Toàn cảnh 2 bến xe lớn ở Thủ đô xem xét 'khai tử' vào năm 2020

Hà Nội vừa đưa ra dự thảo quy hoạch lại hệ thống các bến xe khách, dự kiến hai bến xe đang góp phần quan trọng nhất Thủ đô sẽ bị xóa sổ để thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô.

Mới đây, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đã đưa ra dự thảo “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” để lấy ý kiến các sở ban ngành, hiệp hội nghề nghiệp.

Theo đó, Hà Nội sẽ quy hoạch lại hệ thống các bến xe khách, trong đó dừng hoạt động 2 bến xe Giáp Bát, Gia Lâm vào năm 2020.

Theo dự thảo “Quy hoạch bến xe , bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, bến xe Giáp Bát và bến xe Gia Lâm dự kiến sẽ dừng hoạt động vào năm 2020 và thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô - Ảnh: Dân Trí.

Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, các bến xe trên cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, vào dịp lễ, tết các bến xe này chưa đáp ứng được nhu cầu, một số bến còn nằm sâu trong nội thành gây cản trở giao thông - Ảnh: Dân Trí.

Bến xe Giáp Bát (Bến xe Phía Nam) được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 1989 là một trong những bến xe khách lớn không chỉ ở Hà Nội mà còn trên phạm vi cả nước - Ảnh: Dân Trí.

Bến xe Giáp Bát có diện tích 37.000 m2, trong đó khu vực đỗ xe và đón trả khách rộng 17.000 m2, khu vực quảng trường rộng 3.000 m2 cùng đầy đủ khu vực bán vé, phòng vé cùng các khu vệ sinh để phục vụ hành khách - Ảnh: Dân Trí.

Bến xe Gia Lâm nằm cạnh phố Nguyễn Văn Cừ - trục đường huyết mạch của quận Long Biên cũng nằm trong diện quy hoạch - Ảnh: Dân Trí.

Bến xe Gia Lâm có quy mô 1,45ha, theo Sở GTVT Hà Nội, do bến xe này nằm sâu trong vành đai 3, nên dự kiến đến năm 2020 sẽ được chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô - Ảnh: Dân Trí.

Dự kiến các tuyến của bến xe Gia Lâm sẽ được chuyển về bến xe Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài và bến xe phía Nam (Ngọc Hồi).

Một số chuyên gia cho rằng, lẽ ra chủ trương này cần được đưa ra và thực hiện từ sớm hơn, như vậy sẽ góp phần giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông trong nội đô - Ảnh: Dân Trí.

Một chuyên gia cũng cho rằng, đưa việc quy hoạch bến xe ra công khai trước dư luận là một bước tiến vượt bậc của các cơ quan chức năng đồng thời đây cũng là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải khi xây các bến xe mới ngoài vành đai của Hà Nội.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ xây thêm 6 bến xe khách liên tỉnh để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân bao gồm: Nội Bài (xã Phú Cường, Sóc Sơn: 10 ha), Đông Anh (xã Uy Nỗ, Đông Anh: 5,3 ha); Cổ Bi (xã Cổ Bi, Gia Lâm: 10 ha); Phùng (thị trấn Phùng, Đan Phượng: 15 ha); Phía Tây (Hoài Đức: 5 ha); Phía Nam (xã Ngọc Hồi, Thanh Trì: 11 ha) và duy trì hoạt động bến xe Yên Nghĩa.

Minh Tuệ (tổng hợp)

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/toan-canh-hai-ben-xe-lon-nhat-thu-do-co-nguy-co-bi-xoa-xo