'Tôi chỉ kịp nắm tay vợ rồi chạy khi nước cuồn cuộn đổ về'

Nhớ lại sự cố thủy điện Sông Bung 2, nhân chứng ARất Biu cho biết dòng nước đỏ ngầu như từ trên trời rơi xuống, ông chỉ kịp nắm tay vợ rồi chạy lên núi thoát thân.

Sau hai ngày xảy ra vụ vỡ đường ống dẫn thủy điện Sông Bung 2, hai nạn nhân bị nước cuốn trôi vẫn chưa tìm thấy xác. Ở vùng hạ du, hàng chục ngôi nhà bị nước cuốn trôi hoặc làm sập vẫn chưa thể khắc phục được.

Lời kể của những người trở về từ cõi chết

Tối 14/9, chúng tôi ngược về vùng hạ du cách nhà máy thủy điện Sông Bung 2 hơn 50 km để tìm đến ngôi làng LaBơ B, nơi có nhiều người vừa thoát chết trở về với gia đình sau cơn lũ dữ.

Trong căn nhà nhỏ nằm sát bên đường, hơn 20 người đàn ông đang quây quần bên chén rượu để mừng sự kiện thoát chết hy hữu.

Ông ARất Biu (44 tuổi, trú thôn LaBơ B, xã Chalval, huyện miền núi Nam Giang) kể: “Lúc đó, nước như trên trời rơi xuống. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi chứng kiến cơn lũ lớn như vậy. Nguồn nước ập xuống quá nhanh và bất ngờ. Mọi người hoảng loạn tháo chạy, may mắn không bị nước cuốn trôi”.

Thủy điện sông Bung 2. Ảnh: Nam Cường.

Vẻ mặt thất thần, ông ARất Biu kể cho mọi người trong bản nghe về chuyến đi rừng mà theo ông là đáng nhớ nhất. Sau hơn 3 giờ đi bộ, đoàn người gồm 18 người thuộc các xã La Êê, Chalval (huyện Tây Giang) lên gần khu vực nhà máy thủy điện sông Bung 2 để phát rẫy, trồng rừng.

Chiều 13/9, sau khi hoàn thành công việc, ông cùng vợ trở về lán trại để lo cùng mọi người nấu cơm, chuẩn bị cho bữa tối. Đến khoảng 17h30 cùng ngày, nước từ thượng nguồn bất ngờ tràn xuống rồi quét qua khu lán trại được dựng bằng tre nứa.

“Nước như trên trời rơi xuống, cột nước cao hơn cả mái nhà. Dòng nước đỏ ngầu cuồn cuộn đổ về miền xuôi, khiến ai chứng kiến cũng phải khiếp sợ”, ông Biu bộc bạch

Lúc ấy ông chỉ kịp nắm lấy tay người vợ rồi cùng nhau bỏ chạy lên đồi cao để tránh bị nước lũ cuốn trôi. "Nếu lúc ấy không chạy kịp thì có lẽ ông và vợ đã không thể trở về được với bản làng được nữa", ông Biu nhớ lại.

Chiều ấy, BRao Thiên (em rể ông Biu) cùng hai người khác đi giăng lưới đánh cá, cải thiện bữa ăn tối cho cả nhà. Khi đang mải mê công việc, bất chợt anh Thiên nghe được tiếng la thất thanh từ đằng xa vọng về: “Mọi người chạy đi, lũ đến rồi, nước lớn lắm”. Sau lời cảnh báo, Thiên cùng người bạn cố gắng chạy thật nhanh về phía hạ nguồn.

“Lúc ấy tôi may mắn bám được vào cành cây nên mới không bị nước cuốn trôi. Dòng nước cao hơn 15 m, cứ như đoàn tàu nối đuôi rồi cuồn cuộn lao đến”, Thiên kể lại.

Ông A Rất Biu (áo chấm đen) kể về dòng nước dữ từ “trên trời” rơi xuống khiến toàn bộ lán trại, tài sản bị cuốn trôi. Ảnh: Nam Cường.

Cũng trở về từ “cõi chết” do sự cố công trình thủy điện Sông Bung 2, chị A Rất Bưng (22 tuổi, ở thôn A Dinh, xã Chà Vàl) cứ như người mất hồn. Nhà nghèo, lấy chồng sớm nên tuổi đôi mươi chị Bưng phải lăn lộn vào rừng làm thuê kiếm sống.

Mười ngày trước, chị gửi con nhỏ cho ông bà nội rồi cùng chồng vào rừng trồng keo thuê. Đến 5h chiều 13/9, mọi người trong nhóm phân công phụ nữ nấu cơm, đàn ông xuống sông bắt cá chuẩn bị bữa cơm tối.

"Đột nhiên, chúng tôi nghe tiếng ầm vang như sóng thần phía đầu nguồn. Nước từ phía thượng nguồn ầm ầm đổ về, những người bắt cá dưới sông chạy về phía lán trại. Ít phút sau, nước sông dâng ngập cả lán, mọi người bỏ chạy thoát thân", chị Bưng, kể.

Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng Công an huyện Nam Giang, cho biết hôm xảy ra sự cố, người dân nghi ngờ vỡ đập nên có 60 người dân ở xã Cha Val bỏ nhà chạy vào rừng. "Đến nay, tất cả những người này đã được tìm thấy và đưa về nhà. Chỉ có hai công nhân bị nước cuốn trôi thì chưa tìm thấy thi thể”, thượng tá Đạt, cho hay.

Ông Zơ Râm Nhiu, Phó Bí thư Chi bộ thôn PaRum A (trú xã Zuôih), lo lắng: "Sự cố thủy điện hôm qua tác động rất lớn đến tâm lý của bà con. Người dân từ chỗ chỉ lo lên nương làm rẫy, ra suối đánh bắt cá, nay lại thêm nỗi lo nhà cửa, con trẻ ở nhà. Chúng tôi mong cấp trên giám sát chặt chẽ để không còn xảy ra sự cố tương tự".

Đánh cược mạng sống người dân

So với các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung-Tây Nguyên, Quảng Nam hiện đứng đầu về số lượng công trình thủy điện với 62 dự án được phê duyệt, tổng công suất lên đến 1,6 triệu MW.

Mới đây, có gần 20 dự án bị thu hồi giấy phép do chậm triển khai hoặc không hiệu quả. Hiện tỉnh này còn hơn 40 công trình thủy điện, trong đó có 10 dự án quy mô lớn, số còn lại là vừa và nhỏ.

Sự cố vỡ đường ống dẫn thủy điện sông Bung 2 khiến hai người thiệt mạng. Ảnh: Nam Cường.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho hay khi còn đương chức ông đã nhiều lần phản đối việc xây dựng ồ ạt các công trình thủy điện. Hậu quả nhãn tiền là những năm gần đây, cứ đến mùa khô thì vùng hạ du thiếu nước, bị xâm nhập mặn. Còn mùa mưa lũ thì hàng trăm hộ dân luôn phải âu lo vì không biết nhà cửa, hoa màu bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

"Không thể khoán trắng sinh mạng của hàng chục nghìn người dân cùng với những tài sản, kết cấu hạ tầng quốc gia ở hạ du của đập cho các doanh nghiệp. Họ xây thủy điện vì mối quan tâm hàng đầu là lợi nhuận. Khi sự cố xảy ra, sự đền bù nó có đáng gì so với mạng sống của người dân", ông Sự nói.

Nhắc lại sự cố vỡ đường ống dẫn thủy điện Sông Bung 2 là hết sức nghiêm trọng, tiến sĩ Đào Trọng Tứ, cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng việc xây dựng là chủ trương đúng nhưng khi đi vào triển khai thì bộc lộ nhiều bất cập.

"Ai cũng có thể đứng ra xây và vận hành đập, các yêu cầu kỹ thuật bị coi thường, không quan tâm gì đến hiệu quả sử dụng tổng hợp nguồn nước, trong đó có việc giảm nhẹ thiên tai, lợi dụng phá rừng bừa bãi", ông nói.

Vị này nêu quan điểm: “Phát triển thủy điện tràn lan như hiện nay thì chẳng khác nào đánh cược với thiên nhiên, làm gia tăng hạn hán vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa lũ".

Đoàn Nguyên - Nam Cường

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/toi-chi-kip-nam-tay-vo-roi-chay-khi-nuoc-cuon-cuon-do-ve-post681784.html