, chở che, tình thương yêu mộc mạc đã tạo ra niềm xúc động lớn, mang đến một bức tranh dung dị mà ngọt ngào của anh em một nhà. Cảnh hai anh em cùng vui nấu bữa cơm đơn sơ trong phòng trọ chật hẹp của Trí, cách Trí mắng em mỗi khi Tuệ vì anh mà mâu thuẫn với vợ... Đó đều là những cảnh quay ấm áp, cảm động khiến người xem nghẹn ngào. Không quá nhiều nhân vật, tình tiết éo le, điều khiến “Người một nhà” thu hút khán giả chính là tình cảm mà những người trong gia đình quan tâm đến nhau, đặc biệt là anh em trai - vốn là tình cảm không hay thể hiện bằng lời.

Có thể nói, sức hút của “Người một nhà” tái khẳng định sức hấp dẫn của dòng phim tình thân, gia đình. Chủ đề này được thể hiện qua những bộ phim như “Về nhà đi con”, “Hương vị tình thân”, “Hướng dương ngược nắng”, “Thương ngày nắng về”, “Gia đình mình vui bất thình lình”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”... Ngay cả những bộ phim đang phát sóng cùng thời điểm với “Người một nhà” như “Trạm cứu hộ trái tim”, “Mình yêu nhau bình yên thôi”... dù đề tài khác nhau nhưng đều ít nhiều khai thác những mâu thuẫn, xung đột của các mối quan hệ tình thân trong gia đình.

Trong số đó, “Về nhà đi con” được ví như “bộ phim quốc dân” với câu chuyện buồn vui quanh cảnh “gà trống nuôi con” của ông Sơn và 3 cô con gái. Cùng với diễn xuất của NSND Trung Anh và các diễn viên Bảo Thanh, Thu Quỳnh, Bảo Hân trong vai 4 bố con, bộ phim gửi gắm thông điệp về giá trị của gia đình, của tình yêu thương trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Hình ảnh người mẹ tần tảo cùng 3 cô con gái trong phim “Thương ngày nắng về”.

Hình ảnh người mẹ tần tảo cùng 3 cô con gái trong phim “Thương ngày nắng về”.

“Thương ngày nắng về” lại khiến người xem xúc động về câu chuyện một người mẹ tảo tần nuôi dạy 3 cô con gái. Dù bối cảnh là khu trọ của những người lao động nghèo làm thuê nơi chợ đầu mối nhưng “Cuộc đời vẫn đẹp sao” lại ngân vang những giá trị tinh thần đẹp đẽ. Hình ảnh ông bố Lưu “nát” (NSƯT Hoàng Hải) không quản cực nhọc để dành cho cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi những điều tốt đẹp nhất, với một mơ ước con thành tài, sẽ có một tương lai xán lạn hơn mình. Hay, những yêu thương từ tận đáy lòng mà Luyến “lươn” dành cho mẹ chồng và ngược lại đã mang đến cho người xem những thông điệp ấm áp về tình người.

Thông điệp về tình thân

Sức hấp dẫn của những bộ phim này không đến từ bối cảnh sang chảnh, diễn viên xinh đẹp, ăn mặc thời trang hay câu chuyện phim đẫm drama mà đến từ những chi tiết đời thường, những xung đột gia đình tưởng chừng như ai cũng gặp, những tính cách nhân vật gần gũi, chân thực như những người sống quanh ta...

Vượt lên những mâu thuẫn, khúc mắc trong từng tình huống, câu chuyện phim dung dị ấy đều hướng con người đến sự sẻ chia, thấu hiểu và tràn đầy bao dung. Hầu hết những bộ phim đều mang thông điệp về ý nghĩa của tình cảm gia đình và sự gắn kết giữa các thành viên mỗi tế bào xã hội ấy. Không chỉ có cốt truyện chân thực, các bộ phim về đề tài gia đình - tình thân thường đan cài thêm những yếu tố hài hước gây cười hoặc hành động khiến phim thêm phần hấp dẫn.

Những bộ phim về tình thân thời gian gần đây còn cho thấy sự phát triển vượt bậc trong diễn xuất của các diễn viên. Dù là vai chính hay vai phụ đều được các nhà biên kịch, diễn viên cùng góp sức mang đến những nhân vật chân thực, sinh động. Đó là những cái tên như NSƯT Thanh Quý, NSƯT Hoàng Hải, Thanh Sơn, Duy Hưng, Tuấn Tú, Kiều Anh, Thanh Hương, Anh Đào, Đình Tú...

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ những bộ phim về tình thân luôn nhận được sự hào hứng của các đạo diễn cũng như sự quan tâm của khán giả bởi dẫu là một trí thức, doanh nhân hay anh công nhân, bác nông dân thì đều được sinh ra từ một gia đình. Những vấn đề trong các mối quan hệ cha mẹ - con cái, anh - em, vợ - chồng, họ đều gặp phải. Hơn ai hết, khán giả bắt gặp bóng dáng mình, người thân trong những câu chuyện ấy.

Không khó để thấy, khi những bộ phim này đang phát sóng, báo chí, truyền thông hay nhiều trang mạng xã hội liên tục cập nhật diễn biến của từng tập phim. Những bình luận bày tỏ cảm nhận, chia sẻ, thậm chí cả những tranh cãi xung quanh một tình huống phim cũng diễn ra rôm rả. Hầu hết các phim đều có lượng rating cao. Bộ phim “Hương vị tình thân” nhận về 100 triệu lượt xem. Bộ phim “Thương ngày nắng về” khi lên sóng phần 2 không hề giảm nhiệt khi có đến 50 triệu lượt xem trên website. Ngoài ra, các bộ phim còn nhận được sự đánh giá cao của các nhà chuyên môn thông qua các giải thưởng dành cho phim truyền hình. Ví dụ như bộ phim “Về nhà đi con”, “Thương ngày nắng về”, gần đây nhất là “Gia đình mình vui bất thình lình” đều nhận được giải Phim truyền hình yêu thích nhất qua từng năm.

Có thể nói không ngoa rằng, đề tài tình thân đã giúp phim truyền hình Việt lấy lại hào quang cũng như tình yêu của khán giả. Chính việc tái hiện hoàn cảnh các gia đình, kể lại các câu chuyện, mối quan hệ trong mỗi gia đình khiến các bộ phim đến gần với khán giả hơn. Nhờ phản ánh chân thật mà các bộ phim mang đậm chất “đời” trong từng phân cảnh. Đặc biệt, trong xã hội công nghệ hiện đại khiến những giá trị ảo lên ngôi, thậm chí có phần lấn lướt giá trị thật thì những bộ phim về tình thân thực sự giúp “chữa lành” đúng nghĩa. Những bộ phim mang thông điệp về tầm quan trọng của sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Và, mỗi chúng ta, không cần phải tìm giá trị cuộc sống ở đâu xa xôi mà hãy biết yêu thương, trân quý chính những thân tình gần gũi ngay cạnh mình.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/tinh-than-cuu-roi-phim-truyen-hinh-viet-i730563/