Tòa án quân sự Quân khu 9: Rút kinh nghiệm xét xử sau phiên tòa lưu động

Tòa án quân sự Quân khu 9 vừa tổ chức phiên tòa xét xử lưu động – điển hình tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để kết hợp giáo dục pháp luật và rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp theo Hướng dẫn số 136/HDTANDTC ngày 30/3/2017 của TANDTC.

Tham dự phiên tòa có đông đảo cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 950 Quân khu 9, quần chúng nhân dân thị trấn Dương Đông và đại diện của nhiều cơ quan thông tấn báo chí. Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa là Đại tá Trần Quốc Hận, Chánh án Tòa án quân sự Quân khu 9.

Theo nội dung vụ án, vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 9/12/2016, Trịnh Tấn Vinh cùng nhóm bạn đang hát karaoke tại quán X - Men (khu phố I thị trấn Đông Dương, huyện Phú Quốc) thì phát sinh mâu thuẫn với nhóm hát của Lê Hữu Đạt. Do tức giận, Đạt về nhà rủ thêm Nguyễn Văn Biết và cầm thêm con dao Thái Lan để “giải quyết mâu thuẫn”. Khi hai nhóm cự cãi nhau ở sân quán X - Men thì được mọi người can ngăn nên Trương Tấn Vinh đi vào quán karaoke.

Sau đó, Trung úy Phan Thanh Ngoan, cán bộ Lữ đoàn 950 Quân khu 9 đang trên đường về đơn vị (Lữ đoàn 950 cách quán X - Men chừng 50m) nhìn thấy Huỳnh Văn Thảo là người quen nên đứng lại nói chuyện. Do Thảo là người đã từng can ngăn Vinh lúc xung đột với nhóm của Đạt, Trương Tấn Vinh tưởng rằng, anh Ngoan là đồng bọn của Đạt và Biết nên đã cầm dao chạy đến đâm một nhát trúng vào bụng của anh Ngoan. Do vết thương quá nặng, anh Ngoan đã chết khi đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc. Trương Tấn Vinh bỏ trốn đến ngày 12/12/2016 thì ra đầu thú tại Công an huyện Phú Quốc.

Sau khi nghị án, Hội đồng xử xử đã tuyên bố Trương Tấn Vinh phạm tội “Giết người” theo điểm n, khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự; tuyên phạt Trương Tấn Vinh 19 năm tù, buộc phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân, cấp dưỡng cho 2 con của anh Phan Thanh Ngoan cho đến lúc đủ 18 tuổi và các vấn đề khác theo quy định của pháp luật.

 Phiên họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa lưu động

Phiên họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa lưu động

Sau khi xét xử, Tòa án quân sự Quân khu 9 đã tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm xét xử tại Lữ đoàn 950 Quân khu 9. Tham dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chánh án TANDTC - Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, các Thẩm phán của Tòa án quân sự Quân khu 9, Thẩm phán các Tòa án quân sự Khu vực 1, Khu vực 2 Quân khu 9 và đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự Quân khu 9.

Các đại biểu đều cho rằng, Tòa án quân sự Quân khu 9 đã làm tốt công tác chuẩn bị phiên tòa, chuẩn bị xét xử; phiên tòa được thực hiện đảm bảo dân chủ, nghiêm minh, có những bước đột phá hiện đại như dùng màn hình trình chiếu để công bố chứng cứ. Sau khi kết thúc phiên tòa, những người tham gia tố tụng và cán bộ, chiến sĩ, quần chúng nhân dân tham dự đều thể hiện sự đồng tình với phán quyết của Hội đồng xét xử.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra và thảo luận một số hạn chế của Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử trong quá trình điều hành phiên tòa. Một số kinh nghiệm được rút ra tại phiên tòa lần này là: Hội đồng xét xử nên dành thời gian nhiều cho Kiểm sát viên hỏi để làm rõ bản cáo trạng, tình tiết nào chưa rõ thì Hội đồng xét xử mới hỏi để làm rõ. Chỉ cần công bố lời khai của người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa trong trường hợp bản án có viện dẫn lời khai đó để giải quyết nội dung vụ án; cần chấn chỉnh ngay việc xưng hô của những người tham gia tố tụng khi họ khai báo; cần trao đổi với cấp có thẩm quyền để có tiêu binh trong các phiên tòa của Tòa án quân sự nhằm bảo đảm tính tôn nghiêm, an toàn…

Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chánh án TANDTC - Chánh án Tòa án quân sự Trung ương biểu dương những người tiến hành tố tụng đã làm tốt công tác hành chính tư pháp, chuẩn bị xét xử cũng như công tác điều hành phiên tòa. Đồng chí khẳng định, mặc dù Bộ luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực thi hành, nhưng Hội đồng xét xử đã có những đổi mới trong tổ chức phiên tòa theo yêu cầu của cải cách tư pháp mà vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003; đã lập kế hoạch xét hỏi và phân công cụ thể nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng xét xử; đảm bảo quyền tranh luận của bị cáo, người bào chữa và người đại diện hợp pháp của người bị hại; Chủ tọa phiên tòa đã cùng Hội đồng xét xử điều hành phiên tòa đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự, bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh. Ngoài ra, đồng chí cũng cho rằng, khi tổ chức phiên tòa lưu động, ngoài những người tiến hành tố tụng, Tòa án cần phân công thêm cán bộ có kinh nghiệm để thực hiện một số công tác hành chính quân sự như trang trí hội trường, đảm bảo nơi ăn, nghỉ cho những người làm chứng; phối hợp cùng cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác bảo đảm trật tự phiên tòa.

Thanh Bình

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/toa-an-quan-su-quan-khu-9-rut-kinh-nghiem-xet-xu-sau-phien-toa-luu-dong-216674.html