Tinh thần thép của người lính Điện Biên

Trong chiến tranh, khoảng cách giữa cái sống, cái chết rất mong manh, người lính ra trận không nói trước ngày về.

Lòng quả cảm của quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, ghi vào trang sử dân tộc niềm tự hào to lớn.

Không hẹn ngày về

Cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy, 85 tuổi, ở tổ 1, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên, quê ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đi bộ đội năm 1952. Nhập ngũ, Hoàng Văn Bảy đã hứa với địa phương cố gắng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ “1 là xanh cỏ, 2 là đỏ ngực”, không hẹn trước ngày về.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy nhớ lại những trận đánh hào hùng của ông và đồng đội.

Đầu năm 1954, chuyển quân lên chiến trường Điện Biên, bổ sung vào Trung đoàn 174 thuộc Sư đoàn 316, Hoàng Văn Bảy cùng anh em trong đơn vị C5 làm nhiệm vụ vừa đào hào, vây lán, siết chặt, tiếp cận dần các vị trí của địch. Khi có lệnh phát hỏa, nghe hô xung phong, bản thân ông cùng đồng đội không nghĩ đến cái chết, xông lên quyết chiến. Bước vào giai đoạn 3 (1/5/1954), quân đội ta đánh dãy đồi phía Đông, đại bác địch dội vào ác liệt, hầm sập, chiến sĩ Hoàng Văn Bảy bị thương và được chuyển ra Mường Phăng chữa trị.

Sức khỏe hồi phục, ông xin trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Trận công kích cuối cùng, 5 giờ sáng ngày 7/5, quân ta đang tiến công ồ ạt, Hoàng Văn Bảy bị mảnh pháo găm vào đùi và được đồng đội đưa về bệnh viện dã chiến trị thương. Nằm trong bệnh viện, nghe tin chiến thắng, y bác sỹ và các chiến sĩ bị thương hô vang, vui mừng.

Ông Đặng Hùng Mạnh, thuộc Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, nay đã 84 tuổi, quê ở Thanh Hóa đang sinh sống tại Thành phố Lai Châu tâm sự: “Ngày ấy nhà mình nghèo lắm, cha mất sớm vì bom mìn kẻ thù. 21 tuổi mình phải ở đợ kiếm sống. Căm thù giặc Pháp, mình quyết xung phong vào bộ đội để được đánh giặc”. Tham gia trận đánh mở màn Him Lam, ông Mạnh cùng các chiến sĩ khẩu đội DKZ 57 không giật, làm nhiệm vụ bắn lô cốt địch yểm trợ cho đồng đội tiến sâu vào cứ điểm.

Ông kể: “Vào chiến dịch, giao thông hào chằng chịt. Trời mưa, bùn đặc như cháo, túi cơm anh nuôi phát phải buộc vào thắt lưng, buộc vào đùi, bùn dính đầy túi cơm, bỏ thì đói nên bộ đội ta lấy lưỡi lê gọt bùn ăn ngon lành. Thực hiện nhiệm vụ phải giữ bí mật, người nào muốn ho thì đào lỗ, ghé xuống mà ho, bị lộ quân địch sẽ phát hiện mục tiêu xả đạn ngay. Thời khắc phát hỏa, tiếng súng của ta và địch nổ ầm ầm, khẩu DKZ bắn đỏ cả nòng. Đêm tối mịt, chỉ nhìn đường sáng của đạn phía lỗ châu mai địch phát ra mà nã pháo vào. Trời sáng, nhìn mới thấy lô cốt địch tan tành, còn hai lỗ tai mình như có tiếng dế kêu suốt ngày.

Cựu chiến binh Trương Công Phúc, 78 tuổi, quê ở Nghệ An, sống tại phường Đoàn Kết, thị xã Lai Châu tham gia chiến đấu thuộc Đại đội 673, Tiểu đoàn 251. Cầm tấm hình đen trắng, ba người bạn thân chụp chung trước khi nhập ngũ, ông xúc động kể: "Tôi, thằng Liên, thằng Kế sang làng bên chơi, lúc về, thằng Liên nói “bọn mình trốn nhà đi đánh thằng Tây đi, tao nghe nói đánh Tây sướng lắm!”.

Ba người đồng lòng, xung phong nhập ngũ, chiến đấu cùng chiến hào, vào sinh ra tử ở cạnh nhau. Giây phút cuối của chiến dịch, thấy cờ trắng đầu hàng của địch, Liên và Thế sung sướng nhảy cỡn lên khỏi hào, bất ngờ địch quay lại xả đạn. Liên ngã gục tại chỗ, còn Thế bị thương nặng bất tỉnh. Trong cơn mê sảng, Thế còn hô “Liên ơi nhảy xuống hào đi”. Ba người bạn thân xung trận, một trở về nguyên vẹn, một bị thương và một người hi sinh nằm lại mảnh đất Điện Biên".

“Quyết tâm thư”

Chiến binh Nguyễn Hữu Chấp, 83 tuổi, quê ở Phú Thọ thích được đánh giặc, 17 tuổi xung phong đi bộ đội, do thấp bé, chưa đủ cân nên ông không được nhận. Khi ông Huyện đội trưởng đưa gia đình sơ tán về ở cạnh nhà, cậu thanh niên Chấp năn nỉ bố mẹ đến nhờ để xin đi bộ đội.

Đầu năm 1949, tròn 18 tuổi, Nguyễn Hữu Chấp hoan hỉ khoác ba lô lên đường nhập ngũ, bổ sung vào Đại đội địa phương huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Đầu năm 1950, Đại đội địa phương huyện Hạ Hòa được bổ sung vào Trung đoàn chủ lực 209 thuộc Sư đoàn thép 312 đóng quân ở Thái Nguyên.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp xúc động nhìn lại cuộc chiến mà mình, đồng đội đã trải qua.

Năm 1953, chiến sĩ Nguyễn Hữu Chấp được cử đi học văn hóa ở Nam Ninh (Trung Quốc), cuối năm về nước cùng với một số anh em khác hành quân lên Điện Biên. Bước vào trận Him Lam, ông là đảng viên được giao nhiệm vụ làm Khẩu đội trưởng khẩu đội Cối 82 và tổ trưởng Đảng Chi bộ trợ chiến. Bộ Chính trị xác định, trận mở màn Him Lam phải quyết thắng để phá bỏ cánh cửa thép của địch, sẽ là động viên toàn quân đánh các trận tiếp theo. Các Chi bộ Đảng triển khai họp, các đảng viên gương mẫu đi đầu viết “Quyết tâm thư”, có người dùng máu viết lên ý chí kiên cường của mình để xung trận.

Chiến sĩ Nguyễn Hữu Chấp viết: “Tôi là đảng viên, xin đầu tàu gương mẫu trước quần chúng, xung phong quyết đánh, quyết thắng, không nao núng, chùn bước trước kẻ thù…”.

Các chiến sĩ đồng loạt hưởng ứng viết khẩu hiệu “không thắng không về”, “quyết đánh, quyết thắng” treo lên mũ ra trận. Ý chí thép của cán bộ, chiến sĩ là sức mạnh để đánh bại quân địch trong trận mở màn Him Lam, góp phần thay đổi cục diện của cuộc chiến. Tinh thần toàn quân dâng cao, sẵn sàng tổng lực cho chiến dịch giai đoạn tiếp theo giành toàn thắng.

Việt Hoàng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tinh-than-thep-cua-nguoi-linh-dien-bien-post128496.info