Tôm hùm sổng lồng - 1 xã mất gần 14 tỷ

* Người đi vớt tôm hùm trúng lớn

Dù chỉ bị “cái đuôi” cơn bão số 9 quật nhẹ nhưng vùng biển xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu (Phú Yên) bị sóng lớn liên tục bủa suốt 2 ngày liền. Hàng ngàn chiếc lồng sắt vỡ toang, tôm hùm đua nhau thoát ra biển. Ông Phạm Văn Tuấn-Phó phòng Kinh tế huyện Sông Cầu (Phú Yên) dang 2 tay như chính mình bị mất của: “Tiêu điều hết rồi, sóng phá toang 134 bè tôm hùm của bà con xã Xuân Phương. Hơn 13,4 tỷ đồng của 220 hộ nuôi tôm hùm đã trôi ra biển”. Người nuôi tôm hùm ở Xuân Phương đang sử lại lồng tôm bị hư hỏng Trận gió Tây Nam quần đảo suốt 2 ngày 28 và 29/9, sóng bẻ gãy các thanh gỗ bè, xô các lồng sắt va đập mạnh vào nhau rách toác các thanh sắt lẫn lưới bọc bên trong, cuối cùng các lồng sắt rơi tòm xuống biển (mỗi lồng nuôi bình quân 60 con tôm), toàn bộ những con tôm hùm nặng trên 5 lạng mỗi con, chuẩn bị xuất bán thoát hết ra ngoài. Những ngày này, mặt biển Vũng La (Xuân Phương) trông buồn tênh, rải rác khắp nơi là những bè tôm bị gió lật nằm chỏng gọng. Những chiếc lồng sắt được vớt lên, mốp méo, xơ xác nằm la liệt dọc bờ, trong sân nhà trông rất thảm hại. Cách đây chừng nửa tháng, mỗi chiếc lồng thế này chứa bên trong đống tài sản gần 40 triệu đồng, giờ chỉ còn là đống sắt gỉ đen. Ông Nguyễn Minh Chỉ- Trưởng thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương không cầm được nước mắt khi kể chuyện mất mát của con trai mình: “Nghe đài báo bão ở tận đẩu tận đâu nên bà con ở đây không có sự chuẩn bị. Khoảng 3 giờ sáng ngày 29/9, gió nổi ầm ào, biển cuồn cuộn sóng, lúc ấy tôi đang ngủ trên bè tôm. Thấy nguy quá tôi lấy kềm cắt chốt những lồng tôm rơi tùm xuống biển nhằm tránh va đập. Vậy mà an toàn, trời ngưng gió vớt lên tôm còn nguyên. Còn bè tôm của thằng con nằm gần ngay đó không có người trông vỡ toác từng cái, lần lượt bứt chốt chìm xuống biển. Nó mới cưới vợ, gom góp đến đồng bạc cuối cùng đầu tư nuôi bè tôm 300 con, chỉ còn 4 tháng nữa sẽ thu gần 300 triệu đồng. Vậy mà khi vớt lên chỉ còn 14 con dính trong lưới. Suốt nửa tháng nay 2 vợ chồng nó cứ nằm khóc vùi”. Một ngư dân buồn bã bên những cái lồng tôm bị hư hại Lâm cảnh tương tự, ông Đoàn Văn Lợi ở Vũng Me, thôn Dân Phú 2 bị trôi mất 200 con tôm hùm thịt và 1.000 con tôm lỡ, mất đứt 220 triệu. Thiệt hại của ông Nguyễn Thế Vân ở thôn Lệ Uyên cũng chẳng kém cạnh vì tôm hùm trong 21 ô lồng của ông phần lớn đã thành tôm thịt có trọng lượng gần 1kg/con. Sóng đã cuốn trôi của ông 200 con tôm thịt, 300 con tôm ương và 600 con cá mú, đi tong 227 triệu đồng. Ông Lê Văn Ngọc- Văn phòng UBND xã Xuân Phương thống kê: “Trong số 134 bè tôm bị trôi hầu hết là của người nuôi ở thôn Dân Phú 2, số còn lại là ở các thôn Phú Mỹ, Trung Trinh và Dân Phú 1. Tổng thiệt hại là hơn 13,4 tỷ đồng”. Trong khi hàng trăm hộ dân nuôi tôm hùm khóc ròng vì mất mát quá lớn thì quanh đó, những người chuyên làm nghề khai thác nhá ghẹ, lưới cước, lưới rớ…lại “vào cầu”. Khi biết tôm hùm sổng ra biển, các tay lưới thôn Dân Phú 1 và thôn Dân Phú 2 liền ùa ra biển thả lưới vây bắt. Tôm nuôi trong lồng đã lâu, hầu hết chúng trở nên lười bơi lội nên khi thoát ra ngoài chỉ quanh quẩn chứ không đi xa. Vả lại chúng đã quen với cá vụn chủ lưới mua về bằm nhỏ, thả vào lưới. Mẻ lưới nào kéo lên cũng thấy tôm hùm đóng dít lưới. Lưới giăng kín 1 vùng mà ai cũng kiếm được hàng trăm triệu sau dăm ba ngày vây bắt tôm sổng. Ông Nguyễn Hoài Linh-Thôn phó thôn Dân Phú 2 cho biết: “Ở thôn Dân Phú 2 có ông Phạm Binh và ông Trần Văn Thương trúng đậm nhất, mỗi ngày đêm vớt được 70 con, mỗi con bán được 600.000đ, vị chi thu nhập 24 triệu đồng”. Chuyện thu nhập từ tôm sổng của ông Mười và ông Sỹ ở thôn Dân Phú 1 nghe còn "khủng” hơn. Mỗi ngày, ông Mười và ông Sỹ mỗi tay lưới kéo được từ 100 đến 110 con tôm hùm cỡ lớn, mỗi người kiếm được khoảng hơn 60 triệu đồng. Quả là chuyện kẻ khóc người cười!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/1/15/15/41531/default.aspx