Tôi đã gặp ông…

Phan ngồi một mình rất lâu trong phòng làm việc, cầm trên tay từng món đồ mây tre đan mà lòng bộn bề trăn trở. Anh đã dành cả tuổi trẻ để nỗ lực gây dựng lại và phát triển làng nghề truyền thống quê hương. Nhưng mấy năm nay, việc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ gặp muôn vàn gian nan, đã không ít lần Phan định buông xuôi. Nhìn con trai rơi vào bế tắc, ông Lãng chỉ biết thở dài. Cuộc cờ sau bữa cơm chiều đã tàn, ông Lãng nói với con:

Du khách tham quan di tích Đồi A1 trong những ngày tháng 5 lịch sử. Ảnh: AN CHI

- Hay là con nghỉ ngơi vài ngày cho đầu óc thư thái, nghĩ chuyện lớn mới thông. Tranh thủ đi với bố một chuyến.

- Công việc bề bộn quá bố ạ, con chẳng dám nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Mà đi đâu vậy bố?

- Đi lên Điện Biên. Bố con mình đi thăm quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ năm xưa rồi thắp cho ông nội cùng đồng đội một nén nhang. Có những nơi phải đi. Có những lúc cũng cần ngơi nghỉ.

Phan lặng người trước ánh nhìn xa xăm vô định của một người già. Bao nhiêu năm qua anh cứ mải mê với ước mơ của mình mà quên đi mong mỏi của bố. Đã từ rất lâu rồi, bố vẫn nói về một chuyến đi thăm vùng đất ông nội đã chiến đấu và hy sinh. Chặng đường chỉ vài trăm cây số, nhưng cuộc đời cứ giằng níu bố với những lo toan vất vả thường ngày. Nhìn mái đầu bạc phơ của bố, Phan thấy mình vô tâm quá. Ông nội ngã xuống trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi bố Phan chưa đầy một tuổi. Ngày nhận được giấy báo tử của ông, bà ngã xuống giữa sân rơm, tất cả những gì còn đọng lại trong ký ức của một góa phụ chỉ là cái nắng quay cuồng chói chang thiêu đốt cả những đám mây và tiếng khóc thét của đứa con trai tội nghiệp. Ông ngã xuống, xác thân hòa với đất đai, mây trời Mường Thanh. Ngôi mộ gió nằm ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà chỉ chứa toàn nước mắt và ký ức của bà. Những thước phim tài liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ chiếu trên ti vi hàng năm vẫn khiến bà rơi nước mắt. Bà như thấy trong đạn bom khói lửa có hình bóng của chồng mình…

Ngó trăng sáng vằng vặc, Phan rủ:

- Hay là bố con mình đi luôn.

- Nhưng con lái xe như thế sợ mệt không?

- Mệt gì đâu bố. Ngày xưa hơn hai vạn chiếc xe đạp thồ với cung đường vận chuyển từ 400 - 500km, trên địa hình rừng núi bao la hiểm trở từ Thanh Hóa ra đến Điện Biên, các dân công còn thồ được mấy trăm ký gạo một chuyến. Đây bố con mình ngồi trong xe ô tô, điều hòa êm ru, có gì mà sợ mệt.

- Cũng đúng. Ngày xưa cha ông mình giỏi thật. Chẳng thế mà họ biến những chiếc xe đạp thồ thô sơ trở thành một thứ vũ khí đánh thắng được một thực dân hùng mạnh bậc nhất trên thế giới.

Ông Lãng vừa nói vừa rút mấy nén hương thắp cho ông bà tổ tiên trước lúc khởi hành. Vợ Phan đã pha sẵn ấm trà nóng để trong bình giữ nhiệt, không quên dặn dò đủ thứ. Chiếc xe chuyển bánh rời làng quê quen thuộc. Ngả người ra ghế nhìn vầng trăng vời vợi qua cửa kính xe, ông Lãng nói với con:

- Hồi xưa cứ mỗi đêm trăng sáng, bà nội con hay đi một mình ra ngõ ngóng trông. Bố tỉnh dậy chạy đi tìm, nằm vào lòng bà, nghe thấy những thổn thức kìm nén trong lồng ngực. Bà lúc ấy còn trẻ, tóc dài buông xuống ngang lưng. Bố hay hỏi bà Điện Biên Phủ ở đâu? Bà dụi vào đầu bố nói: “Xa lắm con ơi”.

- Bây giờ có khi bà đang cùng ông ngắm trăng rồi bố nhỉ?

Ông Lãng khẽ mỉm cười, nhìn cung đường hun hút đang lùi lại phía sau. Xe chạy xuyên đêm, núi rừng Tây Bắc hiện ra sau vài giờ chạy xe đường cao tốc. Đặt chân xuống mảnh đất Điện Biên, ông Lãng thấy bồi hồi khó tả. Cảm giác thân quen mà ông không thể nào lý giải nổi cứ nhen nhóm trong lòng. Him Lam đẹp quá, khác hẳn với những gì ông thường mường tượng. Dấu vết của chiến tranh dường như chỉ còn nằm lại trong ký ức. Giữa bạt ngàn màu xanh trù phú của núi rừng, cửa ngõ thông thương của Điện Biên với các tỉnh miền xuôi hiện ra với một diện mạo đô thị phát triển, yên bình, no ấm.

Lúc đứng trên đồi Độc Lập, Phan đưa mắt nhìn ngắm những bản làng bao quanh. Đâu đó vang tiếng tụi nhỏ tới trường, vừa đạp xe vừa nói cười ríu rít trên những cung đường. Phan nhắm mắt hít một hơi thật sâu luồng gió mới mát lành. Đã rất lâu rồi anh không có được cảm giác bình yên đến vậy.

Ông Lãng đứng im lặng hồi lâu dưới tán phượng già đỏ rực giữa ngọn đồi A1. Nơi đây thực dân Pháp từng coi là “cối xay thịt” khi có biết bao nhiêu chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh. Bà nội Phan từng kể, đồng đội của ông có lần ghé thăm nhà đã nói ông ngã xuống trên chính ngọn đồi này. Phan bước đi thật khẽ, nghe đất hát bài ca hồi sinh trong những mạch nguồn. Cây cỏ non mơn mởn và bầu trời trong xanh vời vợi như chữa lành tất cả những đau thương. Phan chợt nhớ đến những câu thơ mà anh từng đọc được: “Có thể là tôi đã gặp ông/Trong chiếc lá vừa rơi/Trong bông hoa định hái/Giẫm lên đâu cũng sợ mình phạm lỗi/Giẫm lên đâu cũng thấy bóng ông cười”.

Ông Lãng run run thắp từng nén hương trên những ngôi mộ vô danh trong nghĩa trang liệt sĩ đồi A1. Mỗi bia mộ như ngực áo người chiến sĩ, không một tấm huy chương, chỉ có một trái tim yêu nước đập trong lồng ngực. Ông Lãng không biết cha mình nằm ở đâu trong những hàng bia mộ dài đằng đẵng ấy. Ông nghe như trong gió lao xao có tiếng gọi mình. Tiếng gọi vút qua thăng trầm của thời gian, đằng đẵng một đời người. Tiếng gọi như cây cầu nối liền quá khứ và thực tại, mất mát và hồi sinh.

Phan đang chìm trong dòng suy tưởng miên man thì tiếng chuông điện thoại reo vang. Cái giọng hào sảng của người bạn vang lên:

- Nghe nói ông đang ở Điện Biên đúng không?

- Sao ông biết?

- Quan tâm nhau thì cái gì cũng biết. Thế ông đã đưa ông già đến những nơi cần phải đến chưa?

- Xong xuôi hết cả rồi.

- Vậy thì vào bản Nà Tấu luôn đi. Rượu cần, xôi nếp nương, cá suối nướng chờ sẵn cả rồi.

- Nhất trí.

Phan hồ hởi khởi hành, người bạn dân tộc Thái này anh quen trong một dịp tham gia hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan ở thủ đô. Bạn đón Phan bằng cái ôm chắc nịch. Cơm no rượu say, bạn rủ bố con Phan ở lại một ngày thăm hợp tác xã mây tre đan biết đâu lại có thể cùng nhau bàn bạc, đưa ra phương hướng vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Chuyến đi này xem ra Phan đã gặp đúng người, đúng thời điểm. Suốt một đêm dài hai con người cùng trăn trở với nghề đã thức trắng bên nhau. Phan thấy mình không hề đơn độc trong hành trình phát triển nghề mây tre đan gắn với thương hiệu OCOP để mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm cho người dân làng nghề. Anh bảo:

- Sắp tới có lẽ chúng ta không thể cứ quảng bá sản phẩm theo lối cũ mãi được. Cũng đã đến lúc tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

- Đúng vậy, mình phải thúc đẩy phát triển sản phẩm mây tre đan thông qua các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trên sóng livestream thôi bạn à.

Phan rời Điện Biên vào đúng lúc ánh nắng mai trải vàng trên cánh đồng lúa xanh mướt mát. Ai đó từng ví cánh đồng Mường Thanh chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm xòe ra hệt như cánh hoa ban ôm lấy các di tích lịch sử của trận chiến ngày nào. Sự sống được nảy mầm từ bom đạn, chiến tranh đã gieo vào lòng Phan niềm lạc quan trước những khó khăn hiện tại. Lúc chào từ biệt, bạn có hỏi Phan rằng chuyến đi này anh đã gặp được ông chưa? Những câu thơ lại vang lên trong tâm trí Phan khi mảnh đất Điện Biên dần lùi lại phía sau: “Có thể là tôi đã gặp ông/Tro cốt lẫn trong trăm ngàn bia mộ/Tên của ông lồng trong tên đồng chí/Mắt của ông nằm trong mắt đại ngàn”. Phan ngoảnh sang thấy bố đã chợp mắt sau hai đêm thao thức. Có lẽ là lòng bố đã nhẹ nhõm và thanh thản. Có thể là bố cũng đã gặp ông…

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202405/toi-da-gap-ong-ddf16f9/