Tôi đặt tên tôi là cỏ…(I)

<strong>(Nghệ thuật mới) - Ông là nhà thơ nổi tiếng, nhà báo nổi tiếng, nhà làm từ thiện cũng nổi tiếng không kém. Có quá nhiều “nhà” trong một “nhà” mà “nhà” nào cũng hoàn thành xuất sắc chức phận của mình, kể cả “nhà tào lao” trong mỗi cuộc nhậu với anh em hay quan chức. Ông là Thanh Thảo, sinh ở xứ Cù Trâu-Quảng Ngãi: “Đêm xuân qua đất Cù Trâu/ Nghe tiếng nghé ọ lòng rầu chết cha” (ca dao quê ông) .</strong>

Bút danh

Thời còn là sinh viên khoa Văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông cùng nhóm bạn của mình gồm Nguyễn Minh Thuyết, Cao Văn Định, Nguyễn Văn Đồng (tức “cụ Đìn”), Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Công Tín… thành lập một nhóm thơ mà mỗi thành viên đều lấy họ Hoàng làm bút danh.

Ông đặt cho mình bút danh Hoàng Thanh Nam cùng bài thơ “Em Nga” làm xôn xao khu “ký túc xá” của sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội trên Đại Từ, Thái Nguyên trong những năm sơ tán.

“Em Nga” không được ông đưa vô bất cứ tập thơ nào của ông sau này, có lẽ ông cũng quên đứa con tinh thần ấy mất rồi, nhưng bạn bè một thuở Đại học Tổng hợp của ông thì vẫn nhớ.

Nhà thơ Thanh Thảo

Bài thơ có đoạn: “Nga đi rồi. Em đi rất xa/ Chiếc mũ mềm màu cỏ úa-em Nga”. Nguyễn Minh Thuyết (GS TS Nguyễn Minh Thuyết, người hay đăng đàn trong các kỳ họp Quốc hội) đã viết hẳn một bài thơ “Tìm em Nga” để phụ họa theo bạn mình:

“Có một lần bóng dáng ấy đi qua/ Chiếc mũ mềm và đôi vai mảnh lắm/ Hình như thế. Nhưng hàng cây quá thẳm/ Phố cũ giờ còn chỉ một mùi hoa/ Và một kỷ niệm buồn: tôi chưa gặp em Nga”.

Theo hồi ức của Cao Văn Định, “Em Nga” trong bài thơ của Hoàng Thanh Nam đã ám ảnh nhiều chàng sinh viên khoa Văn thời ấy đến mức, sau khi ra trường, có người đã vào bộ đội, tìm “em Nga” khắp chiến trường!

Còn tác giả bài thơ thì lục trong ký ức mù sương của mình một góc của kỷ niệm thuở học trò với bài thơ đầu tiên được đăng báo – Tạp chí Văn nghệ quân đội: “Tôi nhận giấy báo lĩnh tiền nhuận bút mà vui còn hơn trúng số độc đắc bây giờ. Vui vì anh em trong nhóm sắp được một bữa no”.

Ông nhấn mạnh chữ “no” bằng một giọng hài hước đầy thương cảm. Cũng theo Cao Văn Định, Hoàng Thanh Nam hồi ấy còn có vở kịch thơ viết về đề tài đấu tranh thống nhất đất nước.

Một cô gái nhỏ và một ông già miền Nam đã anh dũng đấu tranh và hy sinh dưới một mái dừa bị giặc đốt cháy ở miền sông nước Cửu Long.

Có lẽ sông nước Cửu Long đã ám ảnh Hoàng Thanh Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường- dù ông sinh ra ở Quảng Ngãi- để đến khi đứng trước ngã rẽ của sự chọn lựa cho đời mình sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã xăm xúi đi về hướng ấy.

Cứ ngỡ cái tên Hoàng Thanh Nam sẽ theo ông cho đến cuối chặng đường văn học, thế rồi, thoắt một cái, ông xung phong vào bộ đội, thành một phóng viên chiến trường tận Nam Bộ, bỏ hẳn bút danh ấy, đặt lại tên cho mình: Thanh Thảo.

“Tôi đặt tên tôi là cỏ/ Mọc phất phơ mọc vớ vẩn ngoài đồng/ Mọc trên mộ các anh/ Tràn qua những bia đá lạnh lẽo”.

Có lần tôi đã nghĩ sai về hàm nghĩa của tác giả qua những câu thơ này. Cho đến khi tình cờ đọc một bài báo ông viết nhân “Ngày thơ” của một năm nào đó, Thanh Thảo đã vỡ vạc cho tôi hiểu rằng “… Mọc trên mộ các anh/ Tràn qua những bia đá lạnh lẽo” không phải như tôi đã nghĩ.

Sự đa nghĩa, nhiều chiều kích, nhiều vỉa tầng là một đặc thù trong thơ Thanh Thảo. Thơ ông đọc không dễ vào, dĩ nhiên là khó thuộc nhưng khi đã bắt được “sóng” rồi thì ta như người đi trong rừng, bất chợt nghe một âm thanh lạ, hoặc thoảng một mùi hương quyến rũ, cứ mải tìm, rồi cuối cùng là gặp một thăm thẳm mênh mang.

Thanh Thảo là thế, mãi mãi bất ngờ, “mãi mãi là bí mật”- như tên một tập tiểu luận của ông được xuất bản cách đây ít năm. Ông có những cú rẽ ngoặt đẹp như pha bóng của một tiền đạo lão luyện, dốc bóng dọc biên rồi bất ngờ ngoặt lại, xỉa bóng vào góc xa của khung thành để ghi bàn.

Như cái cú xung phong đi B năm 1970 của ông là một pha bóng đẹp nhưng đầy mạo hiểm của sân bóng đời ông, ít ai ngờ tới, ngay đến hai cụ thân sinh của ông cũng không hiểu nổi những hoài bão, những khát vọng của con mình. “Và anh đi tìm sự bình yên ở những nơi không hề có bình yên” (Một trăm mảnh gỗ vuông).

Khát vọng vượt Trường Sơn luôn thiêu đốt con người ông, mặc dù với “tiêu chuẩn” như Thanh Thảo thời ấy, nơi ông đến phải là một nước xã hội chủ nghĩa nào đó để du học chứ không phải là chỗ chiến trường đầy bất trắc.

Ông là đứa con độc nhất trong một gia đình mà bố ông là cán bộ lão thành cách mạng, một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi.

Năm Thanh Thảo đi Trường Sơn (1970) thì cha ông đã 70 tuổi, mẹ ông cũng đã gần 60. Dứt áo ra đi trong một hoàn cảnh cha mẹ già như thế, hẳn là phải có một khát vọng gì đó cùng với một quyết tâm ghê gớm chứ không phải là chuyện bồng bột đơn thuần của tuổi trẻ nông nổi.

Mãi đến sau này, khi đã thấm thía thế nào là nỗi nhớ con, ông mới bắt đầu quay ngược kim đồng hồ thời gian của những tháng năm xa cách ấy để nhớ về mẹ mình: “Mang dao sắc con vào tuyệt lộ/ Má đường xa độc thoại mỏi mòn”.

Thanh Thảo thơ

Hàng triệu thanh niên miền Bắc ngày ấy đã vượt Trường Sơn để tham gia chiến đấu, giải phóng đất nước. Họ đã coi Trường Sơn như là hàn thử biểu để đo nhiệt độ về lòng yêu nước của mình.

Thanh Thảo cũng không là ngoại lệ, nhưng ở chàng trai 24 tuổi ngày ấy (Thanh Thảo sinh năm 1946), còn mang thêm một khát vọng lãng mạn hơn: Trở thành một nhà thơ “thứ thiệt” ngay giữa chiến trường ác liệt nhất!

Ông không muốn ngồi ở miền Bắc “thiên đường của các con tôi” để tưởng tượng ra cuộc chiến tranh mà làm thơ. Ông muốn “sờ tận gáy” cuộc chiến ấy xem như thế nào rồi mới có thơ.

Khi đã xáp mặt với cuộc chiến trần trụi ấy rồi, khi đã có những câu thơ lấm lem bùn đất và lửa khói của chiến hào rồi, Thanh Thảo chả cần phải khiêm tốn, cũng không giấu giếm để nói rằng:

“Những tráng ca thuở trước/ Còn hát trong sách thôi/ Những thanh gươm yên ngựa/ Giờ đã cũ mèm rồi” (Bài ca ống cóng). Đào thải là quy luật của tự nhiên, nhưng với Thanh Thảo, ông muốn chính ông và thế hệ của mình phải là người đưa tiễn “những tráng ca thuở trước” ra nghĩa địa văn chương!

Thanh Thảo là nhà thơ luôn biết vượt lên những gì mà ông cho là cũ mèm. Ông như lớp cỏ non, biết bỏ lại sau lưng những gì già cỗi: “thế hệ chúng tôi/ đi con đường người trước đã đi/ bằng rất nhiều lối mới” ( Một người lính nói về thế hệ mình).

Xâu chuỗi lại những “tuyên ngôn” riêng lẻ trên đây ta sẽ hình dung ra một chân dung Thanh Thảo thơ: “Mọc trên mộ các anh/ Tràn qua những bia đá lạnh lẽo”. “Các anh” đây không phải là các liệt sĩ, “những bia đá lạnh lẽo” đây cũng không phải là bia mộ trong nghĩa trang đâu!

Không phải ngẫu nhiên mà Chế Lan Viên đã coi tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ của Thanh Thảo-một cái tên hãy còn lạ lẫm với giới cầm bút Hà Nội bấy giờ, như những viên ngọc đầy sắc màu mới lạ khi ông nhận được bản thảo còn hăng mùi thuốc súng từ chiến trường gửi ra.

Và Chế Lan Viên đã đăng trên Tạp chí Tác phẩm mới do ông làm Thư ký tòa soạn một lúc đến 13 bài thơ của Thanh Thảo. Thời ấy mà đăng được một bài thơ trên Tác phẩm mới đã là “oách” lắm rồi, thế mà Thanh Thảo đã được đăng cả một serie thơ!

Nếu ví Phạm Tiến Duật như người mở đầu cho một lớp nhà thơ đầy tài năng trong chống Mỹ thì Thanh Thảo là người đã khép lại cánh cửa thơ đông vui mà cho đến hôm nay, giới văn chương cũng không lý giải hết vì sao lại có một lớp nhà thơ tài hoa nở rộ đến thế.

(Đón đọc kỳ II: Tôi đặt tên tôi là cỏ…)

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xi-nhan/nghe-thuat-moi/201206/Toi-dat-ten-toi-la-coi-2164361/