Tôm hùm đỏ không được phép nuôi tại Việt Nam

Ngoài tập tính gây hại, tôm hùm đỏ còn không có hiệu quả kinh tế nên không được đưa vào danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Liên quan đến tôm hùm đỏ vừa được phát hiện tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tôm hùm đỏ không được phép nuôi tại Việt Nam.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Như Văn Cẩn về vấn đề này.

PV: Thưa ông, những ngày qua dư luận rất quan tâm đến việc 1 doanh nghiệp thả nuôi tôm không được phép nuôi tại Việt Nam. Đến thời điểm này Vụ nuôi trồng thủy sản đã có những động thái cùng với địa phương xử lý như thế nào về vấn đề này thưa ông?

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT. (Ảnh: Internet)

Ông Như Văn Cẩn: Chúng tôi cũng được biết thông tin này qua báo chí và đã có liên hệ với Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp tìm hiểu vụ việc. Tổng cục Thủy sản đã có văn bản yêu cầu xác minh sự việc và báo cáo giải pháp đã xử lý đối với hiện tượng thả nuôi loài ngoại lai trái phép.

PV: Thưa ông, vì sao giống tôm này không được thả nuôi tại Việt Nam và thông tin cho rằng có thể phá hoại hệ thống thủy nông và một số loại cây trồng như thế nào?

Ông Như Văn Cẩn: Loại tôm hùm nước ngọt này có tập tính ăn tạp, đào hang có thể phá hoại các bờ ruộng và có thể cạnh tranh làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có dự án nghiên cứu khảo nghiệm đánh giá vấn đề này, kết quả cho thấy rằng, ngoài tập tính gây hại của tôm hùm đỏ còn có hiệu quả kinh tế không cao. Chính vì lý do này tôm hùm đỏ không được đưa vào danh mục được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Thêm vào đó, là quy định trong Thông tư Liên tịch số 27 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và môi trường về loại tôm này được xếp vào nhóm loài ngoại lai có khả năng gây hại, vì vậy nó không được sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

PV: Mặc dù không được cho phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nhưng loài này vẫn xuất hiện tại tỉnh Đồng Tháp vừa qua, vậy Tổng cục Thủy sản đưa ra khuyến cáo cũng như giải pháp gì để kiểm soát loài sinh vật ngoại lai này?

Ông Như Văn Cẩn: Tổng cục Thủy sản cũng đã yêu cầu Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp xác minh nguồn gốc, số lượng tôm ngoại lai này, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, sự bền vững của ngành nông nghiệp và môi trường ở Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quy định những loài muốn phát triển và du nhập phải có quá trình khảo nghiệm, đánh giá tác động đối với môi trường sinh thái, cũng như hiệu quả về kinh tế. Nếu đáp ứng những yêu cầu này mới được phép sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, doanh nghiệp và người dân lưu ý thực hiện nghiêm quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tức là chỉ sản xuất kinh doanh những loài, những đối tượng nằm trong danh mục được phép sản xuất kinh doanh.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Minh Long/VOV-Trung tâm Tin Thực hiện

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/tom-hum-do-khong-duoc-phep-nuoi-tai-viet-nam-592476.vov