Tôn vinh giá trị cảnh quan khu vực hồ Hoàn Kiếm

Hồ Gươm - "lẵng hoa" đẹp giữa lòng Hà Nội.

Một không gian văn hóa mới

Phương án tổ chức các tuyến phố đi bộ chung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm do Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) thực hiện.

Lãnh đạo Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho biết: Phương án tổ chức các tuyến phố Đồng Xuân - Hàng Ngang - Hàng Đào, Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Tràng Tiền (đoạn từ Hàng Bài đến Nguyễn Xí), Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch, Lê Lai thành các phố đi bộ, xây dựng trên cơ sở đồng thuận cao của người dân. Viện đã tiến hành điều tra xã hội học đối với 5.890 hộ dân sinh sống ở 44 tuyến phố thuộc mười phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Kết quả thật đáng mừng. Phần lớn số hộ được hỏi ý kiến đều đồng tình, ủng hộ phương án tổ chức tuyến phố đi bộ.

Trên nguyên tắc phương án tổ chức tuyến phố đi bộ phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch đô thị, bảo tồn di sản và phát triển du lịch, thương mại, Viện đề xuất tổ chức các tuyến phố đi bộ từ 6 giờ sáng thứ bảy đến 23 giờ chủ nhật hằng tuần và các dịp lễ, hội. Trong thời gian tổ chức phố đi bộ, chỉ có xe ô-tô điện được phép hoạt động trong khu vực này, đáp ứng nhu cầu di chuyển của khách du lịch, giữ gìn môi trường trong lành. Các xe xử lý sự cố, xe thu dọn vệ sinh, xe thư báo... sẽ được cấp phù hiệu để ra, vào khu vực này. Tốc độ lưu thông của các phương tiện được quy định là dưới 15 km/giờ và phải theo sự hướng dẫn của người điều khiển giao thông. Các phương tiện giao thông khác không được hoạt động trong khoảng thời gian này.

Xe ô-tô điện được phép sử dụng điểm trung chuyển xe buýt trước cửa trung tâm thương mại phố Đinh Tiên Hoàng để đón, trả khách. Đối với các tuyến phố có điểm giao cắt với phố đi bộ sẽ lắp đặt đèn tín hiệu điều khiển giao thông, bảo đảm an toàn cho người đi bộ. 925 hộ dân sống tại các phố đi bộ được cấp phù hiệu để gửi xe miễn phí tại các bãi trông giữ trong thời gian cấm xe. Hơn mười điểm trông giữ xe máy với tổng diện tích gần 5.700 m2, đáp ứng 2.000 phương tiện của các hộ dân và một phần nhu cầu của khách tham quan, được bố trí ở những vị trí hợp lý, bảo đảm cho người dân không phải đi bộ quá xa. Vào các ngày lễ, Tết hay khi tổ chức các sự kiện lớn, lượng phương tiện tăng đột biến, các ngành chức năng sẽ lập thêm các điểm trông giữ xe tại các tuyến phố lân cận... Phương án nói trên bảo đảm sinh hoạt của người dân trong khu vực không bị ảnh hưởng đáng kể, còn nhân dân Thủ đô và khách du lịch có thêm một không gian đi bộ thoáng đãng, giàu giá trị lịch sử - văn hóa ở trung tâm thành phố, từ đó góp phần phát triển kinh tế, du lịch Thủ đô.

Quản lý ra sao?

Bên cạnh phương án tổ chức giao thông, việc tổ chức không gian tuyến phố như thế nào cũng là điều kiện quan trọng, góp phần làm nên thành công của phố đi bộ. Có nhiều người băn khoăn rằng, với tuyến Hàng Ngang - Hàng Đào - Đồng Xuân, phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ là phù hợp. Nhưng với các tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm, nếu đặt nặng vấn đề thương mại, sắp xếp quá nhiều các loại hình dịch vụ, ăn uống dễ dẫn đến nguy cơ làm xấu cảnh quan không gian, làm hỏng không khí trong lành, bình yên vốn có tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, nếu chỉ tổ chức đi bộ đơn thuần, mà không tổ chức các hoạt động dịch vụ, ẩm thực, văn hóa, thương mại thì sẽ không phát huy được ưu thế, không thu hút được khách tham quan, du lịch...

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoa, không gian tuyến phố đi bộ cần được tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực ở mức độ phù hợp nhằm tạo sự phong phú hấp dẫn du khách. Thí dụ như trên các tuyến phố cần tổ chức các điểm biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống, giới thiệu nghề thủ công truyền thống, các điểm di tích văn hóa - lịch sử cần mở cửa muộn hơn... vì đây sẽ là những điểm nhấn ấn tượng để thu hút khách tham quan. Bên cạnh đó, cần phải nghiên cứu, thiết kế các tiểu cảnh, trang trí bằng hoa, cây cảnh, đèn chiếu sáng... làm cho cảnh quan thêm đẹp, thêm hấp dẫn.

Các tuyến phố chung quanh hồ Hoàn Kiếm dự định tổ chức thành phố đi bộ nhìn chung đều có hạ tầng kỹ thuật đô thị tương đối tốt. Tuy nhiên việc tổ chức, quản lý công tác vệ sinh, thu gom rác thải làm sao để đáp ứng nhu cầu của số lượng lớn khách du lịch, bảo đảm khu vực luôn sạch, đẹp là vấn đề rất đáng suy nghĩ. Công tác bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực, an toàn cho nhân dân và du khách, chấn chỉnh văn minh thương mại... đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành có liên quan. Nhất là không để phát sinh các bãi trông giữ xe tự phát thu phí sai quy định, gây bức xúc cho người dân và khách du lịch... Mặc dù quận Hoàn Kiếm đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này qua các đợt tổ chức các sự kiện chính trị-văn hóa lớn, gần đây nhất là dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tuy nhiên, việc bố trí lực lượng để đảm nhận nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài đòi hỏi một sự nỗ lực bền bỉ và tinh thần trách nhiệm cao.

Tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, nếu được tổ chức thành công, sẽ góp phần tôn vinh giá trị cảnh quan không gian vàng giữa lòng Thủ đô, tạo cho người dân Thủ đô và khách du lịch một địa điểm sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng. Người dân Thủ đô hy vọng đề án với những ý tưởng khả thi này sớm được triển khai.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/tranghanoi/dethudotadanghoanghon/ton-vinh-gia-tr-c-nh-quan-khu-v-c-h-hoan-ki-m-1.321203