Tôi đã trở thành bác sĩ nam khoa như thế!

Sau khi đi chăm người bác ốm ở Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, tôi quyết định thi vào Trường đại học Y Hà Nội với lý do thật đơn giản: Để giúp gia đình và người thân. Tuy nhiên, năm đó, tôi thi trượt. Đối với nhiều người, trượt đại học là sự thất bại, nhưng đối với tôi đó là bài học lớn.

Nhiều người khuyên tôi ở nhà ôn lại một năm để sang năm thi tiếp. Nhưng tôi đã quyết định lựa chọn nguyện vọng 2 là Khoa sinh, Đại học Tổng hợp thời bấy giờ. Lứa chúng tôi ngày ấy được đào tạo theo 2 giai đoạn. Giai đoạn I là Đại học đại cương theo từng khối. Nghĩa là tất cả các trường cùng khối sẽ có chung chương trình đào tạo. Học hết giai đoạn I, sinh viên các trường trong cùng khối có thể chuyển qua lại cho nhau (sau khi vượt qua một kỳ thi vào giai đoạn II).

Học Khoa sinh Đại học Tổng hợp được một học kỳ, tôi suy nghĩ xem có nên tiếp tục hay theo đuổi đam mê và ước mơ trở thành bác sĩ. Tôi viết lên giấy 3 câu hỏi: “Mình còn thích vào Đại học Y Hà Nội nữa không?”; “Mình có khả năng thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội nữa không?”; “Gia đình có tiếp tục chu cấp cho mình để theo học ngành y dài hạn nữa không?”.

Tôi đã dành cả tháng trời để đi tìm hiểu và trả lời những câu hỏi này.

Để trả lời câu hỏi “Mình có khả năng thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội nữa hay không?”, rất nhiều lần tôi đã mò vào giảng đường trường y để đánh giá sức mạnh của “đối phương”, xem mức học và khả năng của họ ra sao? Quả thật phải ngưỡng mộ các bạn ấy: Các bạn học ngày học đêm làm tôi phải gờm. Câu trả lời là: “Không thể”. Thế là tôi hạ mục tiêu của mình xuống: Chỉ dám thi vào phân hiệu của Đại học Y.

Chẳng mấy chốc, những năm học ở phân hiệu cũng kết thúc. Tôi lại tiếp tục đặt ra cho mình những mục tiêu mới. Việc chọn chuyên ngành là cả một vấn đề lớn sau khi tốt nghiệp ra trường. Tôi quyết định theo lớp học chuyên khoa Định hướng Ngoại của Trường đại học Y Hà Nội, học tại Bệnh viện Việt Đức. Sau thời gian học, rất nhiều chuyên ngành tôi thích và muốn đi theo, nhưng đều phải từ bỏ vì thiếu tính khả thi và không có người ủng hộ. Tôi quyết định lựa chọn nam khoa như một cơ duyên.

Càng học tập và nghiên cứu về nam khoa, tôi càng thấy yêu thích chuyên ngành non trẻ này và thấy con đường đi là phù hợp. Sau đó, tôi được nhận vào làm việc ở Đơn vị Nam học - Khoa Tiết niệu - Bệnh viện Việt Đức.

Sau này tôi chuyển công tác về làm giảng viên Trường đại học Y Hà Nội. Từ khi làm giảng viên, năm nào tôi cũng dành thời gian để tư vấn định hướng nghề nghiệp cho các bạn tân bác sĩ vào dịp khai trường.

Chỉ cách đây vài ngày, kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 cũng vừa diễn ra với hàng chục nghìn thí sinh ở 27 tỉnh/thành trên cả nước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tôi tin rằng trong rất nhiều các sĩ tử, COVID-19 không làm ảnh hưởng tới tâm lý thi cử của các em, mà ước mơ trở thành bác sĩ “nhờ COVID-19” khiến quyết tâm của các em càng thêm cháy bỏng. Cánh cửa trường y luôn rộng mở với mọi khao khát và nỗ lực học tập.

BS. Nguyễn Hoài Bắc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/toi-da-tro-thanh-bac-si-nam-khoa-nhu-the-n180302.html