Tòa án các cấp “mổ xẻ” công tác xét xử

Ngày 11/9, lần đầu tiên, TAND Tối cao tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TƯ về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với sự tham gia của Chánh án 4 cấp Tòa án.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu quán triệt và định hướng thảo luận. Ảnh: TN

Thi tuyển chức danh lãnh đạo Tòa án

Trong 3 năm qua, TAND các cấp đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, đặc biệt là chất lượng xét xử các loại vụ án được nâng lên. “Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xét xử của các Tòa án vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm mà chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận”, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao nêu rõ.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, TAND Tối cao đã đưa ra 14 giải pháp cụ thể để tập trung nghiên cứu, thảo luận. Theo Chánh án TAND Tối cao, các giải pháp đôi khi chỉ là “1 gạch đầu dòng” nhưng thực hiện là một loạt công việc làm biến đổi, nâng cao chất lượng công tác xét xử.

“Chúng ta đã làm được thi tuyển chức danh tư pháp. Bây giờ, chúng ta thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo. Chỉ một gạch đầu dòng đấy thôi, nếu chúng ta làm tốt sẽ chọn được cán bộ lãnh đạo các cấp thực chất”, ông Bình đơn cử.

Ngoài ra, còn có các giải pháp khác như công khai bản án, quyết định của Tòa án; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm - tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi thẩm phán; tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử; nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký phiên tòa; đổi mới thủ tục hành chính; đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp…

“Tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng vì công lý, đây là dịp để chúng ta tập hợp được đầy đủ ý kiến của tất cả các cấp Tòa án, trong đó có TAND cấp huyện - nơi xét xử sơ thẩm 95% các loại vụ án và của TAND Tối cao - nơi giải quyết các loại án có tính chất phức tạp, vượt ra khỏi khuôn khổ quốc gia để chúng ta chung tay hoạch định, tìm ra giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách”, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

3 năm, 2 trường hợp kết án oan

TAND Tối cao cho hay, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp. Các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn có xu hướng gia tăng. Tính chất các vụ việc lại ngày càng phức tạp. Từ ngày 1/10/2014 đến 31/7/2017, các Tòa án đã giải quyết được hơn 1 triệu vụ án các loại trong tổng số hơn 1,3 triệu vụ án đã thụ lý. So với cùng kỳ 3 năm trước (2012-2014), số lượng các loại vụ án Tòa án phải giải quyết tăng hơn 205.700 vụ.

“Dù số lượng các vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều nhưng hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án TAND Tối cao nói và nhấn mạnh, việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tòa án đã hạn chế các trường hợp kết án oan người không có tội, trong 3 năm có 2 trường hợp, giảm hơn nhiều so với các năm trước. Các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Công tác giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hành chính cũng có nhiều chuyển biến, tiến bộ về tiến độ và chất lượng. Đáng chú ý, tỷ lệ các vụ án được giải quyết bằng hòa giải thành mỗi năm đều đạt trên 50%.

Án hành chính bị hủy, sửa do lỗi chủ quan cao

Tuy nhiên, công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự vẫn còn tình trạng áp dụng các quy định của pháp luật về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ chưa đúng. Có trường hợp áp dụng hình phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật.

Tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán trong các vụ án hành chính còn cao. Còn vụ việc dân sự, nhiều trường hợp tạm đình chỉ giải quyết vụ án thiếu căn cứ pháp luật, vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử…

Nguyên nhân là do lãnh đạo của một số Tòa án chưa phát huy đầy đủ tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý, điều hành còn hạn chế. Việc chấp hành kỷ luật công vụ chưa tốt nên hiệu quả công tác thấp, thậm chí có trường hợp sa sút về phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật. Trong khi đó, vẫn chưa xây dựng được cơ chế thực sự hiệu quả trong kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, đặc biệt là đối với thẩm phán…

Việc tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật ở một số lĩnh vực lại chậm, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn công tác xét xử. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ còn chưa chủ động…

Hội nghị sẽ làm việc tiếp trong ngày 12/9. Cùng ngày 12/9 diễn ra Chương trình kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2017).

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/toa-an-cac-cap-mo-xe-cong-tac-xet-xu_t114c1159n124188