Tình tiết mới trong phiên tòa Oceanbank: ĐBQH nói gì?

'Có thể cơ quan chức năng sẽ vào cuộc hoặc mời lãnh đạo đã ký văn bản đến tòa làm việc, đối chất' - bà Lê Thị Thu Ba.

Làm rõ mối liên hệ qua văn bản được ký

Tại phiên xét xử đại án Oceanbank, ngày 14/9, luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) đã đưa ra văn bản ngày 7/9/2010 do Chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) PVN Đinh La Thăng ký.

Đó là văn bản số 6843 yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải thực hiện mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank bao gồm: Cấp phát vốn, thanh toán, gửi tiền, và các dịch vụ tài chính khác, trong đó có các quan hệ tài chính giữa các đơn vị với nhau.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 15/9, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết:

"Theo đánh giá của tôi, về mặt pháp lý, đó chỉ là một văn bản chỉ đạo điều hành trong nội bộ của lĩnh vực do cán bộ quản lý đối với các đơn vị trực thuộc. Văn bản này chưa nói lên điều gì, trừ trường hợp chứng minh được có mối liên hệ trong sự chỉ đạo đó như có việc hàm ý chỉ đạo các đơn vị làm việc với Oceanbank phải lại quả, chi ngoài...".

Ông Nguyễn Xuân Sơn - cựu Tổng Giám đốc Oceanbank

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, đây chỉ mới là lĩnh vực hành chính trong quá trình quản lý điều hành. Luật sư muốn gợi ý tìm mối liên hệ giữa văn bản với các sai phạm của Oceanbank. Tuy nhiên, có làm như vậy hay không là cả một câu chuyện dài.

'Tất nhiên, Luật sư đưa việc này ra để đề nghị tòa án có ý kiến, nghiên cứu, xem xét, nhưng nếu có động thái gì mới, phải chuyển qua cơ quan các cơ quan tư pháp khác. Cũng phải nói thêm rằng, HĐXX, Tòa án có ý kiến gì về việc này hay không lại là câu chuyện khác', ông Sơn giải thích.

Chuyện bình thường

Về mặt quản lý, theo ông Sơn, khi đưa ra văn bản trên thì việc ký văn bản của ông Đinh La Thăng là câu chuyện bình thường. Ví dụ, khi hệ thống công chứng ra đời, thì lãnh đạo hàng loạt các Ngân hàng chỉ đạo cho các Ngân hàng trực thuộc của mình không được ký các giao dịch ở các tổ chức hành nghề công chứng khác, chỉ được làm ở một cơ sở nào cụ thể, hoặc chỉ định chọn phòng công chứng của địa phương nào.

Việc cam kết hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp cũng không có vấn đề gì, vì một bên cung cấp tín dụng, một bên sử dụng dịch vụ. Bản thân việc này không mang lại lợi ích gì.

"Nhiệm vụ của Luật sư là vận dụng các quy định của pháp luật để bào chữa, để tìm cách chứng minh hành vi vi phạm của thân chủ mình nó phải được nhìn nhận dưới góc cạnh nhẹ hơn. Nhưng tôi không nghĩ rằng đưa ra văn bản đó thì ông Nguyễn Xuân Sơn sẽ nhẹ tội.

Tôi nghĩ phải nhìn vấn đề một cách công tâm, công bằng. Bản thân văn bản tự nó không dẫn đến câu chuyện, hành vi trong vụ án đã xét xử", ông Sơn nhận định.

Phải mời đến tòa làm việc, đối chất

Trong khi đó, cũng chia sẻ với Đất Việt, bà Lê Thị Thu Ba - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội cho rằng, những văn bản chỉ đạo được nêu ra trong các phiên xét xử đại án như Oceanbank cũng rất được quan tâm.

Văn bản được Luật sư Nguyễn Minh Tâm đưa ra, thể hiện việc người chỉ đạo khiến cho cấp dưới thực hiện theo chỉ đạo. Còn chỉ đạo đó có đúng pháp luật hay không thì phải xem xét tiếp. Nếu sai thì người chỉ đạo phải chịu trách nhiệm và người thực hiện biết sai pháp luật mà cũng không báo cáo lên cấp trên thì rõ ràng cũng phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp các doanh nghiệp hỗ trợ cho nhau mà lành mạnh, không có làm thất thoát tài sản nhà nước, thì sẽ không phải chịu trách nhiệm.

"Trước thông tin của luật sư, có thể cơ quan chức năng sẽ vào cuộc hoặc mời lãnh đạo PVN đã ký văn bản làm việc", bà Ba nói thêm.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tinh-tiet-moi-trong-phien-toa-oceanbank-dbqh-noi-gi-3343142/