“Tôi học kém, tại sao tôi vẫn trụ hạng?”

“Tôi là một trong những học sinh học kém. Tại sao tôi vẫn trụ hạng được như bây giờ? Bước vào đường đời có những lúc tôi phải tự thân bươn trải. Làm được điều đó do chúng ta có được từ giáo dục phổ thông”.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nêu vấn đề vào chiều 15/8 khi UBTVQH bàn về nội dung giám sát chương trình sách giáo khoa (SGK).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, đầu tư cho giáo dục phổ thông rất lớn và ngày càng tăng lên, tuy nhiên quy mô của giáo dục phổ thông cũng rất lớn, tăng rất nhanh, mỗi năm tăng lên khoảng 250 trường. Số lượng tiền chi cho GD có tăng nhưng chi cho từng nhà trường, cho số lượng SV vẫn không đảm bảo. Chất lượng giáo dục phổ thông đã được cải thiện nhiều, nhưng vẫn chưa đủ điều kiện đảm bảo cho hoạt động tối thiểu: Trường lớp học chưa được kiên cố hóa, trang thiết bị chưa đủ…

Đổi mới SGK phổ thông là một lĩnh vực rất được quan tâm trong nhiều năm nay. Ảnh IT

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu: Giáo dục đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu. Vậy chúng ta quán triệt chủ trương này như thế nào? Với xu hướng đổi mới giáo dục hiện nay, việc áp dụng CNTT vào trường học rất lớn. Vấn đề này được áp dụng trong bậc học trung học phổ thông ra sao? Việt Nam đang ở mức độ nào so với các nước trong khu vực?

Chủ nhiệm UB giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, hiện chúng ta vẫn kiên trì thực hiện đường lối giáo dục là quốc sách hàng đầu. Ví dụ ngân sách luôn dành 20% cho sự nghiệp giáo dục, và trên thực tế còn cao hơn, rồi nhiều ưu tiên khác dành cho giáo dục.

Tuy nhiên ông Thi cũng đưa ra nhận định là “tư tưởng chưa được thấm nhuần”. Khi giải quyết vấn đề, giáo dục chưa được chọn là quốc sách đầu tiên, mà có khi còn được ưu tiên cuối cùng. Đầu tư cho giáo dục vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu cho giáo dục phổ thông. Thậm chí còn không đảm bảo được yêu cầu tối thiểu.

Riêng ứng dụng CNTT vào trường học, ông Thi cho biết, chúng ta làm rất tốt. Các trường trung học phổ thông đều được trang bị máy tính phục vụ cho học tập, nhưng không đều. Các vùng khó khăn không được đầu tư, chủ yếu tập trung vào những vùng phát triển.

Trải qua 4 kỳ Quốc hội liên tiếp, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nói, nhiều đời Bộ trưởng đều tập trung đổi mới SGK. Ông cho rằng giáo dục phổ thông có tầm quan trọng ghê gớm, giúp hình thành bản lĩnh con người và phát triển tư duy mới.

Ông Ksor Phước cũng không ngần ngại nói thẳng: “Tôi là một trong những học sinh học kém. Tại sao tôi vẫn trụ hạng được như bây giờ? Bước vào đường đời có những lúc tôi phải tự thân bươn trải. Làm được điều đó do chúng ta có được từ giáo dục phổ thông. Chúng ta đang tồn tại do nền giáo dục tạo nên”.

Tầm quan trọng như vậy, bàn cải cách nhiều như vậy, nhưng tại sao chương trình SGK của ta chưa hạ hồi mà vẫn còn tranh luận? Giáo dục ở đây là giáo dục nhân cách con người. Học sinh ở môi trường nội trú, nhưng Chủ tịch Hội đồng dân tộc vẫn phản ánh, sống trong một cộng đồng rộng lớn, nhưng các cháu vẫn rụt rè. Vậy giáo dục hình thành nhân cách mới như thế nào?...

Xác định SGK là vấn đề quan trọng trong hệ thống giáo dục, nhưng Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển cho biết, nhiều người phản ánh SGK thiếu tính thời đại, thiếu thực tiễn. “Tôi đến vùng sâu, vùng sa thấy cô giáo dạy cả học sinh cách kê bàn ghế salon. Nhưng thực tế các cháu còn không biết bộ ghế salon thế nào. Như thế là rất thiếu thực tiễn”.

Ông cũng đánh giá kiến thức phổ thông hiện nay cũng thiếu, lại không tập trung. “Ngày xưa học phổ thông chỉ có 9 năm thôi, nhưng học sinh học môn nào yêu môn đó. Bây giờ học sinh còn học cả tích phân, ly phân, liệu có cần thiết không? Bắt học như vậy chỉ càng gây áp lực cho học sinh và cho cả giáo viên”.

Ông Phù Quốc Hiển cũng cho rằng nền giáo dục cải cách nhiều quá, thay đổi nhiều quá dẫn đến lúng túng. Đề cập đến vấn đề tài chính, ông liên hệ đến vấn đề chất lượng giáo dục: “Nếu nâng ngân sách cho giáo dục lên thì chất lượng có tăng tỷ lệ thuận với tài chính không? Vấn đề đặt ra là giáo dục phải chiến thắng chính bản thân mình để vì lợi ích của ngành. Chúng ta phải chiến thắng chính chúng ta đây này”.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai thì cho rằng, Báo cáo giám sát SGK luôn nhận được sự trông đợi của nhiều người, nếu làm rõ được thì sẽ nhận được sự tin cậy của xã hội. Bà Mai cũng đề nghị báo cáo giám sát của UB giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng phải đề cập sâu hơn vấn đề phân ban, phân hóa trong giáo dục.

“Tôi biết vấn đề này rất khó. Bộ GD không phải không quan tâm nhưng rất lúng túng. Ngoài vấn đề chung mang tính chiến lược, cần chọn lựa thêm một số giải pháp mạnh mẽ hơn” – bà Mai nhận xét.

Đồng tình với đề cập của Bộ GD khi phàn nàn ngân sách đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu, nhưng bà Mai còn cho rằng, nội dung báo cáo giám sát phải xác định trách nhiệm của Bộ GD và chính quyền địa phương.

Kết thúc buổi làm việc, UBTVQH đề nghị UB giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng bổ sung những góp ý của ĐB, sớm gửi nội dung giám sát SGK cho các ĐBQH trong kỳ họp tới.

Nguyễn Dũng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Thoi-su/Toi-hoc-kem-tai-sao-toi-van-tru-hang/104305.info