Tổn thương tinh hoàn vì xe đạp

PNO - Đạp xe là thú tiêu khiển lý tưởng, là môn thể thao đàn ông và phụ nữ ở mọi lứa tuổi có thể tham gia. Hơn thế, nó còn giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp, sức khỏe tim mạch và duy trì thể hình.

Tuy nhiên, nếu bạn là nam giới và đạp xe thường xuyên với quãng đường dài, lâu ngày có thể gây đau tinh hoàn và cách tập luyện này sẽ có hại cho bạn nếu không đạp xe đúng cách. Nguyên nhân gây tổn thương tinh hoàn do đi xe đạp thường do phần yên xe không được thiết kế hợp lý.

Nói chung, đau tinh hoàn dễ phát hiện. Trường hợp tổn thương có liên quan đến xe đạp, tinh hoàn có thể có màu đỏ hoặc sưng phồng. Nếu nhiệt độ của tinh hoàn ấm hơn bình thường, có thể do nhiễm trùng gây ra hoặc đạp xe quá nhiều. Trường hợp này, cần đến bác sĩ ngay nếu tinh hoàn bị mềm khi bạn chạm nhẹ vào chúng và cảm thấy ấm hơn bình thường.

Ảnh: Internet

Về mặt giải phẫu học: Yên xe đạp có hình dáng phần sau rộng và hẹp ở phần trước, thường gọi là “mũi hếch”. Khi ngồi trên yên xe, mũi yên có thể gây áp lực và làm tổn thương cho các tinh hoàn và khu vực xung quanh. Tuy nhiên, trong hầu hết những trường hợp đau kinh niên trước khi tổn thương xảy ra, đó là dấu hiệu cảnh báo bạn phải thay đổi cách ngồi trên xe đạp.

Ảnh: Internet

Về mặt thần kinh: Thần kinh có liên quan đến bất kỳ tổn thương nào về dây thần kinh trong cơ thể. Dây thần kinh bộ phận sinh dục ở giữa hậu môn và cơ quan sinh dục chịu trách nhiệm gửi thông tin, gồm những dấu hiệu cảnh báo cơn đau, đến tinh hoàn và khu vực xung quanh. Nếu yên xe đạp của bạn gây áp lực lên dây thần kinh quan trọng này, có thể gây đau các tinh hoàn và báo hiệu tinh hoàn của bạn bị tổn thương. Cơn đau xuất phát từ thần kinh đặc biệt được cảnh báo khi ngồi hoặc cũng có thể xuất hiện kèm theo tình trạng tê cóng ở vùng sinh dục.

Ảnh: Internet

Giải pháp phòng ngừa

Cách đề phòng tốt nhất để tránh tổn thương tinh hoàn do đi xe đạp, là hãy chọn yên xe có thiết kế đúng. Phần sau rộng của yên xe có nghĩa là nó được tiếp xúc trực tiếp với các đốt xương háng, những phần cứng của xương khiến bạn có thể cảm nhận khi ngồi xuống yên xe. Nếu yên xe quá hẹp, các đốt xương này sẽ bị trượt ra ngoài, ép vào vị trí giữa của yên và mũi dây thần kinh vùng kín và các tinh hoàn. Một yên xe đạp hợp lý sẽ giảm bớt áp lực từ cả hai vị trí này. Bạn cũng có thể chọn yên xe có phần mũi hếch ngắn hoặc được thiết kế có những đường rãnh bên dưới ở giữa yên xe để giảm bớt áp lực cho dây thần kinh bộ phận sinh dục.

Ảnh: Internet

Ngoài ra, bạn có thể chọn yên xe có miếng đệm. Bạn cũng có thể thay thế toàn bộ yên xe hoặc đơn giản chỉ lót thêm miếng đệm của yên xe. Một số người sử dụng luân phiên yên xe đạp có miếng đệm ngắn để đề phòng tinh hoàn bị kích thích.

Cách chữa trị

Điều trị tổn thương tinh hoàn do đạp xe nên bắt đầu bằng cách nghỉ ngơi và làm lạnh vùng tổn thương để giảm bớt sưng phồng. Nếu cứ tiếp tục đạp xe, tình trạng càng trầm trọng hơn. Bạn cần tránh ngồi lên những mặt phẳng cứng hoặc những vị trí có thể gây đau hoặc bị tê cóng nhiều hơn. Nếu bạn đang bị đau tinh hoàn có liên quan đến đi xe đạp, cần nghỉ ngơi vài ngày và có thể đắp một miếng vải đã làm lạnh lên chỗ bị sưng. Nếu cơn đau vẫn không dứt sau vài ngày, cần đến gặp bác sĩ để có giải pháp điều trị thích hợp. Nếu đau tinh hoàn do té ngã, cần theo dõi tinh hoàn trong vài ngày.

Ảnh: Internet

Nếu đau tinh hoàn do áp lực va chạm, bạn có thể đạp xe bình thường trở lại từ 1 đến 3 ngày. Tuy nhiên, nếu đau tinh hoàn từ áp lực va chạm do xe đạp mới hoặc vào xà ngang của xe, cần ngưng từ 1 đến 3 tuần lễ để điều trị. Nếu bạn cảm thấy tinh hoàn sưng lên, đừng nghĩ rằng do té ngã. Thực tế, hầu hết những khối u ở tinh hoàn được phát hiện do một số nguyên nhân khác. Vì thế, bất kỳ khối u nào cũng cần được bác sĩ khám để có giải pháp điều trị thích hợp.

Nhận thức sai lầm: Nhiều người tránh đi xe đạp do nghĩ rằng nó có nguy cơ gây vô sinh và bất lực do cứng tinh hoàn. Trong khi đau tinh hoàn do đạp xe, với họ là mối quan tâm chính. Tuy nhiên, sự việc không đến nỗi nghiêm trọng nếu bạn chỉ bị kích ứng nhẹ. Đạp xe không phải là nguyên nhân gây vô sinh. Tuy vậy, những cơn đau dai dẳng có thể là dấu hiệu của tổn thương tinh hoàn, vì thế tốt nhất hãy điều chỉnh yên xe và thói quen bảo vệ tinh hoàn của bạn.

Thùy Tiên (theo livestrong & ehow.com)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/suckhoe-dinhduong/2011/Pages/ton-thuong-tinh-hoan-vi-xe-dap.aspx