Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!

Tôi ơi, đừng tuyệt vọng - vì xung quanh ta vẫn còn đồng loại, nơi ấy có những yêu thương vẫn gọi ta về.

-

Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” với sự hợp tác của Trung tâm CSAGA và Đoàn kịch 3 – Nhà hát Tuổi Trẻ vừa ra mắt khán giả thủ đô tối 15/6. Lần đầu tiên, những người phụ nữ đã và đang bị bạo hành cùng nắm tay nhau để kể những câu chuyện của chính mình, bộc lộ những nỗi đau, sự tủi hổ mà họ phải chịu đựng suốt những năm tháng trong quá khứ, đồng thời chia sẻ những khát khao, những ước mơ cháy bỏng, và đặc biệt là con đường vượt qua số phận của bản thân mình. Vở kịch chỉ vỏn vẹn hơn 30 phút đồng hồ nhưng khi kết thúc, khán giả khóc và diễn viên cũng khóc.

Tôi ơi, đừng tuyệt vọng - vì xung quanh ta vẫn còn đồng loại

“Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” được chia thành hai phần: Phần một là màn hình thể đương đại với sự chuyển động, vũ đạo và tạo hình ấn tượng gây cảm xúc mạnh cho khán giả. Phần hai là thể loại kịch tương tác mà qua đó, khán giả có thể thay đổi câu chuyện kịch bằng cách tham gia biểu diễn với các diễn viên trong không khí nghệ thuật đầy ngẫu hứng và sáng tạo.

Những tình huống, những mảnh ghép cuộc đời của mỗi người phụ nữ được tái hiện chân thực trên sân khấu. Một người chồng suốt ngày say xỉn, một người chồng lao đầu vào những canh bạc đỏ đen như một con thiêu thân....rồi khi trở về nhà họ bắt đầu trút những bực dọc lên người "đầu gối tay ấp" với mình. Nhưng những người phụ nữ chỉ biết cam chịu. Vở kịch với nhiều hình ảnh, những chuyển động giàu cảm xúc trên sân khấu, những vũ đạo và tạo hình ấn tượng gây cảm xúc mạnh cho khán giả. Khán giả được lắng nghe những lời tâm sự tận đáy lòng của chính những người trong cuộc – những phụ nữ từng là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Cái kết của vở kịch là khi những người chồng thất thế, tay trắng....họ lại về với người vợ của mình và sau những dằn vặt suy nghĩ, những người vợ lại dang tay đón nhận người chồng. Những chính cái kết này lại gây ra nhiều tranh cãi với khán giả.

Một khán giả nữ đứng lên phát biểu và cho rằng, tại sao lại có một cái kết quá dễ dàng với người đàn ông như vậy sau khi họ hành hạ vợ dã man, khi thất thế quay về, họ lại được tha thứ đơn giản đến thế. Đáng lý ra, họ cũng phải bị trừng phạt, họ đáng bị trải qua những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần lắm chứ.

Ngược lại, khán giả nữ khác lại không đồng tình và cho rằng, người phụ nữ dang tay đón nhận lại người chồng lầm lỡ của mình thì đó cũng là một sự trừng phạt ghê gớm lắm rồi. Cái kết này thể hiện đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đó là sự vị tha. "Sự trừng phạt đáng sợ nhất là không trừng phạt gì."- khán giả này chốt lại.

Sau buổi diễn đạo diễn Bùi Như Lai chia sẻ về những khó khăn khi hướng dẫn những diễn viên không chuyên thể hiện được cảm xúc trên sân khấu: " Khó khăn lớn nhất là cách khơi gợi cho họ để họ đưa ra những cảm xúc đang ở trong sâu kín tâm hồn họ. Khó khăn nữa là xuất phát từ chính bản thân gia đình họ, những người chồng người thân của họ không muốn việc xảy ra đáng lẽ ra nên đóng cửa bảo nhau nay lại đem lên sân khấu, kể cho hàng ngàn người biết. Trong một tháng tập luyện cho những phụ nữ đã từng bị bạo hành trong quá khứ, ngày nào tôi cũng lo lắng, bởi hôm nay họ có thể lành lặn đến để tập dượt nhưng biết đâu, ngày mai mặt mày họ lại thâm tím vì bị chồng hành hạ và không thể tham gia. Và chỉ khi vở diễn kết thúc, tôi mới hoàn toàn yên tâm".

Chị Ngô Thị Tình (Gia Lâm, Hà Nội) sau vở diễn đã khóc rất nhiều, chị kể, nhân vật chị thể hiện trên sân khấu chính là cuộc đời chị, chính là những sự đau đớn mà chị đã trải qua bởi người chồng cờ bạc và suốt ngày đánh đập chị. Với chị, những gì thể hiện trên sân khấu chỉ là 50% những gì chị đã trải qua, chị đã phải kìm cảm xúc rất nhiều để người thân của chị (nhất là cha mẹ đẻ của chị) bớt đau khổ, bởi trong quá khứ chị còn đau hơn nhiều. Chị mong chồng chị và tất cả người đàn ông được xem vở kịch ngày hôm nay sẽ rút ra bài học cho mình, đối xử văn minh hơn với người vợ thân yêu của mình.

"Đừng tuyệt vọng , em ơi đừng tuyệt vọng; Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh" những giai điệu trong bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chợt vang và cũng là thông điệp của vở diễn - Hãy cứ yêu đời, hãy chọn cho mình một niềm vui, những bông hoa và những nụ cười. Dù chỉ để gió cuốn đi, để gió cuốn đi. Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng - vì xung quanh ta vẫn còn đồng loại - đồng loại - nơi ấy có những yêu thương vẫn gọi ta về.

Những hình ảnh trong vở "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng":

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/76810/toi-oi--dung-tuyet-vong-.html