'Tôi nhớ lắm bữa cơm bên gia đình ngày đầu năm mới'

"Rabat, Marốc một ngày đầu năm Bính Thân, vậy là tôi đã trải qua cái Tết thứ hai xa nhà", Lê Việt Long, sinh viên Đại học Mohammed V, thành phố Rabat, Marốc, chia sẻ.

Những tưởng việc học và ôn thi ngập đầu sẽ xua đi cái cảm giác nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ Tết, nhưng khi nghe những bài hát về xuân, được ngắm nhìn những cành đào, mai tươi sắc trên Facebook, bỗng những cảm xúc tưởng rằng đã quên lại ùa về.

Tôi nhớ không khí Tết ở thành phố quê hương. Nhớ những ngày cuối năm mọi con đường đều mang màu xuân ấm áp. Nhớ những cơn mưa lâm thâm giá lạnh những ngày giáp Tết. Nhớ mỗi khi Tết đến lại cùng gia đình đi lựa những cành đào, cây quất. Nhớ những phiên chợ với đủ loài hoa đua sắc. Nhớ những món ăn truyền thống của Việt Nam.

Lê Việt Long hiện là

sinh viên khoa Khoa học Pháp Lý, Kinh Tế và Xã hội, Đại học Mohammed V, thành phố Rabat. Ảnh: NVCC.

Có lẽ, đối với những du học sinh ở Marốc như chúng tôi, nhớ nhất là mâm cơm họp gia đình dịp đầu năm. Tại một đất nước hồi giáo, với một nền ẩm thực hoàn toàn khác, khi thịt lợn và gạo nếp là điều xa lạ với người dân, thì một cái bánh chưng, một đĩa nem, giò xào hay thịt đông ngày Tết là điều bất khả thi.

Thời điểm cuối năm là lúc những thành viên trong gia đình từ khắp nơi cùng đoàn tụ, quây quần sau cả năm dài xa cách. Vậy mà không phải ai cũng có may mắn có một cái Tết đoàn viên như vậy. Chẳng hạn du học sinh như tôi, Tết Nguyên đán cũng là thời gian của những bài thi cuối kỳ, của đi học, công việc. Gặp gỡ gia đình đối với tôi chỉ là qua màn hình điện thoại hay máy tính, nói chuyện với bạn bè trên Facebook hay Viber.

Đôi khi, trong những suy nghĩ bất chợt, tôi chỉ muốn vứt bỏ tất cả mà bắt chuyến bay về ăn Tết với gia đình. Cảm giác đó mới thật tuyệt làm sao. Nhưng những phút xao lòng chỉ thoáng chút hiển hiện. May sao, cách xa quê hương đến 10 nghìn km, tôi tìm được những người anh, chị, những du học sinh luôn đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau.

Năm nay, Tết Nguyên Đán được tổ chức ở Đại sứ quán với những món ăn truyền thống của cả hai đất nước, với những bài hát về Tết nồng nàn, với cành đào thắm truyền thống của Tết miền Bắc.

Tại buổi tiệc đón năm mới của du học sinh, mọi người luôn cố gắng để có một cái Tết gần nhất với Việt Nam, cùng nhau tạo ra những cành đào và mai sao cho giống như thật; cũng có một bàn cúng đầu năm, cùng nhau chuẩn bị một mâm cỗ Tết và quây quần như một gia đình thật sự.

Tết dù ở một đất nước xa xôi, một đất nước với tất cả mọi thứ đều khác biệt với nhiều khó khăn, nhưng những người Việt ở đây luôn cố gắng để có thể tổ chức một cái Tết ấm áp.

Học xa nhà, không được đón cái Tết truyền thống của dân tộc, không được cùng quây quần bên gia đình trong những ngày đầu năm có thể là những thiệt thòi, nhưng nhờ vậy tôi lại có những trải nghiệm, mà có lẽ, tôi sẽ không bao giờ cảm nhận được nếu không phải du học sinh xa nhà.

Lê Việt Long

Đại học Mohammed V, thành phố Rabat, Marốc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/toi-nho-lam-bua-com-ben-gia-dinh-ngay-dau-nam-moi-post625335.html