Toàn cảnh thảm kịch mới đang diễn ra ở Ai Cập

Ai Cập là quốc gia nhận được sự chú ý nhiều của dư luận quốc tế những ngày qua chính bởi cuộc khủng hoảng không lối thoát ở quốc gia này...

Kể từ khi Mohammed Morsi, vị tổng thống được bầu cử tự do đầu tiên của Ai Cập, bị lật đổ hôm 3/7 và bị giam ở một nơi bí mật, những người ủng hộ ông thuộc Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã liên tục biểu tình ngồi ở Cairo yêu cầu trả lại quyền lực cho ông. Chính quyền lâm thời Ai Cập đã nhiều lần cảnh cáo người biểu tình phải giải tán.

Sau nhiều lần cảnh báo không ăn thua, rạng sáng hôm 14/8, xe ủi và xe bọc thép cùng với lực lượng an ninh đã tiến vào hai khu vực cắm trại của người biểu tình ở Quảng trường Nadha và thánh đường Rabaa al-Adawiya.

Cảnh sát được cho là đã bắn hơi cay còn những người biểu tình đã ném gạch đá về phía cảnh sát trong khi xe bọc thép ủi đổ rào chắn và công sự do những người biểu tình dựng lên ở hai khu trại. Lửa cháy khắp nơi và khói đen mù mịt trên bầu trời Cairo.

Tại Quảng trường Nahad cảnh sát đã giải tán người biểu tình tương đối dễ dàng. Tuy nhiên ở thánh đường Rabaa a-Adawiya giao tranh đã bùng phát hàng giờ liền khi người biểu tình chống cự lực lượng an ninh đến cùng. Truyền hình nhà nước Ai Cập cho biết cho ̣đến buổi tối thì chính quyền đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn hai khu vực trên.

Chính phủ lâm thời Ai Cập nói có 235 người thiệt mạng cùng với 43 sỹ quan cảnh sát. Tuy nhiên, Huynh đệ Hồi giáo thì nói rằng số người chết lên đến 2.000 người. Các con số này đều không được kiểm chứng độc lập. Đây là con số thương vong lớn nhất trong nhiều thập niên ở Ai Cập, khiến ngày 14/8 trở thành một trong những ngày đẫm máu nhất trong lịch sử nước này.

Xung đột không chỉ diễn ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh mà còn giữa hai phe ủng hộ và chống đối cựu tổng thống Morsi. Chính phủ lâm thời đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ban hành lệnh giới nghiêm ở thủ đô. Thủ tướng lâm thời Hazem Beblawi nói hành động trấn áp của chính quyền là cần thiết để “khôi phục“ an ninh.

Thủ tướng Beblawi cũng nói trên truyển hình rằng ông hối tiếc về thiệt hại về người và giải tán người biểu tình không phải là quyết định dễ dàng trong khi Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Ibrahim thì cho rằng cảnh sát đã xử lý chuyên nghiệp khi đối đầu với người biểu tình. Ông này cũng cáo buộc những người biểu tình đã nổ súng vào cảnh sát và cho biết chính quyền đã tịch thu nhiều vũ khí tại các trại biểu tình, chứng cứ cho thấy sự có mặt của các băng nhóm vũ trang.

Phó tổng thống lâm thời Mohammed ElBaradei đã tuyên bố từ chức sau khi cuộc đàn áp xảy ra với lý do ông không thể gánh trách nhiệm cho những quyết định mà ông không đồng ý. Thế giới cũng đồng loạt lên án hành động mạnh tay của chính quyền Ai Cập.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thì mô tả cuộc đàn áp này là thảm sát và kêu gọi Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập phải hành động tức thì. Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều lên án và kêu gọi chính quyền Ai Cập phải kiềm chế và chấm dứt ngay lập tức các hành động này.

Có tin cho rằng nhiều lãnh đạo của Huynh đệ Hồi giáo đã bị bắt giữ. Nhiều thành viên của tổ chức này cũng bị thẩm vấn trên khắp đất nước. Ai Cập đã liên tục rơi vào tình trạng bất ổn kể từ cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Mubarak. Đất nước bị chia rẽ và các cuộc biểu tình liên miên sau đó đã tàn phá nền kinh tế và du lịch của quốc gia lớn nhất thế giới Ả Rập này. Theo dự báo của nhiều chuyên gia thì tình hình bất ổn tại Ai Cập sẽ còn kéo dài nếu không đạt được sự đồng thuận “cơ bản“ giữa các lực lượng đối nghịch trong nước.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/hinh-anh/201308/toan-canh-tham-kich-moi-dang-dien-ra-o-ai-cap-2352636/