Tổng cục Dự trữ Nhà nước giải thích việc đấu thầu phao áo cứu sinh

Trước một số ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về kết quả trúng thầu mua 301.200 chiếc phao áo cứu sinh nhập kho dự trữ quốc gia (DTQG), đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho rằng quá trình đấu thầu đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật và tiết kiệm cho ngân sách hàng tỷ đồng.

Minh bạch, tuân thủ pháp luật về đấu thầu

Trao đổi với PV, ông Dương Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng, Tổng cục DTNN cho biết, năm 2016, thực hiện chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao mua 301.200 chiếc phao áo cứu sinh để nhập kho DTQG, Tổng cục DTNN tổ chức đấu thầu rộng rãi (3 gói thầu), theo phương thức một giai đoạn, 2 túi hồ sơ (Hồ sơ đề xuất kỹ thuật và Hồ sơ đề xuất tài chính), theo quy định của Luật Đấu thầu. Quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu được thực hiện rất chặt chẽ: Đăng tải thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và thông báo mời thầu công khai trên hệ thống mạng Đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu (Bộ KH&ĐT), Trang thông tin điện tử Bộ Tài chính, Trang thông tin điện tử của Tổng cục DTNN theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014.

Trong quá trình phát hành hồ sơ mời thầu, một số nhà thầu đã có văn bản đề nghị làm rõ một số nội dung của hồ sơ mời thầu, trong đó tập trung vào các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm; không có nhà thầu nào đề nghị làm rõ về tiêu chuẩn kỹ thuật. Tiêu chuẩn kỹ thuật phao áo cứu sinh DTQG nêu trong hồ sơ mời thầu được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Thông tư 131/2012/TT-BTC ngày 13/8/2012 của Bộ Tài chính (QCVN 07: 2012/BTC).

“Trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, Tổng cục DTNN đã có văn bản đề nghị các nhà thầu làm rõ hồ sơ dự thầu. Sau khi các nhà thầu đã có văn bản làm rõ hồ sơ dự thầu, Tổng cục DTNN đã thực hiện việc đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định, phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu và yêu cầu của hồ sơ mời thầu”, ông Minh nói.

Ngày 26/10/2016, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định 848/QĐ-TCDT về việc phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với 03 gói thầu mua tổng số 301.200 chiếc phao áo cứu sinh DTQG. Tổng cục DTNN đã thông báo công khai cho tất cả các nhà thầu tham dự đấu thầu về danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của Hồ sơ mời thầu và tổ chức mở Hồ sơ đề xuất tài chính, vào 9h ngày 1/11/2016.

Đến trước thời điểm mở hồ sơ đề xuất tài chính, không có nhà thầu nào có văn bản kiến nghị về kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật và quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với 3 gói thầu mua tổng số 301.200 chiếc phao áo cứu sinh DTQG.

Trên cơ sở kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính, Tổng cục DTNN đã mời nhà thầu xếp hạng thứ nhất (đồng thời là nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất) đến thương thảo hợp đồng.

Căn cứ báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính, kết quả thương thảo hợp đồng và báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu của bộ phận thẩm định, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định 1036/QĐ-TCDT ngày 30/12/2016 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 3 gói thầu. Theo đó, CTCP Dệt may Nam Việt, trúng thầu cả 3 gói mua 301.200 chiếc phao áo cứu sinh.

Ngày 03/01/2017, Tổng cục DTNN đã có Công văn 02/TCDT-QLHDT báo cáo Bộ Tài chính, trong đó nêu rõ: Quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu của Tổng cục DTNN bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật về đấu thầu, bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch và khách quan. Kết quả đấu thầu 3 gói thầu mua 301.200 chiếc phao áo cứu sinh: giá trúng thầu thấp hơn giá gói thầu 17,5 tỷ đồng (tiết kiệm 17,5 tỷ đồng).

Tiêu chuẩn kỹ thuật không mới

Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc kiểm tra các tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm tra chất lượng đối với phao áo cứu sinh, cho rằng các tiêu chuẩn, cách thức thực hiện “mới lạ” gây bất ngờ cho nhà thầu. Phản hồi nội dung này, ông Minh cho biết, việc đấu thầu phao áo cứu sinh năm 2013 và năm 2016 đều thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật của kiểu phao áo số 02, được quy định tại Thông tư 131/2012/TT-BTC ngày 13/8/2012 của Bộ Tài chính (QCVN 07: 2012/BTC).

Lý giải vì sao hồ sơ mời thầu năm 2016 không yêu cầu nhà thầu phải gửi phiếu kết quả kiểm tra và mẫu vải, mẫu ruột xốp kèm theo khi nhà thầu tham gia dự thầu như trước đây, ông Minh cho biết, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Tổng cục DTNN nhận thấy, để đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, nhà thầu có thể mua một số chiếc phao áo mẫu với tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu để lấy kết quả kiểm tra tại cơ quan có thẩm quyền, nhằm lấy xác nhận là đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Phiếu kết quả kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền mà nhà thầu cung cấp trong thời điểm nộp hồ sơ dự thầu không thể hiện được chất lượng của lô phao áo nhập kho DTQG khi thực hiện hợp đồng. Theo quy định của Thông tư 131/2012/TT-BTC và của hồ sơ mời thầu, khi trúng thầu và thực hiện hợp đồng, nhà thầu vẫn phải lấy mẫu trong lô phao áo sẽ nhập kho DTQG để đi kiểm tra và lấy phiếu kết quả kiểm tra của Đăng kiểm Việt Nam hoặc tại các phòng thử nghiệm VILAS hoặc tại các Trung tâm tiêu chuẩn kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thực hiện. Như vậy, việc yêu cầu nhà thầu gửi kèm phiếu kết quả kiểm tra trong hồ sơ dự thầu sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính và chi phí dự thầu (2 lần).

Đại diện Tổng cục DTNN cũng cho rằng, việc kiểm tra chất lượng phao áo nhập kho DTQG được thực hiện và kiểm soát rất chặt chẽ khi nhà thầu giao hàng, bảo đảm đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật mới được nhập kho, trong đó phải kèm theo phiếu kết quả kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền nêu trên đối với các chỉ tiêu kỹ thuật của phao áo cứu sinh.

“Việc làm này là để giảm thủ hành chính và các chi phí tham gia dự thầu, tăng số nhà thầu tham dự, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu”, ông Dương Đức Minh nói.

Hồng Sâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-doanh-phap-luat/tong-cuc-du-tru-nha-nuoc-giai-thich-viec-dau-thau-phao-ao-cuu-sinh-319011.html