Tỏi Lý Sơn cần một cuộc cách mạng từ cọng rơm

Tỏi Lý Sơn được đánh giá là sản phẩm có chất lượng cao nhờ đặc tính giống, gieo trồng, chất lượng đất - cát san hô vốn ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, những sai lầm trong tư duy sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu có thể tạo nên những hệ lụy lâu dài cho giống tỏi này. Sống Mới trân trọng giới thiệu một số đóng góp về nghề trồng tỏi của anh Phạm Thắm, một người dân Lý Sơn, đã từng mang tỏi ra Hà Nội để khai phá thị trường. Tuy nhiên, trước tiên, những người trồng tỏi Lý sơn cần giải quyết những vấn đề gốc rễ vì không có ai làm thay được họ!

Mất mùa do đâu?

Phương thức sản xuất hiện tại có đúng?

Cuốn sách “Cuộc cách mạng từ một cọng rơm” là sự giải thích về việc mất mùa của tỏi Lý Sơn trong vụ mùa năm nay:

“Khi đưa những nhát cày đầu tiên xới đất trên đồng ruộng, con người đã tạo ra cho đất một sự phụ thuộc, đã tạo ra cho đất một “cơn nghiện”. Càng cày xới, càng bón phân thì đất càng thoái hóa, càng bạc màu, trong khi vẫn muốn năng suất không đổi hoặc tăng lên, con người phải tiếp tục nghiên cứu những giống lúa mới hơn, phương thức canh tác hiện đại hơn, phân bón và thuốc trừ sâu hiệu quả hơn...”

Đó như là một sai lầm hệ thống và không có điểm dừng, khi mà lòng tham và nhu cầu của con người dường như vô tận. Và sai lầm hệ thống thì hầu như chỉ có thể sửa chữa triệt để bằng cách thay thế chính hệ thống đó!” - Trích lời tiên sinh Masanobu Fukuoka.

Vì muốn nâng cao năng xuất cây trồng, nông dân Lý Sơn hiện tại đang quá phụ thuộc vào phân bón, thuốc trừ sâu. Trong khi cả hai yếu tố này không đảm bảo được cho sự phát triển của cây tỏi để đạt năng suất lẫn chất lượng. Nguồn phân bón và thuốc trừ sâu không được kiểm duyệt, được bán tràn lan mà người bán chẳng qua một lớp đào tạo nghiệp vụ nào (không loại trừ phân giả, thuốc giả). Cũng không có một sự hướng dẫn kỹ thuật về cách thức sử dụng để người dân biết mà sử dụng đúng từ các cơ quan nông nghiệp của chính quyền hay các chuyên gia nông nghiệp... Hệ lụy tỏi càng bón phân càng vàng, phun thuốc trừ sâu bệnh thì bệnh càng nặng... Và cuối cùng là chết. Vụ tỏi năm nay lại mất mùa. Cần xem lại phương thức sản xuất,phải chăng chúng ta đang đi ngược lại với tự nhiên. Càng không nên dễ dãi đổ cho thời tiết, vì lý do ấy chỉ để... không làm gì cả!

Mất giá do đâu?

Người nông dân không chú trọng đủ đến chất lượng tỏi, cứ chăm chăm vào sản lượng để rồi quên rằng chất lượng mới là một yếu tố quyết định để tạo ra thương hiệu tỏi Lý sơn nhằm nâng cao giá bán. Điều gì sẽ xảy ra nếu tỏi Lý Sơn đảm bảo yếu tố SẠCH? Chắc chắn khi đó giá bán tỏi sẽ được nâng lên không chỉ 2 hay 3 lần. Tỏi Lý sơn với một đặc điểm riêng biệt và khác biệt, khó một vùng đất nào có thể tạo ra giống tỏi có hương vị thơm ngon bằng, chưa kể còn là một dược liệu quý. Ở những nước như Nhật, Hàn... họ xem tỏi như là thần dược. Và tỏi Lý Sơn phải chăng có thể đứng đầu danh sách thần dược đó?

Tại Việt Nam hiện nay, các trang mạng bán sản phẩm “sạch” dù với cái giá cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường nhưng lại đang ăn nên làm ra khi các ông bố, bà mẹ nháo nhào tìm mua với hy vọng đảm bảo an toàn sức khỏe cho con và cho mình. Điều này chứng tỏ niềm tin về an toàn thực phẩm của người Việt Nam đã không còn nữa. Dường như lan tràn mối lo cả dân tộc đang bị đầu độc qua đường thực phẩm vì việc sử dụng những hóa chất độc hại bừa bãi trong nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, đa phần từ Trung Quốc, khi các nhà chức trách tỏ ra đang “bó tay” trong việc ngăn chặn những dòng lũ chất độc đó.

Hằng năm Lý Sơn sản xuất ra không quá 1.500 tấn, một con số không thấm vào đâu đối với nhu cầu. Với vị thế cầu nhiều cung thiếu như vậy, đáng ra tỏi Lý Sơn phải là một mặt hàng được săn đón và là một thương hiệu mạnh hiếm hoi của nền nông nghiệp nước nhà. Nhưng sự trù trừ và thói quen làm ăn chộp giật bấy nay đã trở thành rào cản bất khả vượt qua.

Vấn đề cũng không cần phải “đạt và vượt” một con số tấn tạ nào đó. Điều sống còn cho tỏi Lý sơn hiện nay là đảm bảo chất lượng và nâng tầm giá trị thương mại.

Chiến lược nâng tầm giá trị thương mại

Lâu nay chẳng có một hành động cụ thể nào để làm việc này từ các cơ quan hữu quan, phó mặc và để người dân tự tiêu thụ. Hoàn toàn không có một nghiên cứu gì để chỉ ra sự khác biệt giữa tỏi Lý Sơn và các vùng miền khác, lấy đó làm cơ sở để nâng tầm giá trị. Không có một sự quảng bá chính danh từ chính quyền lẫn một tổ hợp chuyên nghiệp về marketing thương mại nào được tổ chức có hệ thống để phổ biến, thuyết phục cho thương hiệu tỏi Lý Sơn rộng khắp cả trong lẫn ngoài nước.

Đây là lĩnh vực tối cần thiết, trước mắt có thể kêu gọi sự hỗ trợ phi lợi nhuận của các mạnh thường quân cho đến khi các công ty kinh doanh tìm được cơ hội có thể kiếm được lợi nhuận của mình trong việc phát triển giống tỏi quý này. Và đây cũng là khâu có thể có hỗ trợ cho người dân Lý sơn từ bên ngoài có hiệu quả nhất.

Thiếu quản lý cũng như xử lý đối với những trường hợp xâm hại thương hiệu tỏi Lý Sơn gắn nhãn lừa người tiêu dùng nhằm trục lợi cá nhân. Điều này chỉ có nhà nước mới có thể làm được. Nếu buông lỏng như những năm qua thì đồng nghĩa với việc tuyên án tử không chỉ cho tỏi mà cả các giống cây quả quý hiếm của Việt nam đang dần tàn lụi.

Hiện nay trên thị trường có một loại tỏi giống hoàn toàn về ngoại hình tỏi Lý Sơn nhưng hương vị không thơm ngon bằng gắn nhãn tỏi Lý Sơn nhằm để bán với giá cao.

Những hoạt động tự nguyện hỗ trợ cho người nông dân bán tỏi rất đáng quý nhưng không thay được các biện pháp đồng bộ cần thiết của chính quyền.

Tóm lại, với tỏi Lý Sơn - Sai lầm hệ thống chỉ có thể sửa chữa bằng... cả một hệ thống.

Cầu mong cho cây tỏi Lý sơn vượt lên những năm khó khăn này. Đừng mất đi!

Phạm Thắm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-kinh-doanh/toi-ly-son-can-mot-cuoc-cach-mang-tu-cong-rom