Tổng bí thư nói về hai chữ 'Làm xiếc'

Trích bài 'Làm xiếc' trong sách 'Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh'.

Xiếc là một môn nghệ thuật chân chính đầy hứng thú và hấp dẫn. Nó cuốn hút người xem bởi những tiết mục rất điêu luyện và tài hoa. Người xem xiếc nhiều khi bị chinh phục và mê mẩn bởi những trò tung hứng đến rối mắt, nhào lộn đến chóng mặt, uốn dẻo cực kỳ tinh vi và khéo léo. Trong tiếng nhạc xập xình lúc trầm lúc bổng, lúc dồn thúc, dưới ánh sáng xanh, đỏ, vàng, tím, huyền ảo, lung linh, người xem càng cảm thấy như bị thôi miên đến mức khó mà phân biệt được đâu là thật đâu là giả; tất cả đều như ảo thuật. Nhiều người chỉ còn biết gật đầu tán thưởng hoặc vỗ đùi đen đét mà reo lên: “Thế thì 'thánh' thật! Giỏi đến thế là cùng!”.

Có lẽ vì thế mà nói đến xiếc, nhiều người nghĩ ngay đến ảo thuật hoặc một cái gì giống như ảo thuật.

Gần đây, trong dư luận xã hội ta, từ “làm xiếc” được dùng để ám chỉ và phê phán những việc làm có tính xảo thuật và mánh khóe vì lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ của một số người, một số cơ quan, đơn vị. Và cách dùng từ như vậy phải nói là rất “đắt”.

Ta cứ điểm qua một số việc mà xem. Có những xí nghiệp quốc doanh, những hợp tác xã, những công ty... “làm xiếc” ngay từ khâu lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Biết được sự kém cỏi hoặc quan liêu của một số cán bộ có trách nhiệm ở cấp trên, họ dựng lên những tình hình giả, đưa ra những số liệu giả để “úm” cấp trên, làm kế hoạch một cách gian lận. Năng lực sản xuất của xí nghiệp họ, đơn vị họ đáng là một trăm thì họ khai báo độ bảy, tám chục; chi phí sản xuất, mức hao phí nguyên liệu, vật tư đáng là bảy tám chục, họ vẽ thành con số hàng trăm.

Để làm gì? Để được nhận nhiều tiền vốn, nguyên liệu, vật tư do Nhà nước cấp nhưng chỉ phải giao nộp cho Nhà nước một số sản phẩm không tương xứng. Số tiền vốn, nguyên liệu, vật tư chênh lệch họ sẽ “xàng xê”, đem chi dùng vào những việc phục vụ cho lợi ích cục bộ của xí nghiệp họ, đơn vị họ.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch, không ít cơ sở núp dưới chiêu bài “sáng tạo”, “linh hoạt”, tìm mọi thứ phù phép, làm đủ trò “ảo thuật” để chuyển đổi, bớt xén hàng hóa, vật tư của Nhà nước, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước. Về mặt này, phải công nhận rằng có một số đơn vị đạt đến trình độ “bậc thầy”.

Họ lấy khoản này đập vào khoản nọ, dùng cái này bù vào cái khác, thứ này đặt trong sổ sách, thứ nọ để ở “quỹ đen”; họ lập ra hóa đơn giả, chứng từ giả, chi dùng tiền vốn, vật tư một cách vô tội vạ. Họ “xé rào” không phải để sáng tạo ra một phương thức làm ăn mới, vượt qua những gò bó của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, mà là vì những lợi ích cục bộ, địa phương, vì tư lợi; họ chạy theo đồng tiền, bất chấp những chính sách, chế độ đúng đắn mà mọi người cần phải thực hiện nghiêm chỉnh.

Có những xí nghiệp quốc doanh cứ khoảng tháng 9, tháng 10, xem chừng khó hoàn thành được kế hoạch cả năm thì bắt đầu vò đầu gãi tai trước cấp trên, nêu ra đủ thứ khó khăn để xin được “điều chỉnh kế hoạch”. Thế rồi với kế hoạch mới đã được điều chỉnh (tất nhiên là thấp hơn so với khả năng thực tế), cuối năm đơn vị họ cũng “hoàn thành vượt mức” kế hoạch, cũng nhận đủ các khoản tiền thưởng như các đơn vị làm ăn chân chính khác. Nếu anh nào “làm xiếc” giỏi, có phép thuật tính toán 2x2=5 (!) thì phần thưởng mà họ lĩnh sẽ còn hời hơn nữa.

Có những hợp tác xã và tổ sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp chỉ còn cái vỏ là tập thể chứ thực chất là kinh doanh, hành nghề theo kiểu tư nhân, tư nhân một trăm phần trăm. Ở đó, chủ nhiệm hợp tác xã hoặc tổ trưởng tổ hợp tác thực chất chỉ là một anh “cai đầu dài” đứng ra làm môi giới, ký hợp đồng với nơi này nơi nọ rồi thuê mướn nhân công, kinh doanh hốt lãi. Chính do cách làm ăn gian dối đó của một số người mà trong xã hội ta đang có tình trạng về danh nghĩa thì không ít xí nghiệp, hợp tác xã hoàn thành kế hoạch nhưng Nhà nước vẫn chẳng có thêm được bao nhiêu sản phẩm để trang trải cho các nhu cầu của xã hội.

Đó là chưa kể trong số các sản phẩm làm ra có nhiều cái không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, thậm chí chất lượng rất tồi. Nhưng vì đã ăn cánh được với cán bộ OTK, người ta vẫn xếp được nó vào kho chính phẩm; nó vẫn được đưa ra thị trường, vào tay người tiêu dùng, hậu quả thế nào người ta không cần biết.

Ngay những hàng giao nộp cho Nhà nước có phải thứ nào cũng bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng đâu! Lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, những kẻ làm ăn láu cá, láu tôm đánh tráo hàng chính phẩm thành hàng “thứ phẩm” để giữ lại “phân phối nội bộ”, còn hàng thứ phẩm thì xếp vào loại “chính phẩm” để giao nộp cho Nhà nước.

Trong sản xuất đã thấy có nhiều trò “xiếc”, sang lĩnh vực phân phối lưu thông càng thấy người ta “làm xiếc” nhiều hơn. Có tiền, có hàng trong tay, một số người trong ngành thương nghiệp quốc doanh vừa cửa quyền, bắt bí người tiêu dùng, gây khó khăn, phiền phức cho người tiêu dùng, vừa giở các mánh khóe, thủ đoạn để xoay sở, kiếm chác.

Những “tiết mục” quen thuộc, thông thường như quay vòng tem phiếu, cân đong đo đếm gian lận, bớt xén tiêu chuẩn của khách hàng, ăn cắp hàng của Nhà nước rồi pha chế lại để giữ đúng định lượng... được các “diễn viên xiếc” của ngành thương nghiệp quốc doanh diễn đi diễn lại mãi. Lắm lúc khách hàng không chịu được đã phải lên tiếng đấu tranh nhưng các “diễn viên” vẫn không “đóng màn” lại. Tệ hơn nữa, họ thông đồng, móc ngoặc với “con phe”, tuồn hàng của Nhà nước cho “con phe” bán, rồi nhận hàng xấu, hàng giả của “con phe” vào bán trong cửa hàng; hàng tốt thì bán cho tư thương hoặc giữ lại để “bán nội bộ”, hàng xấu thì đưa lên thành “hàng tốt” để nâng giá bán kiếm lời.

Chẳng đã có chuyện dao kéo dùng vào việc mổ xẻ của y tế cũng được mang “phân phối nội bộ” đó sao? Chẳng đã có khối người không mua được hàng của Nhà nước ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh nhưng lại mua được ở chính ngay nhà của nhân viên cửa hàng hoặc “đồng cốt” của nhân viên cửa hàng đó sao?

Điều rất đáng suy nghĩ là những hiện tượng đó đang lây lan sang cả những ngành vốn là mô phạm và nhân hậu được xã hội rất tin cậy, kính trọng như ngành y, ngành giáo dục. Bệnh nhân cần thuốc kháng sinh chữa bệnh cấp tính hiểm nghèo ư? Bệnh viện không có. Nhưng nếu đến nhà riêng bác sĩ này, cô dược tá nọ thì thế nào cũng có, muốn mua bao nhiêu cũng được, chỉ có điều phải mua với giá đắt mà thôi. Thật là mỉa mai và đau xót!

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-bi-thu-noi-ve-hai-chu-lam-xiec-post1400967.html