Tốn nghìn tỷ, kênh Ba Bò vẫn... hôi

'Một đống tiền bỏ ra, kênh Ba Bò vẫn hôi thối. Ngồi đây bàn giải pháp không thấy bức xúc. Có ở dưới đó, hàng ngày chịu đựng mùi hôi mới thấu hiểu cơ cực của người dân', Chủ tịch HĐND TPHCM bức xúc trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM, chiều 4/7.

Ảnh minh họa: Internet

Vô cảm, thiếu trách nhiệm…

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề: Hơn 10 năm trước, dự án cải tạo kênh Ba Bò khởi động, người dân rất vui mừng nhưng đến nay con kênh vẫn còn hôi thối. Vì sao đầu tư cả nghìn tỷ đồng vẫn không giải quyết được mùi hôi? “Lãnh đạo các sở ban ngành chức năng giải thích nguyên nhân kênh Ba Bò vẫn còn mùi hôi là do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn xả thải. Trả lời như vậy là vô cảm. Tiền đầu tư là tiền thuế của dân, đổ cho Bình Dương là thiếu trách nhiệm. Vì sao không phối hợp?”, bà Trâm thắc mắc.

Đại biểu Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (nguyên Bí thư quận Thủ Đức), cho biết tổ đại biểu quận Thủ Đức đã nhiều lần có ý kiến về dự án, “Kỳ họp trước lãnh đạo trung tâm chống ngập trả lời đến cuối năm 2016 hoàn thành nhưng hiện nay chưa xong. Mong lãnh đạo thành phố quan tâm đôn đốc”, ông Nhân kiến nghị.

Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT), cho biết kênh Ba Bò tiếp nhận nước thải từ tỉnh Bình Dương, cụ thể là từ các khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Bình An và phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức). Các ngành chức năng và UBND hai địa phương đã làm việc nhiều lần, ký kết liên tịch về xử lý nước thải ra kênh Ba Bò. Hiện, KCN Sóng Thần 1, 2 đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Kênh Ba Bò còn ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư thuộc hai thị xã Thuận An, Dĩ An (Bình Dương).

Đại diện trung tâm chống ngập cho biết, dự án kênh Ba Bò chống ngập, xử lý ô nhiễm cho khu vực có tổng diện tích trên 1.600 ha, trong đó 140 ha thuộc địa bàn TPHCM. “Dự án có 7 gói thầu, 2 gói đã đưa vào khai thác, 2 gói đã thi công xây lắp xong, chỉ còn lại ba gói thầu xây lắp đã thực hiện được 97%, dự kiến hoàn thành trong tháng này. Việc chậm tiến độ là do chủ đầu tư phải điều chỉnh dự án, thiết kế kỹ thuật, đến cuối năm 2016 mới được UBND TPHCM phê duyệt”, ông này cho biết.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý: Dự án kênh Ba Bò rất tốn kém, thời gian làm rất dài. Người dân tin tưởng hỗ trợ chính quyền giải phóng mặt bằng nhưng đến giờ làm xong rồi vẫn chưa đạt mục tiêu.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lên tiếng: “Tôi yêu cầu ngày mai giám đốc Sở TNMT, Trung tâm chống ngập phải trả lời trước HĐND TPHCM. Tôi phê bình các giám đốc họp HĐND mà chỉ cử chuyên viên không đủ thẩm quyền đi dự. Họp HĐND, giám đốc sở phải có mặt”.

Quản lý vỉa hè: Có bảo kê, chống lưng?

Trong phiên khai mạc buổi sáng cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu cho biết, người dân rất đồng tình chủ trương lập lại trật tự lòng đường vỉa hè. Tuy nhiên, cách làm trong thời gian qua chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết, dẫn đến người kinh doanh ở vỉa hè thăm dò cách làm của chính quyền địa phương để tiếp tục trụ lại buôn bán, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. “Một số cơ quan chức năng chưa thực hiện hết trách nhiệm kiểm tra, giám sát, sự phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ, nhất là địa bàn giáp ranh. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa nghiêm. Dư luận nghi ngờ có tình trạng bảo kê, chống lưng, hoặc lợi ích nhóm”, bà Tô Thị Bích Châu cho biết.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị chính quyền các cấp rà soát cụ thể các tuyến đường, vỉa hè, có tham khảo ý kiến người dân tại chỗ để quyết định kẻ vạch sơn phù hợp. Cần xem các vạch sơn đã kẻ là chuẩn mực, kỷ cương quản lý xã hội của chính quyền.

Bà Tô Thị Bích Châu cho biết cử tri TPHCM đề nghị thanh tra toàn diện công tác quản lý và sử dụng đất quốc phòng hiện nay, chấm dứt tình trạng sử dụng đất quốc phòng cho thuê mướn làm dịch vụ, đồng thời kiến nghị lãnh đạo TPHCM chủ động tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ giải pháp sử dụng đất khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sao cho hiệu quả, giải quyết tình trạng quá tải sân bay và ùn tắc giao thông.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, phụ nữ cần sinh đủ hai con để đảm bảo cơ cấu dân số và tránh tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai. Hiện nay, mức sinh bình quân của phụ nữ TPHCM là 1,46 con, thấp nhất cả nước.

Ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra những năm 1960, ở miền Bắc mỗi phụ nữ có 6 con, đến năm 1980 giảm còn 3 con và từ năm 2005 bình quân mỗi gia đình có 2 con. Rất ít quốc gia làm được như Việt Nam duy trì mức sinh 2 con trong 10 năm liền. Tuy nhiên, gần đây, mức sinh đang có xu hướng giảm dần, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai như Hàn Quốc, Nhật, Singapore…

Huy Thịnh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ton-nghin-ty-kenh-ba-bo-van-hoi-1164349.tpo