Tổng bí thư: Không phải cán bộ cứ có “mác” về địa phương là được lên chức

(NLĐO)- Sáng 6-10, trả lời ý kiến về việc cán bộ trung ương về địa phương chưa “ấm chỗ” đã rút về trong cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định không phải ai có “mác” về địa phương cũng được đề bạt.

Tổng bí thư phát bỉeu trong buổi tiếp xúc cử tri

Sáng 6-10 tại quận Tây Hồ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Trong số nhiều ý kiến phản ánh của cử tri được nêu lên trong buổi tiếp xúc, cử tri Đặng Tài Tính (phường Cống Vị) kiến nghị: “Về công tác quản lý cán bộ, cần xem lại vấn đề bố trí, sắp xếp và quản lý cán bộ từ trung ương đến địa phương. Có nơi vừa làm cán bộ ở địa phương chưa được bao lâu thì đã lên trung ương và cán bộ từ trung ương đưa về địa phương để thay thế, song chưa “ấm chỗ” thì rút về trung ương. Chỉ đưa về 2 năm để có thực tế thì quá ngắn, làm đảo lộn công tác cán bộ ở địa phương, thời gian đó chưa đủ trải nghiệm”.

Cử tri Nguyễn Hồng Toán (Chủ tịch hội luật gia phường Tây Hồ) dẫn ra một số vụ án tham nhũng trong thời gian qua và yêu cầu làm rõ vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong các vụ án có “dính líu” đến ngành ngân hàng.

Cử tri Trần Thị Oanh (phường Giảng Võ) cho rằng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, việc thu hồi tài sản tham nhũng mới đạt hơn 10%, đề nghị Quốc hội quan tâm và sớm có trả lời để dân bớt bức xúc.

Tổng bí thư bắt tay các cử tri

Nói về vấn đề cán bộ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn: Bố trí cán bộ là vấn đề gốc, công việc gốc của Đảng nên Đảng ta coi trọng công tác cán bộ. Đào tạo cán bộ nhân lực nói chung, lao dộng có trình độ chất lượng cao đặc biệt là cán bộ quản lý được chú trọng.

“Về địa phương phải có quy định, tối thiểu 3 năm chứ không phải đi về đề bạt lên đâu, đây là kế hoạch có thử thách. Cá biệt có trường hợp nào đó, phải rút về trước thời hạn, nhưng đã đi phải ít nhất 3 năm. Không phải cốt xuống có cái “mác” về để được đề bạt đâu” - Tổng bí thư nêu rõ.

Về việc phòng chống tham nhũng được một số cử tri đề cập, Tổng bí thư nhấn mạnh: “Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là chống lãng phí, tiêu cực tham nhũng. Không ai bật đèn xanh cho tham nhũng, lãng phí cả. Nhưng nó rất phức tạp, phải kiên trì, phải làm đến mức không ai dám tham nhũng, không muốn tham nhũng. Việc kê khai tài sản là một việc, nhưng hình như nó hình thức, lại có chuyện cá nhân được quyền bí mật về tài sản, công khai ở mức nào luật quy định hết cả. Việc kiên quyết đấu tranh phát hiện, xử lý muốn nhanh nhưng lại bao công đoạn, bao mối quan hệ trong một vụ án, không làmh cẩn thận lại oan sai”.

Tổng bí thư lắng nghe ý kiến của cử tri quận Tây Hồ

Tổng bí thư cho rằng việc kê khai tài sản cũng là một biện pháp để phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc này cũng phải xem xét trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là liên quan đến Hiến pháp về quyền sở hữu tài sản, quyền bí mật thông tin cá nhân.

Tổng bí thư cho biết thêm kỳ họp thứ 8 là kỳ họp rất “nặng” vì phải nhìn lại chương trình kinh tế- xã hội của cả năm rồi báo cáo của các ngành; dồn lại nhiều luật Quốc hội xem xét thông qua hoặc cho ý kiến lần đầu.

“Trong 40 ngày, chương trình thông qua 17 Luật, 3 Nghị quyết, đồng thời cho ý kiến 12 dự án luật khác mà toàn những luật khó, quan trọng ví dụ Luật tổ chức Quốc hội, luật tổ chức Chính phủ, luật tổ chức chính quyền địa phương… Đồng thời gửi 33 báo cáo khác để Đại biểu Quốc hội đọc” - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tong-bi-thu-khong-phai-can-bo-cu-co-mac-ve-dia-phuong-la-duoc-len-chuc-20141006111853898.htm