Tội phạm sử dụng vũ khí gây án diễn biến phức tạp, cần thiết bổ sung dao vào nhóm vũ khí thô sơ

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về các loại vũ khí để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều ngày 20/05, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật này.

Tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ, súng tự chế, dao gây án đang diễn biến phức tạp

Trình bày Tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong 5 năm, toàn quốc đã phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án, trong đó: Tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao làm công cụ, phương tiện gây án chiếm tỷ lệ rất cao, phát hiện 27.161 vụ, bắt giữ 46.693 đối tượng (chiếm 94,5% tổng số vụ, 92,8% tổng số đối tượng).

Tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. Riêng đối tượng sử dụng dao và phương tiện tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ cao, phát hiện 16.841 vụ, bắt giữ 26.472 đối tượng (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn có tính sát thương rất cao, gây án với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ

Cũng theo Đại tướng Tô Lâm, thực tế điều tra các vụ án cho thấy, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: Giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.

“Do đó, các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế, dao và công cụ, phương tiện tương tự vũ khí thô sơ nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để bảo đảm phù hợp với thực tiễn”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết.

Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này; đồng thời, quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.

Dự thảo Luật cũng bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, nén khí, nén hơi vào nhóm vũ khí quân dụng, trường hợp các loại súng này sử dụng vào mục đích săn bắn thì được xác định là súng săn.

Bổ sung một số hành vi nghiêm cấm liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ

Liên quan đến các hành vi nghiêm cấm, dự thảo Luật sửa đổi cơ bản kế thừa Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017; đồng thời bổ sung một số nội dung nghiêm cấm như: Mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đến nơi công cộng; quảng cáo trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; che giấu, không tố giác, giúp người khác cải tạo, lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ...

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ để quản lý chặt chẽ số vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ...

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về cắt giảm các loại giấy tờ trong hồ sơ thủ tục hành chính về cấp các loại giấy phép đảm bảo cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công...

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Đối với quy định về khai báo vũ khí thô sơ, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành quy định về nội dung này tại Điều 32 của dự thảo Luật nhằm tăng cường quản lý vũ khí thô sơ, tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng các loại vũ khí này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định khai báo vũ khí thô sơ phải bảo đảm linh hoạt và phù hợp với điều kiện phát triển của kinh tế - xã hội, điều kiện sản xuất, lao động, sinh hoạt của người dân.

Ngọc Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/toi-pham-su-dung-vu-khi-gay-an-dien-bien-phuc-tap-can-thiet-bo-sung-dao-vao-nhom-vu-khi-tho-so-179240520180747754.htm