'Tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp về giải pháp tiêu thụ hàng hóa'

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: “Tôi sẽ chất vấn và mong muốn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có giải pháp gì để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa".

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ bắt đầu từ ngày mai (13/6) và kéo dài trong 3 ngày. Ngoài 4 Bộ trưởng đăng đàn trả lời còn có 4 Phó Thủ tướng cùng tham gia trả lời.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ là người đăng đàn đầu tiên trước Quốc hội, cử tri cả nước. Các đại biểu Quốc hội đã nội dung chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành từ ngày mai (13/6). Bên hành lang Quốc hội, phóng viên VOV.VN ghi nhận một số ý kiến đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình).

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình cho biết, nông nghiệp là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và từng nhiều lần chất vấn Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này như vấn đề: “được mùa rớt giá”, kể cả không được mùa cũng rớt giá; an toàn thực phẩm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; tàu vỏ thép hỏng ngư dân phải nằm bờ và chương trình hỗ trợ cho nông dân, ngư dân… nhưng vẫn chưa giải quyết được, mà cũng chưa thấy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận trách nhiệm trong vấn đề này, vì vậy mà chưa thực hiện được hiệu quả.

“Tôi sẽ chất vấn và mong muốn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có giải pháp gì để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, có những đề án quản lý sản xuất không theo tự phát. Mong muốn Bộ trưởng trả lời có tính đột phá và làm thế nào để gắn kết sản xuất hàng hóa với nông thôn mới”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam.

Một số đại biểu khác gửi nhiều câu hỏi đến Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là giải pháp nào để cho người nông dân không bỏ đồng ruộng ra đi, Bộ có trách nhiệm như thế nào khi dự báo thông tin về thị trường chưa sát với thực tế? Bao giờ đề án chuyển giao khoa học công nghệ cao triển khai và thực hiện có hiệu quả?

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho rằng: “Đối với các tỉnh đang thực hiện đề án thì sẽ triển khai theo luật pháp nào và rất mong các Bộ ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ có giải pháp tình thế để chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển giao khoa học công nghệ cao để có cơ sở pháp lý thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất”.

Còn đại biểu Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội lại cho rằng, một mình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp trong một khóa cũng sẽ chưa làm được gì nhiều. Tuy nhiên, ông mong muốn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ đưa ra được quyết sách để làm cho nền nông nghiệp nước nhà phát triển tốt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ- Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh.

“Vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ như thế nào trong nông nghiệp. Cần sửa đổi lại Luật Tài nguyên môi trường trong sử dụng đất, tích tụ ruộng đất cũng được nhiều đại biểu quan tâm nếu không làm được việc này thì không thể ứng dụng được khoa học công nghệ trong sản xuất. Như vậy thì đồng nghĩa với việc năng xuất, chất lượng luôn thấp, giá thành không cao...”, đại biểu Tịnh thẳng thắn nêu vấn đề.

Ông Lê Hồng Tịnh cũng chia sẻ, vấn đề nông nghiệp, nông thôn rất rộng, đòi hỏi nhiều vấn đề cần phải giải quyết và chắc chắn một mình Bộ trưởng không thể giải quyết hết được, nhưng phải có chính sách hết sức cụ thể, phải nhận thấy trách nhiệm của mình.

“Bộ trưởng phải vạch ra đường lối như thế nào, Bộ trưởng phải nhận thấy những nhược điểm trong nông nghiệp để sửa mà trước hết phải nhận thấy trách nhiệm đã thì mới sửa được”, đại biểu Lê Hồng Tịnh nói.

Hầu hết ý kiến của đại biểu Quốc hội mong rằng, những bất cập, hạn chế mà các đại biểu chỉ ra sẽ được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẳng thắn nhận trách nhiệm, cần mạnh tay chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm, các giải pháp trong thời gian tới./.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/toi-se-chat-van-bo-truong-nong-nghiep-ve-giai-phap-tieu-thu-hang-hoa-635020.vov