Toàn cảnh động thái bất thường từ Mỹ về Triều Tiên

Chính quyền Trump ngày 26/4 cho biết họ sẽ tăng cường gây sức ép tới Triều Tiên nhằm cắt giảm chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Chính quyền Trump ngày 26/4 cho biết họ sẽ tăng cường gây sức ép tới Triều Tiên nhằm cắt giảm chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này bằng các biện pháp trừng phạt và áp lực ngoại giao mạnh mẽ hơn, dù vậy, vẫn mở cửa đối với các cuộc đàm phán nhằm giải quyết vấn đề này.

Lập trường trên của Mỹ, dường như là dấu hiệu sẵn sàng lựa chọn những con đường phi quân sự bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại trước đó rằng "tất cả các lựa chọn đều được xem xét", đã được đưa ra sau một cuộc họp bất thường giữa Nhà Trắng và toàn bộ Thượng viện ngày 26/4.

Ông Trump và Phó Tổng thống Mike Pence rời cuộc họp với Thượng viện ngày 26/4. (Nguồn: Reuters)

Mỹ lần đầu làm rõ chính sách Triều Tiên

Tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats đã nói Triều Tiên là "mối đe dọa khẩn cấp cho an ninh quốc gia và là ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại."

Mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa đang phát triển của Triều Tiên có lẽ là thách thức an ninh nghiêm trọng nhất đối với Tổng thống Donald Trump, người đã tuyên bố sẽ ngăn Triều Tiên có thể tấn công Hoa Kỳ bằng một tên lửa hạt nhân – điều giới chuyên gia nói Bình Nhưỡng có thể thực hiện được sau năm 2020 .

"Cách tiếp cận của Tổng thống nhắm tới việc gây áp lực lên Triều Tiên trong việc dỡ bỏ các chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và phổ biến vũ khí hạt nhân bằng cách thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và theo đuổi các biện pháp ngoại giao với các đồng minh và các đối tác khu vực của chúng ta".

"Mỹ tìm kiếm sự ổn định và phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên, chúng tôi vẫn sẵn sàng đàm phán để đạt được mục đích đó, tuy nhiên, chúng tôi cũng duy trì sự chuẩn bị để bảo vệ chính mình và các đồng minh của chúng tôi".

Ông Tillerson sẽ chủ trì một cuộc họp cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an LHQ vào thứ Sáu, dự kiến sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, điều các quan chức Mỹ cho biết có thể bao gồm lệnh cấm vận dầu, cấm hãng hàng không của Triều Tiên, ngăn chặn các tàu vận chuyển hàng hải và trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc và nước ngoài đang làm ăn với Bình Nhưỡng .

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói rằng một biện pháp khác nữa là áp lực ngoại giao sẽ nhằm vào nhiều quốc gia để đóng cửa với các phái đoàn Triều Tiên và tẩy chay Triều Tiên trong các tổ chức quốc tế.

Hiện tại, các nhà lập pháp Mỹ đang tìm kiếm một chiến lược rõ ràng từ Nhà Trắng sau nhiều vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên và lo ngại họ có thể tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6. Dù vậy, sau động thái trên từ chính quyền Mỹ, một số nghị sĩ lưỡng đảng đã không hài lòng.

Nhiều thành viên Quốc hội đã nhấn mạnh việc sử dụng những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt như chiến lược chính – điều chủ yếu thể hiện sự tiếp tục chính sách của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama – nhiều năm qua đã không giảm tốc được chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Yếu tố Trung Quốc

Trước đó, vào đầu ngày 26/4, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã nói rằng những động thái của Mỹ nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân thông qua các đe dọa quân sự và trừng phạt là "một giấc mơ ngông cuồng".

Trung Quốc – một đồng minh lớn của Bình Nhưỡng, đã lên tiếng phản đối chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên và kêu gọi các bên quay trở lại các cuộc đàm phán quốc tế. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã nói rằng Washington không thể nhìn thấy hiệu quả của các cuộc đàm phán cho đến khi Bình Nhưỡng cho thấy họ nghiêm túc về phi hạt nhân hóa.

Chính quyền Mỹ đang hy vọng hợp tác lớn hơn nữa Trung Quốc sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Trump vào tháng trước, và một quan chức cao cấp của Nhà Trắng cho hay Bắc Kinh giờ đây đã thừa nhận Triều Tiên là mối đe dọa đối với Trung Quốc.

"Bạn đã thấy một số dấu hiệu ban đầu về việc Trung Quốc sẽ thực hiện tốt hơn việc chấp hành các lệnh trừng phạt hiện nay của LHQ đối với Triều Tiên", Reuters dẫn lời quan chức này rằng cũng đã có một nỗ lực rõ ràng trên báo chí Trung Quốc để truyền tải tới Triều Tiên rằng "Các vụ thử hạt nhân và tên lửa cũng như sự tồn tại của các chương trình này là không thể được dung thứ."

Tuy nhiên, Trung Quốc đã tức giận vì việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD tới ở Hàn Quốc, lo ngại rằng radar của THAAD có thể quét sâu vào Trung Quốc và làm suy yếu an ninh của nước này.

Tư lệnh hàng đầu của quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, nói với Quốc hội hôm thứ tư rằng hệ thống này sẽ hoạt động "trong những ngày tới" và đề nghị Bắc Kinh nên tập trung vào việc gây ảnh hưởng tới Triều Tiên chứ không phải lo lắng về một hệ thống phòng thủ thuần túy.

Harris cho biết ông tin rằng những đe dọa của Bình Nhưỡng cần phải được xem xét nghiêm túc và rằng Mỹ cũng cần tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hawaii.

Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng một cuộc xung đột với Triều Tiên có thể có sức phá hoại nghiêm trọng đối với quân đội Hàn Quốc và quân đội Hoa Kỳ ở đó, một điểm mà Bình Nhưỡng đã nhấn mạnh sau một cuộc tập trận bắn đạn thật lớn vào thứ ba để đánh dấu ngày thành lập quân đội.

Ông Harris thừa nhận rằng việc Triều Tiên trả đũa đối với bất cứ cuộc tấn công nào của Mỹ có thể gây ra nhiều tổn thất, nhưng nói thêm rằng có nguy cơ "nhiều người Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ sẽ chết nếu Triều Tiên tìm được các mục tiêu để tấn công hạt nhân và thực hiện điều (lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un) nói rằng sẽ làm."

Rõ ràng, quá trình đưa ra chính sách và thực thi cũng như phát huy đầy đủ hiệu quả của những chính sách này sẽ còn là một hành trình khó khăn đối với chính quyền Mỹ.

(Theo Reuters)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/toan-canh-dong-thai-bat-thuong-tu-my-ve-trieu-tien-236795.html