Tổ xóa nghèo ở Nam Đông

ND - Bảy già làng của "tổ xóa nghèo" thuộc các xã định canh, định cư huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) không chỉ biết cách làm kinh tế giúp dân xóa đói, giảm nghèo mà còn là những cán bộ mẫu mực, có nhiều đóng góp tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Những năm trước, đồng bào dân tộc Kơ Tu ở các xã định canh, định cư huyện Nam Đông nhà nào cũng có vườn rộng nhưng người dân vẫn sống trong cảnh khó khăn, luôn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bởi lẽ, suốt thời gian dài, đồng bào sống theo kiểu "phát, cốt, đốt, trỉa", du canh, du cư. Cây cối trong vườnmọc um tùm mà chẳng đem lại giá trị kinh tế. Họ nuôi lợn, bò theo kiểu "thả rông" hai, ba năm mới xuất chuồng mà con nào, con nấy cũng chỉ được vài chục cân. Trồng sắn, khoai chỉ biết cắm cây xuống đất, mặc cho ra sao thì ra. Thêm nữa, họ nghèo vì tập quán chi tiêu, nghèo vì nhiều hủ tục... trói buộc. Chính quyền địa phương đã nhiều lần phối hợp cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn bà con cách làm ăn, song không mấy hiệu quả. Chị Hồ Thị Hợp (người Kơ Tu), ở xã Hương Hữu kể: "Đồng bào xưa nay chỉ biết trồng cây để cái vườn không cho con gà, con lợn đi rong chơi thôi. Nếu trồng lúa nước, trồng cao-su thế nào Giàng cũng phạt. Cán bộ nói mình nghe nhưng mình không hiểu hết, mình chưa tin, nên không muốn làm theo, sợ thất bại". Ngày trước, để thắng được con thú dữ, được Giàng chở che, thì mọi hoạt động của làng đều nhất nhất phải nghe theo già làng. Nay, quyền uy của già làng không còn độc tôn, song trong tâm thức của đồng bào, già làng vẫn là người có "cái miệng" của thần linh và biết nói cho con cháu nghe về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước bằng tiếng của dân tộc mình. Lãnh đạo huyện Nam Đông đã thống nhất mời những người về hưu, những già làng có uy tín, đã từng giữ các chức vụ quan trọng, thuộc cán bộ chủ chốt của huyện tham gia vào tổ vận động, còn gọi là "tổ xóa nghèo", nhất là tuyên truyền bà con ở các xã định canh, định cư thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Đông Hồ Tứi (ở xã Thượng Lộ), người đã sáng lập và dẫn dắt "tổ xóa nghèo", năm nay đã bước sang tuổi 76 nhưng trông vẫn còn khỏe khoắn lắm. Ngày ngày ông đi từ làng này, sang bản nọ, lúc thì kiểm tra đồng ruộng, lúc hướng dẫn đồng bào cách bón phân nhưng đôi khi đi cả chục cây số chỉ để nghe những tâm tình của bà con. Ông là người phát động phong trào chặt phá cây không có giá trị để cải tạo vườn tạp tại xã Thượng Lộ, sau đó nhân rộng ra các xã đồng bào dân tộc trong huyện. Ban đầu, nhiều người tiếc của không muốn phá bỏ. Ông đến từng gia đình, họp thôn, họp làng để vận động, phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước. Hôm vận động gia đình bà Kăn Thiếp, ở xã Thượng Lộ, ông Tứi nói: "Đất đai mình ít rồi, định cư thì phải thâm canh mới tăng năng suất. Trước đây ăn mặc đơn giản nên làm ít cũng được, chừ phải có tiền để nuôi con học hành đến nơi đến chốn. Phải cố gắng làm có tiền để mua xe máy, mua ti-vi, đem văn minh về làng quê". Bà con tin, làm theo cách ông hướng dẫn, một vài hộ chăn nuôi, sản xuất hiệu quả cũng đủ sức lan tỏa để các xã định canh, định cư khác làm theo. Chị Hồ Thị Thơm, ở thôn La Hố (xã Thượng Lộ) bộc bạch: "Ngày trước, tôi sống bấp bênh lắm, vườn rộng nhưng thu nhập chẳng được là bao. Chừ thì khác xưa rồi, tôi đã có vườn chuối 400 cây, đàn bò sáu con, lợn cũng được dăm con, còn gà thì nuôi đầy nương... Mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 20 triệu đồng. Đồng bào tin ông "xóa nghèo lắm". Ông nói gì cũng đúng, nói dễ hiểu lắm, làm gì cũng hiệu quả". Những thành viên trong tổ vận động "xóa nghèo" ở huyện Nam Đông đều năng động, biết cách làm kinh tế. Kinh nghiệm công tác lâu năm của họ chỉ đơn giản là có sản xuất, chăn nuôi mới có thành công, biết thất bại thì mới hướng dẫn cho bà con nhiều được, dù lịch xuống đồng, vào vườn của họ đã dày đặc từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Kể chuyện bà con những ngày đầu bắt tay sản xuất, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Đông Hồ Trọng Kình, Tổ trưởng tổ vận động cho biết: "Phải hiểu được nhu cầu thực của người dân là gì thì chính sách xóa đói, giảm nghèo mới phát huy tác dụng. Chúng tôi cùng cán bộ khuyến nông phải bắt tay chỉ việc, phải nói rõ thế nào là xóa nghèo, thế nào là thâm canh... Nếu bà con chưa thông thì chúng tôi phải nói nhiều lần theo kiểu "mưa dầm, thấm lâu". Vận động đã đành, cách một hai ngày tổ vận động phải xuống kiểm tra, làm không đúng thì lại hướng dẫn tiếp, đến khi nào bà con "thấm nhuần" mới thôi. Tổ vận động còn hướng dẫn bà con cách chi tiêu đúng mục đích, hiệu quả các đồng vốn vay là các thu nhập trong gia đình. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc vận động cũng "thuận buồm, xuôi gió". Ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông, vẫn còn một bộ phận thanh niên chơi bời lêu lổng, vào nam ra bắc rồi lại về quê nhưng không chịu làm ăn. Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Đông Lê Quốc Hội - một thành viên của tổ vận động tiết lộ cách vận động những thanh niên lười lao động bằng cách giải thích rằng: "Ở đời là có làm thì mới có ăn, đừng mơ tưởng viển vông điều gì không thực tế. Không có ở nơi nào sướng bằng nơi cha sinh mẹ đẻ đâu...". Nhưng nếu họ vẫn chơi bời, lêu lổng thì ông đánh kẻng triệu tập họp các đoàn thể, họp thôn, đến từng nhà nhắc nhở, vận động đến khi nào họ chịu đi làm mới thôi. Bây giờ, tại các xã định canh, định cư ở huyện Nam Đông có đến 95% đồng bào biết chăn nuôi, sản xuất cây trồng. Nhà nhà đã biết làm luống để trồng sắn, đào hố để trồng cây ăn trái và biết cách diệt trừ sâu bệnh cho cây lúa, chủ động phòng dịch cho gia súc, gia cầm. Các vườn nhà, vườn đồi của đồng bào đã đem lại hiệu quả kinh tế với mức thu nhập bình quân 20 triệu đồng/vườn/năm sau thực hiện chủ trương, chiến lược cải tạo vườn tạp của huyện Nam Đông, nhất là nghe và thực hiện theo các già làng chỉ dẫn. Ruộng lúa cũng đã có năng suất cao khi sản lượng nâng từ 30 đến 35 tạ/ha (năm 2003) nay lên 50 đến 55 tạ/ha. Ở các xã đồng bào dân tộc, phần lớn bà con đã biết trồng rừng kinh tế, rừng cao-su mang lại hiệu quả cao. Tổ vận động còn là "tai mắt" của huyện Nam Đông. Chỗ này có cán bộ xã sử dụng ngân sách thâm hụt, mất đoàn kết nội bộ; chỗ kia dân phản ứng vì sử dụng đất không đúng... các già làng đều "tiếp thu" chuyển lên lãnh đạo huyện để có hướng xử lý kịp thời. Nhưng cũng có vấn đề huyện không giải quyết được khi đồng bào một mực không nghe, nhất là thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng, đền bù... Bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, những "cây đa, cây đề" trong tổ vận động đã trực tiếp vận động, giải thích và chỉ trong thời gian rất ngắn, bà con đã đồng thuận nghe theo. Già làng Aroot Bhrơn, ở thôn La Vân (xã Thượng Nhật) kể: "Đôi khi người vi phạm vô tình mà phạm lỗi nhưng lại bị người ta lợi dụng tập tục để phạt vạ. Lúc này, chúng tôi phải thuyết phục để người bị hại giảm mức phạt cho người bị phạt. Trước đây, chỉ theo luật tục, nhưng nay còn có Đảng, có luật của Nhà nước nên mình phải hài hòa cả hai. Luật tục gần gũi với bà con mình, đã ăn sâu vào máu thịt rồi. Nhưng nếu người nào ham lợi thì mình phải theo pháp luật Nhà nước để thuyết phục, răn đe. Đó là sức mạnh không gì bằng, mình phải dựa vào". Đồng chí Trần Xuân Bình, Bí thư Huyện ủy Nam Đông tỏ ra phấn chấn khi nhắc đến tổ vận động và nhận định: "Trước năm 2004, toàn huyện có hơn 30% số hộ nghèo thì nay chỉ còn 9,58%, riêng ở các đồng bào dân tộc còn 16,7% hộ nghèo. Kết quả đó đánh giá được sự nỗ lực, nhiệt huyết của các bác trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở huyện Nam Đông. Các bác là những người có uy tín, "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với bà con. Mỗi tháng, huyện trích ngân sách hỗ trợ bình quân 700 nghìn đồng/người để các bác đổ xăng xuống cơ sở, song chẳng ai tính toán, so đo về chuyện tiền bạc. Thế nên, không có hợp đồng dành cho những cán bộ ở tổ vận động này, bà con rất cần các bác đến khi nào không còn sức khỏe mới thôi". Những già làng như ông Tứi, ông Kình, ông Hội... đều có chung suy nghĩ: Điều chúng tôi tâm đắc nhất là kinh tế của huyện Nam Đông ngày càng đi lên, đời sống của đồng bào dân tộc Kơ Tu dần ổn định, kinh tế cao-su, vườn, năng suất lúa ngày mỗi cao, năng suất cây trồng, vật nuôi mỗi ngày phát triển, nhất là từ khi huyện được công nhận Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=168987&sub=127&top=39