Tôi đi tìm khỉ nơi đảo khỉ

Tôi đeo máy ảnh sau lưng, bám vào những tảng đá lớn trườn lên đỉnh núi với tâm trạng khá hồi hộp, không thể sơ sẩy… Bên dưới là những tảng đá nhấp nhô, ẩn hiện sau những cơn sóng tung bọt nước trắng xóa. Trên một tảng đá lớn nằm chênh vênh sát mép biển, “lão” khỉ đầu đàn trông khá to lớn ngồi trầm ngâm nhìn ra khơi xa. Bất chợt, “lão” quay ngoắt về phía tảng đá nơi tôi đang ẩn nấp, nhìn về hướng núi khi hoàng hôn dần bao phủ núi đồi. Gió mang hơi nước từ đại dương thổi vào khiến tôi lạnh run nhưng khỉ vẫn ngồi trầm ngâm hàng giờ đồng hồ…

Sáng đầu xuân, nắng vàng dịu êm mơn man da thịt như dìu lòng người vào cõi thiên thai. Cây lá xào xạc như đang đùa vui với những cơn gió phiêu bồng và phóng đãng. Tôi mang máy ảnh rong ruổi xe máy về Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) để ghi lại hình ảnh “con cháu Tôn Ngộ Không” nơi đảo khỉ, vùng núi đồi nằm giữa làng và biển cả bao la.
“Phá như khỉ”
Đấy là câu cửa miệng của nhiều người dân thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) la mắng khi con trẻ nghịch phá. Nhưng thật là oan cho trẻ. Vì những chuyện mà tôi nghe được về việc phá phách của lũ khỉ thì sự nghịch ngợm của trẻ em nơi đây còn thua xa. Cụ bà Trần Thị Mưa kể lại: Giữa trưa, có một con khỉ đuôi dài và khá to chuyền cành khắp các cây lớn trong vườn nhà. Bà vội xua đuổi nhưng khỉ không hề sợ sệt, thản nhiên ngồi bóc vỏ trái keo (giống trái bồ kết) ăn ngon lành rồi ném vỏ về phía bà đang đứng. Sau khi ăn thỏa thuê, khỉ còn “khọt khẹt” rồi dùng tay gãi hai bên má làm trò, trông… rất khỉ. Nhiều bận, đàn khỉ từ 5 - 7 con kéo xuống làng vặt trụi trái cây, trộm hoa quả và bánh kẹo dâng cúng trên bàn thờ nơi sân nhà trước sự xua đuổi của gia chủ. “Vừa thấy bóng khỉ là tôi vừa chạy vừa la làng nhưng tụi nó vẫn liều lĩnh xông đến lấy rồi leo lên ngọn cây cao” - bà nói.
Có lẽ do quá đói nên nhiều lúc khỉ rượt bắt cả gà, vịt thả nuôi của người dân trong thôn. Khi đã nghịch phá chán chê, chúng còn đuổi nhau trên những ngọn cây cao gây náo loạn cả xóm, cây lá tả tơi như vừa qua một trận bão lớn. Giữa chiều phai nắng, người dân trong thôn kéo nhau đến nhà anh Phạm Văn Phu xem khỉ biểu diễn trò đánh đu trên ngọn tre. Đàn khỉ bảy con rượt đuổi nhau chí chóe, những ngọn tre uốn cong nghiêng ngã sau những cú vươn nhảy - chụp bám, cảnh tượng trông như màn trình diễn xiếc. Khỉ càng gắng sức thể hiện tài năng khi có nhiều người vỗ tay, reo hò cỗ vũ, xóm làng thêm náo nhiệt. Sau khi chơi đùa chán chê, đàn khỉ thản nhiên chuyền cành cây vào rừng trước sự tiếc nuối của nhiều người. Cảnh tượng hôm ấy được anh Phu ghi vào máy điện thoại di động rồi mở cho nhiều người cùng xem.

Bố của anh Phu là cụ Phan Văn Cúc (78 tuổi, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Thạnh Đức 2) hào hứng kể chuyện về đàn khỉ nơi đây. Vào dịp nghỉ hè trong những năm trước, có thầy giáo tên Tuấn dạy môn sinh học tận Đắc Lắc đến nhà nhờ cụ dẫn vào núi để quay phim đàn khỉ. Cụ vội sai con dâu ra chợ mua nhiều loại trái cây mang vào đặt rải rác ở những nơi khỉ thường xuất hiện. Sau nhiều lần kiên trì, thầy Tuấn đã ghi được hình ảnh về lũ khỉ khá sinh động và ước đoán số lượng khoảng hơn 2.000 con. “Ở đây có khỉ đuôi dài và đuôi ngắn. Chẳng ai biết về thời điểm xuất hiện của lũ khỉ. Chúng hay kéo xuống làng, nhất là vào mùa nắng, khi thiếu thức ăn và nước uống. Mặc dù chúng phá quấy, người dân có xua đuổi nhưng không ai làm hại đến chúng cả. Nhân dân trong thôn luôn cảnh giác nhằm ngăn ngừa kẻ xấu từ nơi khác đến săn bắt nên lũ khỉ vẫn bình an vô sự” - cụ Cúc nói.
“Đảo khỉ” cạnh làng
Cụ Cúc nhiệt tình đưa tôi cùng với hai người bạn rời làng băng qua trảng cát rộng rồi vượt đỉnh núi cao nhấp nhô cây bụi giữa trưa nắng. Địa danh đảo khỉ lưu truyền rộng rãi nên nhiều người lầm tưởng vùng biển Sa Huỳnh có hòn đảo là nơi sinh sống của khỉ. Thực ra, nơi đây là vùng núi đồi nằm giữa làng và đại dương bao la. Những vách đá dựng đứng sát mép biển khiến nhiều người choáng váng khi nhìn xuống cảnh tượng sóng ầm ào vỗ vào bờ đá bên dưới. Cụ Cúc nguyên là du kích xã Phổ Thạnh trong những năm kháng chiến chống Mỹ với 13 năm ròng rã bám vào núi đồi, trú ẩn trong hang đá nơi đây cùng đồng đội đánh giặc giữ làng. Có hang đá rộng, chứa được cả hàng chục người với cửa hang hẹp, phải nằm sấp rồi trườn vào bên trong. Nhiều hang nối thông nhau tựa như mê cung huyền bí, khó tìm được lối ra.
Sau hiệp định Paris vào đầu năm 1973, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đích thân đến Sa Huỳnh đốc thúc binh lính càn quét nhằm chiếm lại vùng giải phóng. Lực lượng địch đông gấp nhiều lần cùng với vũ khí hạng nặng nên du kích xã và bộ đội rút lui cố thủ trong những hang đá. Quân lính Việt Nam Cộng hòa tạo thành gọng kìm với việc bắn pháo từ tàu chiến ngoài biển vào và bộ binh ồ ạt tấn công từ phía làng. Nhưng nhờ sự che chắn của những tảng đá khổng lồ cùng với trú ẩn trong hang nên quân ta đã giảm thiểu số lượng thương vong. “Trận đó ác liệt lắm. Nếu không dựa vào địa hình hiểm trở chắc tôi không còn sống đến hôm nay” - cụ Cúc nói.
Sau ngày thống nhất đất nước, những hang: Lũng Ồ, Hóc Mó, Hòn Mồng, Hòn Son… thành nơi trú ngụ lý tưởng của lũ khỉ. Chúng chia thành những bầy nhỏ lẻ với con khỉ đầu đàn khá to lớn, thường đi thám thính, khi cảm thấy an toàn thì mới ra hiệu cho cả đàn rời hang. Không chỉ thành thạo việc di chuyển trên cành cây, chúng còn bơi lặn như vận động viên chuyên nghiệp. Thức ăn của chúng bao gồm cả cây trái và nhiều loại hải sản sinh sống dưới nước cạnh những ghềnh đá. “Nhiều lúc tôi thấy chúng tranh giành nhau những con nha (giống cua biển) rồi ăn ngon lành. Tôi cùng với nhiều ngư dân trong xóm câu cá tại ghềnh đá quây tròn rượt đuổi khỉ đùa vui. Chúng thản nhiên nhảy xuống biển, lặn hơi rất dài rồi ngoi lên bám vào ghềnh đá xa hơn. Sau khi thoát được chúng tôi, chúng còn có những cử chỉ trêu chọc trông rất mắc cười…” - cụ Cúc cho biết.
“Hầu vương” đăm chiêu
Chúng tôi đặt chuối trên bãi đất bằng phẳng cạnh hang Lũng Ồ để dụ khỉ rời hang. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy bóng dáng đàn khỉ, ngoài tiếng sóng xô vào vách đá tung bọt nước trắng xóa. Những chiếc thuyền của ngư dân đánh bắt gần bờ cứ nhấp nhô ẩn hiện như đang đùa giỡn với sóng. Hai người bạn đi cùng là nhân viên Trạm thu phát sóng truyền hình phía nam tỉnh Quảng Ngãi đùa vui: “Anh cứ bóc chuối ăn tự nhiên rồi đưa máy ảnh cho tụi em chụp là gửi đăng báo được thôi mà”.
Rong ruổi giữa trưa nắng qua những triền đồi cây bụi, chúng tôi thấy một chú khỉ to lớn đuôi dài đang ngồi trên tảng đá chênh vênh cạnh biển. Do khoảng cách khá xa nên hình ảnh ghi lại trong máy mờ ảo tựa Tôn Ngộ Không hóa phép đùa giỡn với yêu quái. Tôi liền ôm chiếc máy ảnh cúi thấp người nhẹ nhàng tiến về phía khỉ. Có lẽ phát hiện ra tôi đang tiến về phía mình nên chú vội biến mất sau những hốc đá. Bạn tôi khẳng định: “Đấy là con khỉ đầu đàn, nó đi quan sát trước khi báo hiệu an toàn cho lũ khỉ rời khỏi hang”.
Những tia nắng dần tắt sau đỉnh núi nhưng vẫn không thấy bóng dáng lũ khỉ. Chúng tôi liền chia nhau ẩn nấp những nơi chúng có thể kiếm ăn, vui đùa. Hoàng hôn bao phủ núi đồi, một chú khỉ đuôi dài bình thản băng qua trảng đất trống cách nơi tôi ẩn nấp khá xa nên hình ảnh ghi lại không rõ nét. Tôi vội rời tảng đá cúi thấp người theo kiểu… khỉ tiến đến gần nhưng chú đã mất hút vào những hốc đá. Chuông điện thoại rung liên hồi cùng với tiếng của người bạn: “Khỉ đây”. Tôi vội lao đến mặc cho gai cào tứa máu khắp cơ thể, áo quần tả tơi. Một “lão” khỉ đuôi dài với thân hình khá lớn đang ngồi trên tảng đá cao sát mép biển, xung quanh toàn đá trập trùng. Tôi đeo máy ảnh vào lưng rồi trườn mình lên cao nấp vào sau tảng đá lớn. Trời dần vào tối, gió mang hơi nước biển phả vào lạnh ngắt, “lão” khỉ vẫn ngồi bất động nhìn ra khơi xa. Bất chợt, “lão” quay mặt về hướng tôi, nhìn về phía núi đang dần vào màn đêm với dáng vẻ trầm ngâm. Có lẽ “lão” đang suy nghĩ về trách nhiệm của “người đứng đầu” đối với cả đàn? Thời gian lặng lẽ trôi, tiếng côn trùng kêu rả rích, cỏ cây dường như đang cựa mình đón xuân sang nhưng khỉ ta vẫn cứ ngồi lặng im. Và chẳng biết “lão” suy nghĩ điều… khỉ gì mà đăm chiêu như thế?
Chập choạng tối, thêm nhiều chú khỉ xuất hiện trên những tảng đá bên cạnh như để trêu đùa chúng tôi. Giờ thì máy ảnh đành bất lực. Cả ba chúng tôi mò mẫm xuống núi sau cả ngày dài rong ruổi tìm khỉ nơi đảo khỉ Sa Huỳnh ầm ào sóng vỗ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/khoa-hoc/toi-di-tim-khi-noi-dao-khi-515243.bld