Tối 8-10 xảy ra hiện tượng mặt trăng máu

(CAO) Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, vào tối 8 - 10 tới đây, Việt Nam cùng với nhiều vùng khác trên thế giới sẽ có cơ hội quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Trong suốt thời gian diễn ra hiện tượng, mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ nhạt rồi dần dần đỏ sẫm giống màu máu, nên còn gọi là hiện tượng mặt trăng máu.

Người dân Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần

Hiện tượng này được ông Sơn giải thích như sau: Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, mặt trăng ở trong bóng tối hoàn toàn do bị trái đất chặn ánh sáng chiếu tới từ mặt trời. Trước khi tới được mặt trăng, các tia sáng từ mặt trời chiếu qua bầu khí quyển của trái đất. Tại đây, hiện tượng khúc xạ xảy ra, khiến các tia sáng có bước sóng ngắn bị cản lại hết, chỉ còn các tia có bước sóng dài (đỏ, cam) là tới được mặt trăng. Do đó, mặt trăng sẽ có màu đỏ nhạt, dần dần chuyển sang đỏ sẫm giống màu máu.

Đây là nguyệt thực toàn phần thứ 2 trong chuỗi 4 nguyệt thực liên tiếp xảy ra trong 2 năm 2014 và 2015, mỗi lần cách nhau 6 tháng. Theo đó, Việt Nam sẽ có cơ hội cùng với các quốc gia ở Đông Á, New Zealand và Úc sẽ có cơ hội quan sát hiện tượng trăng máu vào ngày 8 - 10.

Thời gian diễn ra nguyệt thực sẽ vào lúc 15 giờ 5 phút đến 20 giờ 34 phút (giờ Việt Nam), trong đó lúc toàn phần (khi mặt trăng đi hoàn toàn vào vùng tối của trái đất) diễn ra từ lúc 17 giờ 25 đến 18 giờ 24 và mặt trăng sẽ đạt mức cực đại vào lúc 17 giờ 54 phút.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=526376&mod=detnews&p=