Tôi tin chính phủ có nhiều kịch bản trù liệu

Theo đại biểu Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa 13, nâng trần bội chi trong điều kiện hiện nay là cần thiết, trong đó cần ưu tiên trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng.

(VnMedia) -

Sáng 25/10, bên lề Quốc hội, phóng viên Báo điện tử VnMedia đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa 13 xung quanh vấn đề dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 - 2014 và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014.

PV: Chính phủ vừa đề xuất nâng trần bội chi ngân sách Nhà nước năm 2013 –2014 từ mức 4,8% lên 5,3%. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Lê Minh Thông: Theo tôi, nâng trần bội chi trong điều kiện hiện nay là cần thiết, mức độ nào thì cần thảo luận thêm, trong đó cần ưu tiên trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng. Phải đầu tư hạ tầng thì mới giải quyết được nguồn lực phát triển.

- Nhưng nâng trần bội chi sẽ ảnh hưởng đến nợ công. Lâu nay, Chính phủ luôn khẳng định nợ công “đang ở mức an toàn”, nếu nâng trần bội chi, thì liệu có còn bảo đảm ngưỡng an toàn nữa hay không?

Điều quan trọng nhất phải có số liệu chính xác về nợ công, bởi hiện nay thông tin về nợ công khác nhau. Giới nghiên cứu, các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng đã đưa ra số liệu rất khác với Chính phủ. Đương nhiên ở đây chúng ta không thể thống nhất con số với nhau, nhưng chí ít phải gần nhau. Vì vậy, chúng ta cần phải biết chính xác nợ công như thế nào, đang ở mức độ nào?. Chứ nói ở ngưỡng an toàn cũng chưa thực sự cụ thể. Đồng thời, cần phải nói rõ hơn, công khai nợ công bao hàm những khoản nợ nào?

Đại biểu Lê Minh Thông: chúng tôi cũng sẽ chú trọng giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực

- Nợ công không nhỏ, trong khi năm nay thu ngân sách dự kiến sẽ không đạt dự toán. Vậy thì làm sao chúng ta có thể trả nợ, thưa ông?

Chính phủ phải xây dựng một số kịch bản để ứng phó với các tình huống. Theo đó, phải có nhiều kịch bản để không bị động, trong mọi hoàn cảnh trù liệu các khả năng xử lý thế nào. Tôi tin Chính phủ sẽ có những kịch bản như thế. Nếu chúng ta chỉ đưa ra một kịch bản thì sẽ rất khó lường trước khi tình huống bất ngờ xảy ra. Trong khi, rõ ràng vài năm gần đây phát triển kinh tế thế giới có nhiều tình huống bất ngờ.

- Kịch bản này có nên bao gồm cả việc thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách không, thưa ông? Làm thế nào để có thể tăng thu ngân sách?

Tôi cho rằng giải pháp căn cơ là thúc đẩy sản xuất, tạo cho doanh nghiệp có lãi, có thu nhập thì họ mới có thể đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Bởi, nguồn thu chính của chúng ta hiện nay là thuế. Mà muốn thúc đẩy sản xuất phải có cơ chế về vốn, thị trường, giải quyết nợ xấu, khoanh nợ cho doanh nghiệp, đặc biệt phải tăng tổng cầu xã hội để kích thích sản xuất.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động chống thất thu thuế, chống các biểu hiện trốn thuế, gian lận thuế, muốn làm được theo tôi phải nâng cao năng lực bộ máy thu thuế, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

- Chúng ta đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, với một trong những trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, cắt giảm đầu tư công. Nhưng thực tế là vẫn còn tình trạng một số địa phương đầu tư xây dựng nhiều dự án mới dẫn đến lãng phí…?

Quốc hội đã có một Nghị quyết về vấn đề này. Theo đó, Chính phủ cũng đã quyết định rà soát, cắt giảm các công trình, dự án, các địa phương cũng phải cắt giảm trên tinh thần cắt giảm, loại bỏ, tạm thời đình chỉ, đình chỉ các dự án không hiệu quả hoặc chưa thích hợp. Nếu địa phương nào vẫn tiếp tục đầu tư mới thì phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, cần phải hiểu đình chỉ, cơ cấu lại các dự án không có nghĩa là chúng ta không làm mới, nếu cần thiết cho dân sinh, sự phát triển thì vẫn phải đầu tư.

Theo tôi, ở đây phải phân biệt rõ, chúng ta chỉ đình chỉ, cắt giảm những công trình dàn trải, chưa thực sự phát huy hiệu quả, tránh nhận thức cứng, “cắt giảm là cắt giảm hết”, cần phải uyển chuyển trong chuyện này.

- Nhưng điều này có thể dẫn đến kẽ hở trong điều hành?

Đương nhiên, trong điều hành có sự phát triển mà chúng ta phải tính đến sự linh hoạt trong phát triển. Đây là tài nghệ, trách nhiệm của người lãnh đạo. Phải xuất phát từ nhu cầu phát triển để xử lý vấn đề đó, chứ không phải lợi dụng kẽ hở để điều hành.

- Vậy theo ông, để giải quyết vấn đề này, nên làm như thế nào?

Phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra. Trong câu chuyện tổ chức thi hành luật, các quyết định, chúng ta còn nhiều vướng mắc. Ở đây, kỷ luật chấp hành chưa nghiêm. Một trong vấn đề đặt ra hiện nay là phải nâng cao kỷ luật chấp hành pháp luật.

Về phía Ủy ban pháp luật Quốc hội, chúng tôi cũng sẽ chú trọng giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực. Bởi, Luật, Nghị định ban hành chỉ có ý nghĩa thực tiễn khi thi hành nghiêm. Nếu chỉ lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lách luật thì rất nguy hiểm.
Xin cảm ơn ông!

Anh Đào

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/kinh-te/tin-tuc/26_1830745/toi_tin_chinh_phu_co_nhieu_kich_ban_tru_lieu.html