Tổ chức kiểm tra an toàn quốc tế nhận định: Bệnh viện Việt Nam thiếu sạch sẽ

Bệnh viện Việt Nam thiếu ngăn nắp và sạch sẽ; các dụng cụ y tế và khử khuẩn không được che phủ để ngăn bụi; không có quy trình làm sạch đúng (làm sạch bề mặt, sàn, nhà vệ sinh); không có nơi chứa đồ vải của bệnh nhân đúng tiêu chuẩn...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị sáng 12/9

Bệnh viện Việt Nam còn quá nhiều vấn đề

Trong 2 ngày 12 – 13/9 tại TP.HCM, Bộ Y tế phối hợp với Liên minh Châu Âu tổ chức Hội nghị Tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện với dự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh thành.

Theo Kết quả đánh giá nhanh tại 13 bệnh viện Việt Nam của Dr. Stefan Doheim (kiểm tra an toàn quốc tế) cho thấy, các bệnh viện của Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề, từ khâu vệ sinh, quản lý đơn, cấp thuốc, chăm sóc bệnh nhân đến quản lý cơ sở vật chất, quản lý thông tin.

Dr. Stefan Doheim đã chỉ ra một loạt những tồn tại mà các bệnh viện Việt Nam đang mắc phải như thiếu ngăn nắp và sạch sẽ; các dụng cụ y tế và khử khuẩn không được che phủ để ngăn bụi; không có quy trình làm sạch đúng (làm sạch bề mặt, sàn, nhà vệ sinh); không có nơi chứa đồ vải của bệnh nhân đúng tiêu chuẩn; không có quy trình rõ ràng hạn chế các nhiễm khuẩn do chăm sóc y tế gây nên; vùng sạch và bẩn không tách riêng biệt…

Y lệnh không rõ ràng, khó đọc; lỗi khi dịch đơn thuốc, y lệnh; bảo quản thuốc không đúng (nhiệt độ, để riêng những thuốc cảnh báo cao, dược liệu cần kiểm soát…); các thuốc dễ mất, dễ bị đánh cắp không được bảo vệ; không có hệ thống kiểm tra thời hạn hết hạn sử dụng thuốc; không có hệ thống thông báo trả lại thuốc của bệnh nhân; thiếu ghi chép về mặt sử dụng thuốc của người bệnh; không có hệ thống về báo lỗi y khoa và nguy cơ lỗi…

Về chăm sóc bệnh nhân, các bệnh viện đánh giá thông tin y khoa của người bệnh chưa hoàn chỉnh, hồ sơ bệnh án chưa hoàn chỉnh, quản lý đau kém, quy trình cấp cứu y khoa không rõ ràng, thiếu các quy trình chuẩn; không có hệ thống phân loại bệnh nhân tại khoa cấp cứu để ưu tiên bệnh nhân; dòng bệnh nhân không được tổ chức và quản lý, không theo dõi việc vào viện của tất cả mọi người (liên quan đến an ninh bệnh viện).

Đặc biệt, trong công tác quản lý cơ sở vật chất và quản lý thông tin, nhiều bệnh viện quản lý nguy cơ không chặt chẽ; không có danh sách vật liệu nguy hại, không có bảng số liệu về an toàn vật chất, không có nhân viên chịu trách nhiệm về hóa chất nguy hại; thiếu sự giám sát các dịch vụ, công ty thuê ngoài; lối thoát hiểm và các đường ra khẩn cấp bị kẹt hoặc bị khóa; thiếu đào tại tất cả các nhân viên về quản lý trang thiết bị và an toàn.

Thông tin riêng tư của người bệnh không được quản lý tốt; thiếu an toàn số liệu và bảo vệ số liệu; không có chương trình an toàn phòng thí nghiệm cũng như chương trình an toàn y học phóng xạ…

Quá tải là thực trạng nhức nhối lâu nay của các bệnh viện

Tư duy quản lý bệnh viện vẫn còn như thời bao cấp

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là hoạt động quan trọng và chủ đạo trong công tác chỉ đạo của lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và của ngành y tế.

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng, đa số các bệnh viện đã thành lập phòng hoặc tổ quản lý chất lượng nhằm bao quát, giám sát chất lượng các hoạt động trong bệnh viện. Việc thực hiện khảo sát, ghi nhận sự góp ý của người bệnh đã giúp bộ mặt nhiều bệnh viện có sự thay đổi rõ rệt.

Tuy nhiên, vấn đề về quản lý bệnh viện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa được nâng cao, thậm chí tại một số bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, việc quản lý xử lý rác thải, quản lý các dịch vụ an ninh… đang còn kém.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tư duy quản lý chất lượng bệnh viện vẫn còn như thời bao cấp, đang còn bằng lòng với tất cả, chưa có sự linh hoạt, nhạy bén để thay đổi cách quản lý nhằm hướng tới sự hài lòng người bệnh. Vì vậy, lãnh đạo bệnh viện không chỉ có chuyên môn giỏi mà cần phải được đào tạo về quản lý tốt.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ giao toàn quyền tự chủ và chịu trách nhiệm cho các bệnh viện, trong đó có tự chủ tài chính, tự chủ giá dịch vụ, bảo hiểm y tế… Bộ cũng sẽ đề nghị chính quyền địa phương giao quyền tự chủ về việc làm, nhân lực, nhân công, chi trả, lương thưởng… cho sở y tế.

Trong hai năm 2012 và 2013, Bộ Y tế đã cùng Liên minh Châu Âu EU tổ chức 2 Diễn đàn Quốc gia về chất lượng bệnh viện. Từ những kinh nghiệm đó, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành thí điểm được Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện với 83 tiêu chí. Bộ tiêu chí này đã được Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện lấy làm công cụ để kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện từ năm 2013 đến nay.

Trong khoảng thời gian 2015 – 2018, Liên minh Châu Âu tài trợ 100 triệu euro cho chính phủ Việt Nam theo hình thức hỗ trợ ngân sách để giảm thiểu sự chênh lệch giữa người giàu và nghèo, tập trung vào 10 tỉnh nghèo của Việt Nam và hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam để nâng cao chất lượng dịch vụ tại tuyến cơ sở và bệnh viện.

Bên cạnh đó, một phần hỗ trợ được sử dụng để mua bảo hiểm y tế cho người cận nghèo nhằm nâng cao tiếp cận với các dịch vụ y tế cho các nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam

An Nhiên

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bo-truong-y-te-quan-ly-chat-luong-benh-vien-van-nhu-thoi-bao-cap-post208865.info