Tội phạm trong lĩnh vực môi trường: Vi phạm nhiều nhưng ít xử lý hình sự

Hàng chục ngàn vụ vi phạm về môi trường xảy ra mỗi năm nhưng không xử lý được hoặc xử lý không triệt để vì Luật Bảo vệ môi trường và BLHS còn quy định chung chung, thiếu chế tài đủ sức răn đe…

Hàng chục ngàn vụ vi phạm về môi trường xảy ra mỗi năm nhưng không xử lý được hoặc xử lý không triệt để vì Luật Bảo vệ môi trường và BLHS còn quy định chung chung, thiếu chế tài đủ sức răn đe… là vấn đề “nóng” được đưa ra tại hội thảo của Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội tổ chức ngày 7/8 vừa qua.

Chỉ khởi tố được 350/25.000 vụ vi phạm

Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), mỗi năm, toàn lực lượng phát hiện gần chục ngàn vụ vi phạm pháp luật về môi trường. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự chỉ dừng lại ở con số hơn trăm, thậm chí có năm chỉ là hàng chục. Cụ thể: Từ năm 2010 đến nay trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 25.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó khởi tố trên 350 vụ với gần 400 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính gần 200 tỷ đồng.

Tội phạm chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản và môi trường, đô thị. Theo thống kê có khoảng 60% lượng nước thải hàng ngày từ các khu, cụm công nghiệp được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận không qua xử lý đã gây ô nhiễm nguồn nước đặc biệt tại các lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy. Khoảng 70% các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp không có hệ thống bảo vệ môi trường, xử lý nước thải hoàn hảo; 30% có hệ thống hoàn hảo nhưng không chắc chắn có thực hiện hay không; 100% làng nghề vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

 Sự cố thủy điện Sông Tranh 2 được cho là do khâu đánh giá tác động môi trường yếu kém

Sự cố thủy điện Sông Tranh 2 được cho là do khâu đánh giá tác động môi trường yếu kém

Tương tự, trong lĩnh vực quản lý và khai thác lâm sản, khoáng sản, động vật hoang dã phát hiện cũng có đến hơn 6.000 vụ vi phạm. Nạn chặt phá rừng, vận chuyển trái phép gỗ, cướp gỗ, chống người thi hành công vụ gây phức tạp tình hình an ninh trật tự ở nhiều địa phương như Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Thuận… Đáng nói là số vụ vi phạm về quản lý động vật hoang dã quý hiếm hàng năm đã được phát hiện và xử lý chưa đạt 50% so với thực tế đã và đang xảy ra. Đặc biệt, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, xuất nhập khẩu và quản lý chất thải nguy hại, vi phạm tại các làng nghề cũng có nhiều diễn biến phức tạp…

Không chỉ có tình trạng vi phạm trong những lĩnh vực này mà việc quản lý chất thải tại khu dân cư là một trong những vấn đề bức xúc hiện nay. Việc đầu tư trang bị vệ sinh môi trường tại các điểm công cộng, khu dân cư còn hạn chế, đặc biệt là các vùng nông thôn nên hiện tượng xả rác bừa bãi, mất vệ sinh công cộng khá phổ biến làm tăng chi phí thu gom, xử lý, phân loại…

Quy trách nhiệm chủ dự án và pháp nhân

Thực tiễn cho thấy, việc xử lý tội phạm môi trường còn hết sức khó khăn, điển hình nhất trong lịch sử về môi trường có lẽ là sự kiện của Công ty Vedan. Theo ước tính, Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải tới 5.000m3/ngày. Và, việc xả thải vô tội vạ này đã diễn ra từ năm 1994, khi Vedan mới bắt đầu hoạt động. Sau nhiều lần thanh kiểm tra, thương thảo, dư luận tốn không ít thời gian, công sức cho vụ việc này, cuối cùng Vedan mới chịu phạt hơn 200 triệu đồng và bị truy thu trên 120 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường. Hành vi nguy hiểm thì đã rõ nhưng cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở xử lý hành chính.

Nhiều ý kiến cho rằng, các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS về tội phạm môi trường hiện nay đang rất thiếu. Các khái niệm cơ bản như “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn…” lại chưa được làm rõ dẫn đến việc khó áp dụng. Hơn nữa, luật quy định chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật hình sự mà chưa quy định đối với pháp nhân là “lỗ hổng” lớn của pháp luật.

Bên cạnh đó, khâu thẩm định và đánh giá tác động môi trường rất quan trọng trong việc ngăn chặn những tác động xấu đến môi trường nhưng hiện nay còn bất cập khiến cho tình trạng vi phạm gia tăng.

TS Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường cho hay, trong thời gian qua, không ít trường hợp chủ dự án đã giao khoán, phó mặc cho tư vấn môi trường thực hiện đánh giá tác động môi trường, trong khi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung đánh giá tác động môi trường thuộc về chủ dự án dẫn đến kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trườngkhông sát với kịch bản đầu tư của dự án.

Vì vậy, trong 5 năm qua, đã có khoảng 100 dự án không được Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN&MT thông qua trong lần đầu thẩm định do địa điểm thực hiện không phù hợp về phương diện môi trường hoặc không có biện pháp thích đáng để phòng ngừa, giảm thiểu các tác động xấu của dự án đối với môi trường như dự án Mở rộng mỏ than Na Dương (Lạng Sơn); dự án lấn biển (Hải Phòng)…

“Luật Bảo vệ môi trường hiện tại mới chỉ quy định chung chung về đánh giá tác động môi trường, do đó đã làm giảm ý nghĩa và hiệu quả của công tác này. Bên cạnh đó, đối tượng phải đăng ký cam kết bảo vệ môi trường trong luật cũng không rõ ràng, thậm chí là không phù hợp nên khó cho công tác thi hành”, ông Dung cho biết.

PGS.TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, trong dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, vẫn giữ quy định hai bước lập đánh giá tác động môi trường với các dự án phức tạp, cần lập báo cáo đầu tư và xin chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Bộ TN&MT cũng đề nghị bỏ quy định hậu thẩm định ĐTM vì trong thời gian vừa qua, chỉ có chưa đến 10% dự án có đánh giá tác động môi trường được hậu thẩm định.

Mai Thoa

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/thoi-su/thoi-cuoc/toi-pham-trong-linh-vuc-moi-truong-vi-pham-nhieu-nhung-it-xu-ly-hinh-su-28034.html